Tin tức - Sự kiện

Nâng tầm tinh hoa nghề dệt

Nghệ nhân Phan Thị Thuận kiểm tra sản phẩm lụa tơ tằm. Ảnh: TRẦN HẢI Trong khi hầu hết các gia đình chuyển sang nghề dệt khăn mặt, dệt màn, nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) vẫn kiên trì “bám rễ” với nghề dệt lụa truyền thống của quê hương. […]


Nghệ nhân Phan Thị Thuận kiểm tra sản phẩm lụa tơ tằm. Ảnh: TRẦN HẢI

Trong khi hầu hết các gia đình chuyển sang nghề dệt khăn mặt, dệt màn, nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) vẫn kiên trì “bám rễ” với nghề dệt lụa truyền thống của quê hương. Từ tình yêu với nghề, bà đã tìm ra những hướng đi mới, nâng tầm tinh hoa nghề dệt.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, xã Phùng Xá vẫn giữ được nét đẹp của một ngôi làng Việt cổ bên dòng sông Đáy. Người dân nơi đây từ lâu có nghề nuôi tằm, dệt lụa. Những năm 1970 – 1980, Phùng Xá được ví như “Thủ đô dâu tằm” của miền bắc, với các mặt hàng lụa, đũi… được xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Sau này, người dân Phùng Xá chuyển đổi sang dệt hàng tiêu dùng, nhiều nhất là các loại khăn mặt, tất, màn… So với làng Vạn Phúc (quận Hà Đông), Phùng Xá không có lợi thế giao thương, cho nên khi mất đi thị trường quan trọng, nghề dệt lụa đi xuống là điều dễ hiểu. Nhưng nghệ nhân Phan Thị Thuận không cam chịu. Gia đình có bốn đời nuôi tằm, dệt lụa. Lên sáu tuổi, bà được bố mẹ dạy nghề. Gắn bó với lá dâu, con tằm từ thủa nhỏ, hiểu rõ cái hay, cái đẹp của nghề dệt lụa, cho nên khi thấy các hộ gia đình lần lượt bỏ nghề, những nương dâu bị phá để trồng cây lương thực, bà thấy chạnh lòng. Bà đi xin lá của những vạt dâu còn sót lại để nuôi tằm. Một thời gian sau, bà tìm được nguồn cung cấp lá dâu ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Ròng rã ngày nào bà cũng đạp xe hơn 20 km đi lấy lá dâu, rồi tổ chức một số hộ gia đình tiếp tục nuôi tằm, ươm tơ. Chính quyền thấy việc nuôi tằm ươm tơ đem lại hiệu quả, cho nên tạo điều kiện để người dân trồng dâu. Nghề truyền thống bắt đầu hồi sinh trên quê hương Phùng Xá.

Có người ví bà Phan Thị Thuận giống như “tổ nghề” thời hiện đại của đất tơ tằm Phùng Xá. Sau khi nhận thấy công việc nuôi tằm, ươm tơ thực chất chỉ là bán nguyên liệu cho thị trường, thu nhập không ổn định, bà Thuận quyết định nhập máy dệt lụa về tự dệt ra sản phẩm. Năm 2010, bà Thuận đứng ra thành lập doanh nghiệp, từng bước chinh phục thị trường trong nước và thế giới.

Trong quá trình nuôi tằm, quan sát kỹ những con tằm đan kén, nghệ nhân Phan Thị Thuận nhận ra con tằm tự dệt cho mình chiếc vỏ bền chặt mà không một kỹ thuật dệt tay nào có thể sánh được. Bà nghĩ, nếu con tằm không dệt tơ tròn mà dệt thành một tấm phẳng thì có thể sử dụng được sản phẩm do con tằm… tự dệt. Năm 2010, nghệ nhân Phan Thị Thuận thử nghiệm nuôi tằm tự dệt. Bà để những con tằm lên một mặt phẳng để chúng không có nơi bấu víu, không thể cuộn tròn lại để cuốn kén. Theo bản năng, đến kỳ con tằm sẽ phải nhả tơ vào không gian. Cứ thế, những con tằm cùng nằm trên một mặt phẳng rút ruột nhả tơ một cách chăm chỉ. Những sợi tơ cuốn vào nhau dệt thành những tấm chăn tơ tằm bền, đẹp. Trong xu thế trở về với các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên của người tiêu dùng trên khắp thế giới, sản phẩm chăn lụa của nghệ nhân Phan Thị Thuận được khách hàng quốc tế hết sức ưa chuộng.

Năm 2017, một cán bộ gợi ý nghệ nhân Phan Thị Thuận thử dệt lụa từ tơ sen. Bà Thuận cho biết: “Sen vốn là loài cây khá phổ biến, mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Nếu làm lụa bằng tơ sen sẽ tạo nên một sản phẩm hết sức đặc biệt, đồng thời, tạo thêm thu nhập cho người làm nghề dệt”. Ban đầu, ngay cả gia đình cũng không tin bà Thuận có thể làm lụa tơ sen thành công, nhất là khi không được ai truyền dạy kỹ thuật. Tin vào bản thân, bà đóng cửa ở trong nhà một mình nghiên cứu hàng tháng trời. Làm lụa từ sen cầu kỳ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu. Cuống sen sau khi được ngắt phải rửa thật sạch thì tơ làm ra mới sạch và đẹp. Cuống non cho lượng tơ dẻo và đẹp hơn. Để lấy được tơ sen, bà Thuận dùng dao khứa chung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời ve cho sợi tơ sen tròn lại. Nếu cắt quá sâu, tơ sen sẽ bị đứt. Công việc phải hết sức cẩn thận. Tơ rút xong được cho vào ống và đưa vào guồng. Tính ra, phải cần tới 4.800 cuống sen cho một chiếc khăn quàng cổ dài 1,7 m. Sản phẩm lụa từ tơ sen bền, mát và có thể làm thành nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ. Là người đầu tiên làm chăn tơ tằm, một lần nữa, nghệ nhân Phan Thị Thuận trở thành người đầu tiên thành công với lụa tơ sen.

Bằng tình yêu nghề truyền thống và những nỗ lực, sáng tạo không biết mệt mỏi, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa cổ truyền. Với những sản phẩm độc đáo của bà, thương hiệu dệt Phùng Xá nói riêng, Mỹ Đức nói chung ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng.

Theo Báo Nhân dân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *