Ngày 4/10/2018, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức họp giao ban và sơ kết công tác 9 tháng đầu năm 2018. Dưới đây là tóm tắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của Ngành Văn hóa Thủ đô 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018.
Những kết quả đạt được của 9 tháng đầu năm 2018 trong công tác chỉ đạo, điều hành– Công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai chủ động, quyết liệt, có nhiều đổi mới, bám sát thực tế, chấp hành nghiêm túc, đầy đủ sự chỉ đạo, điều hành Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có những chuyển biến tích cực bám sát yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động của Ngành; hoạt động sự nghiệp ổn định theo kế hoạch. Cơ bản các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND Thành phố trong lĩnh vực văn hóa (chỉ tiêu về mô hình văn hóa) đều đảm bảo hoàn thành.
– Công tác xây dựng, triển khai các văn bản pháp quy, văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao được chú trọng, Ngành đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 24/4/2018 phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2050; triển khai xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về “Đánh giá sự phát triển văn hóa, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đảm bảo an sinh xã hội nhiệm kỳ Đại hội XVI (2015-2020) và định hướng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
– Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Trực tiếp thực hiện các dự án, đề án được giao; tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy: Giám sát việc thực hiện Chương trình và các chỉ tiêu, dự án, đề án tại 12 Sở, ngành, quận, huyện; Ban hành Kế hoạch về việc thực hiện 02 Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 -2020; Tổ chức Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ và triển khai nhiệm vụ cuối nhiệm kỳ 2015-2020. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở nghiêm túc tổ chức thực hiện 02 bộ quy tắc ứng xử.
– Ban hành Kế hoạch, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Thực hiện rà soát cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm để sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo. Triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện Quy định đánh giá, xếp loại hàng tháng đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng đang công tác tại các phòng.ban, đơn vị thuộc Sở. Tổ chức rà soát, sửa đổi, điều chỉnh Quy chế làm việc của Sở. Tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành công vụ, kỷ cương hành chính tại các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở năm 2018. Thực hiện nghiêm túc chào cờ sáng thứ hai hàng tuần.
– Tổ chức tốt các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao kỷ niệ các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô trong 9 tháng đầu năm 2018. Tiêu biểu: Các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”; Kỷ niệm 10 năm diều chỉnh địa giới thành phố Hà Nội; Chung khảo Hội thi “Tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”; hoạt động giao lưu Nhật Bản…
Những kết quả trong lĩnh vực Văn hóa – Gia đình
– Với hoạt động nghệ thuật quần chúng: Sở đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo hạt nhân văn hóa, văn nghệ cho cơ sở. Phong trào văn hóa, văn nghệ tại các quận, huyện, thị xã ngày càng được quan tâm; nhiều liên hoan nghệ thuật quần chúng được tổ chức, thu hút đông đảo các quận, huyện, thị xã tham dự.
– Chất lượng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tiếp tục được nâng cao. Các Nhà hát nghệ thuật thuộc Sở đã tổ chức gần 2.200 buổi biểu diễn, phục vụ hơn 700 nghìn lượt khán giả, doanh thu gần 40 tỷ đồng; dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật tại các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô. Tham gia các Liên hoan, Cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đạt tổng số 28 huy chương các loại, trong đó có 02 huy chương vàng vở diễn, 12 huy chương vàng và 14 huy chương bạc tiết mục, cá nhân.
– Công tác gia đình được tổ chức thực hiện thông qua các hoạt động từ cơ sở, trọng tâm xây dựng gia đình no ấm, gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực, bạo hành gia đình, tiêu biểu là các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc; Ngày gia đình Việt Nam 2017; chung khảo hội thi “Tổ trưởng dân phố thân thiện”; “Gia đình văn minh hạnh phúc” thành phố hà Nội năm 2018. Tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình thành phố Hà Nội năm 2018. Hướng dẫn các địa phương thực hiện việc đánh giá bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa đảm bảo đúng trình tự quy định.
– Công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội năm 2018 được tổ chức tốt, cơ bản khắc phục được những hạn chế, tồn tại của những năm trước. Hà Nội là địa phương được Bộ VHTTDL biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao về những chuyển biến, kết quả đạt được trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018. Triển khai rà soát danh mục và quy trình tổ chức, nghi lễ trong lễ hội truyền thống nhằm phát hiện ra những nguy cơ phản cảm, mất an toàn trong thực hành lễ hội.
– Hoạt động quản lý, bảo tồn di sản văn hóa tiếp tục ổn định; việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm; những vụ việc vi phạm trong quản lý về di sản ngày càng giảm, được phát hiện, xử lý, giải quyết kịp thời. Hướng dẫn, phối hợp UBND quận huyện tổ chức đoán Bằng Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm; quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức). Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia một số lễ hội: Đền thờ Hai Bà Trưng, Tản Viên Sơn Thánh, Đình Chèm, đình Trường Lâm. Tổ chức hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hoàn thành xét tặng danh hiệu: Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.
– Một số thiết chế văn hóa do Sở trực tiếp quản lý: Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đạt doanh thu gần 7,5 tỷ đồng, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đạt doanh thu hơn 34 tỷ đồng, di tích đền Ngọc Sơn đạt doanh thu 19,4 tỷ đồng và Nhà hát Múa rối Thăng Long đạt doanh thu gần 30 tỷ đồng tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch.
