Chiều 22/11, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2018.
Hà Nội là nơi lưu giữ khối lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn nhất cả nước, là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê di tích, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 30 quận, huyện, thị xã. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố. Hiện Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản thế giới (Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội), 13 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố, 3.487 di tích chưa xếp hạng.
Đồng thời, trên địa bàn Hà Nội cũng hiện có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 276 di sản được đưa vào diện ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, trong số các di sản ưu tiên bảo vệ có 11 di sản ưu tiên bảo vệ khẩn cấp, nằm trong hai loại hình ngữ văn dân gian và nghệ thuật trình diễn dân gian.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Tô Văn Động – GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, Hà Nội với vị trí là Thủ đô, nơi lưu giữ khối lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn nhất cả nước. Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã và luôn nâng cao trách nhiệm cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Trong các nhiệm kỳ công tác, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đều đã ban hành các Nghị quyết, chương trình kế hoạch để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tập trung nguồn lực để tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó Quy hoạch Tổng thể ngành Văn hóa Thủ đô đến năm 2020, định hướng 2030 đã được phê duyệt.
Sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô tuy đạt được những thành tích đáng khích lệ, nhưng cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Tại buổi gặp mặt kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2018), thay mặt ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ông Tô Văn Động mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, sự phối hợp giúp đỡ của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cùng các nhà khoa học, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân, các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và Hà Nội cùng các tầng lớp nhân dân để sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp.
Hồng Duyên
Theo MaskOnline