Mùa Vu Lan sắp trôi qua, nhưng dư âm của những câu chuyện về chữ hiếu của con cái với ông bà, bố mẹ vẫn đọng lại. Và nhiều người cho rằng, trong thời buổi coi trọng chủ nghĩa cá nhân, những căn hộ nhiều phòng ngăn cách sự sum vầy, cuộc sống gấp gáp, […]
Mùa Vu Lan sắp trôi qua, nhưng dư âm của những câu chuyện về chữ hiếu của con cái với ông bà, bố mẹ vẫn đọng lại.
Một người khác kể, dù bận rộn đến đâu, một năm ông đều dành một khoảng thời gian nhất định để về quê, tự tay nấu những món ăn mẹ thích, trò chuyện và đưa mẹ đi chơi. Các anh em của ông dù ở xa hay gần đều thu xếp công việc luân phiên nhau để bao giờ cũng phải ít nhất một người có mặt bên cạnh bà cụ thân sinh. Ông tâm sự: Nếu thuê người, thuê dịch vụ chăm sóc, gia đình ông cũng thừa sức, nhưng điều đó có làm bố mẹ họ sống vui vẻ những ngày cuối đời không?
Nhưng cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn hơn, mưu sinh cũng mệt nhọc hơn, sự độc lập được coi trọng, nên khoảng cách giữa bố mẹ và con cái cũng ngày càng lớn, thậm chí sống cùng nhà cũng không còn thời gian trò chuyện với nhau, bởi vậy sự báo hiếu về vật chất cũng được thể hiện nhiều hơn. Nhiều người thường chọn cách sắm sửa đồ đạc trong nhà, mua cho bố mẹ cái này, cái kia hoặc biếu tiền hàng tháng. Và họ coi thế là đã đủ bổn phận của lòng hiếu thảo.
Không ít người khác lại đổ lỗi cho hoàn cảnh và tạo nên không ít chuyện đau lòng quanh chữ hiếu. Có những gia đình con cái đông đủ, nhưng bố mẹ lại ở với người giúp việc, hàng tuần, hàng tháng con cái họ gửi cho bố mẹ ít tiền, coi như đã làm xong phận sự. Gần đây, những câu chuyện thương tâm về tình trạng người già bị ngược đãi xảy ra ngày càng nhiều. Và theo nhiều thống kê, con số về bạo lực gia đình với bố mẹ ngày càng gia tăng, đây là một thực trạng đáng báo động. Nhiều đứa con đã thẳng tay đuổi bố mẹ già ra khỏi nhà, thậm chí đánh đập dã man… vì coi họ là gánh nặng. Đây là nỗi buồn trong xã hội hiện đại.
Theo nhiều nhà nghiên cứu về gia đình và các giá trị truyền thống, chữ hiếu trước hết phải xuất phát từ tình cảm yêu thương, quan tâm, trách nhiệm và cách giáo dục của bố mẹ đối với con cái. Chữ hiếu hiện đã có nhiều thay đổi về cách thể hiện, nhưng vẫn dựa trên tinh thần bình đẳng và dân chủ, sẻ chia, tâm lý. Nhiều gia đình nuôi dạy con tử tế nên con hiếu đễ với bố mẹ, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của mỗi người con.
Trong các cuộc thảo luận quanh “Chữ hiếu thời đương đại”, các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, cuộc sống đang diễn ra nghịch lý là con cái đòi hỏi ở bố mẹ rất nhiều nhưng quan tâm, yêu thương lại rất ít. Nhiều người sẵn sàng bỏ nhiều giờ đồng hồ để ngồi với bạn bè, ăn món này món kia hay lướt wed, facebook, chơi game… nhưng chưa từng ngồi trò chuyện hay nấu một bữa ăn yêu thích cho bố mẹ mình. Bạn bè giúp mình việc gì dù nhỏ, họ có thể “khắc cốt ghi tâm”, nhưng ít ai có được lời cảm ơn dành cho người sinh ra và nuôi nấng mình, vì cho rằng đó là hiển nhiên. Cuốn theo vòng xoáy cuộc sống, không ít người chỉ khi bố mẹ không còn mới thấy ân hận vì đã không “đủ tốt” trong cách đối xử với bậc sinh thành.
Chữ hiếu là nền tảng của hạnh phúc, có tác dụng giáo dục và chính là tấm gương sáng nhất cho con cái. Cuộc sống luôn thay đổi nhưng có những giá trị mang tính nền tảng, cốt lõi thì ở thế hệ nào, bây giờ hay cả sau này vẫn như nhau. Điều cần thiết là mỗi gia đình phải xây dựng và giữ gìn được những giá trị chung cho các thành viên để tạo nên sự gắn kết bền chặt. “Đừng đợi đến ngày mai, bởi lẽ… ngày hôm sau đó có thể không bao giờ đến nữa”, đó là thông điệp được các chuyên gia đưa ra trước thực trạng không ít người con đối xử không tốt với bố mẹ, nhưng lại khóc lóc, bỏ rất nhiều tiền ra làm đám ma thật to, cúng giỗ thật nhiều và coi rằng đấy là chữ hiếu.