– Công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan tiếp tục có nhiều đổi mới, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, được thực hiện đồng bộ từ Thành phố đến cơ sở; hình thức, mẫu mã trang trí được đổi mới văn minh, hiện đại cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu Thành phố.
– Hoạt động Bảo tàng tập trung thực hiện phần nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Phối hợp các công ty du lịch xây dựng tour tham quan mang tính liên hoàn, đồng bộ. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Bảo tàng tham gia trực tiếp các nội dung vận hành. Bảo tàng Hà Nội đã duy trì mở cửa thường xuyên, đón tiếp khách tham quan, nghiên cứu, học tập, tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện lớn của Thành phố.
– Các hoạt động sự nghiệp: Thư viện, điện ảnh tổ chức các hoạt động phục vụ bạn đọc, chiếu phim phục vụ nhân dân tại Thư viện Hà Nội, rạp Kim Đồng và tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một số hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được, 9 tháng đầu năm 2018 ngành Văn hóa Thủ đô vẫn còn một số hạn chế và tồn tại. Cụ thể:
– Một số lĩnh vực quản lý của Ngành như: Hoạt động quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật, kinh doanh dịch vụ văn hóa… đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vi phạm và tái vi phạm vẫn còn tiềm ẩn, phổ biến.
– Một số công tác vẫn còn những nội dung, nhiệm vụ thực chưa đảm bảo tiến độ đề ra và yêu cầu của UBND Thành phố như: Dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội; Triển khai các nội dung vế việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô. Công tác xây dựng các đề án: Nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở 2016-2020; Quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn, Tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội; Xây dựng lực lượng Huấn luyện viên và Vận động viên Hà Nội giai đoạn 2018 – 2018…
– Nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp kịp thời. Một số di tích thực hiện tu bổ, tôn tạo không đúng quy định, điển hình như: Việc tu bổ, tôn tạo ngôi đình cổ Lương Xá huyện Ứng Hòa,Hà Nội. Công tác phối hợp, kết hợp với ngành Du lịch để phát triển, tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa đặc thù, đặc trưng của Thủ đô cũng còn hạn chế.
– Hoạt động công tác gia đình chưa đa dạng, tình trạng bạo lực gia đình, cách hành xử thiếu văn minh, văn hóa trong gia đình chưa được hạn chế.
– Công tác phối hợp giữa một số đơn vị sự nghiệp và phòng chuyên môn nghiệp vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước như: Ban quản lý Di tích, Danh thắng Hà Nội và phòng Quản lý Di sản văn hóa trong lĩnh vực quản lý di tích văn hóa, lịch sử…; giữa các phòng chuyên môn nghiệp vụ như: Thanh tra Sở và phòng Quản lý Văn hóa trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo… có lúc, có thời điểm chưa thật sự tốt, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đơn vị.
Một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018
– Tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 34/Ctr-UBND ngày 28/1/2018; Kế hoạch số 43/KH- UBND ngày 18/02/2016 của UBND Thành phố; thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của Ngành trong 9 tháng đầu năm, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2018 trong lĩnh vực Văn hóa và Thể thao.
– Tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao trong 3 tháng cuối năm 2018 như: Các hoạt động diễn ra trong tháng 10/2018 gồm: Kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2018; Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2018”; Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2018. Bên cạnh đó còn các hoạt động biểu diễn như: Lễ hội Âm nhạc quốc tế “Gió mùa”, Kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam; Liên hoan sân khấu “Kịch ngắn – Kịch vui không chuyên” Hà Nội – 2018. Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; chào mừng Tết Dương lịch 2019.
– Thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy là trực tiếp thực hiện, hoàn thành các đề án được giao. Tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình kiểm tra, đôn đốc các Sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện Chương trình 04 đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.
– Chuẩn bị nội dung Sở VHTT là cơ quan chủ trì, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 10/2018 theo chương trình công tác năm 2018 của UBND Thành phố: Đề án đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ viên chức Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết HĐND Thành phố về đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố năm 2018; Đề án mức thu phí các di tích, danh thắng trên địa bàn Thành phố.
– Tiếp tục thực hiện các nội dung “Năm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị”, cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, ứng dụng Công nghệ thông tin, phấn đấu chỉ số Cải cách hành chính năm 2018 của Sở VHTT nằm trong top 10 các Sở, ngành Thành phố.
– Tham mưu UBND Thành phố triển khai tổ chức thực hiện Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành Công nghiệp văn hóa Thủ đô trong năm 2018; Tiếp tục tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn Thành phố.
– Tăng cường công tác quản lý nhà nước, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý tiềm ẩn vi phạm và tái vi phạm.
– Phối hợp, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố. Triển khai các dự cán bảo tồn, tôn tạo di tích do Sở trực tiếp quản lý. Triển khai công tác chuẩn bị tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn phố năm 2019.
– Tiếp tục triển khai các nội dung phần trưng bày Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Hoàn thiện đề án sắp xếp, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; báo Thành ủy, UBND Thành phố.
– Ngoài ra, trong 3 tháng cuối năm 2018, Sở VHTT Hà Nội cũng đẩy mạnh việc tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế và xã hội hóa các hoạt động văn hóa.
P.V