Năm 2017 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020; năm Thành phố Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính”.
Theo đó, trong năm 2017, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát động các phong trào thi đua yêu nước. Toàn Ngành đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành kế hoạch công tác đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Gia đình.
Hoàn thành tốt vai trò quản lý Nhà nước
Công tác xây dựng, triển khai các văn bản pháp quy, văn bản quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao được chú trọng. Ngành đã tham mưu, báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố một số đề án, quy hoạch quan trọng như: Nghị quyết về Đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn Thành phố; Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời đến năm 2020, định hướng đến năm 2050; các đề án: Nâng cao chất lượng mô hình văn hóa cơ sở 2016-2020; Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ Thành phố đến cơ sở; Quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Nhà văn hóa – Khu thể thao, Tổ dân phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Xây dựng lực lượng Huấn luyện viên và Vận động viên Hà Nội giai đoạn 2016-2021.
Công tác cải cách hành chính được tập trung thực hiện. Sở VHTT đã hoàn thành nhập dữ liệu 73 thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở vào cơ sở dữ liệu quốc gia; đăng ký 55/73 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (đạt 75%) thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Từ ngày 18/5 đến ngày 30/11/2017, tiếp nhận 487/519 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, đạt 93,83%.
Thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”, ngành VHTT đã ban hành quy chế làm việc, tham mưu UBND TP ban hành và triển khai tới các phòng ban, đơn vị trực thuộc ký cam kết và thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.
Hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiên Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản – di tích đạt được những kết quả tích cực
Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của 5.922 di tích đạt được những kết quả tích cực. Năm 2017, 02 di tích của Thủ đô: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (Chùa Hương), huyện Mỹ Đức và Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Chèm, quận Bắc Từ Liêm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (nâng tổng số di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội lên 13 di tích). Lượng khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu các di tích ngày một tăng; các vụ việc liên quan đến di tích đã giảm và cơ bản được giải quyết kịp thời. Sở VHTT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn 15 quận, huyện; xây dựng danh mục các di tích xuống cấp trên địa bàn Thành phố. Các di tích, danh thắng do Sở trực tiếp quản lý đã đón tiếp, phục vụ gần 2,63 triệu lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, du lịch, doanh thu đạt hơn 75,1 tỷ đồng.
Hoàn thành hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 03 di sản: Lễ hội bơi Đăm – Bắc Từ Liêm; Lễ hội đình Trường Lâm – Long Biên; Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh – Ba Vì.
Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ chính trị được triển khai chủ động, tích cực đổi mới góp phần làm đẹp cảnh quan, mỹ quan đường phố.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức sôi nổi, rộng khắp với hơn 3.300 buổi biểu diễn nghệ thuật, trong đó có 414 buổi biểu diễn phục vụ chính trị. Tổ chức hơn 6.200 buổi chiếu phim. Đạt 14 huy chương các loại khi tham gia các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp và 04 huy chương khi tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc.
Tổ chức thành công các hoạt dộng phục vụ sự kiện chình trị, ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô: Các hoạt động trong dịp Tết Dương lịch 2017; Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017; kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”…
Công tác gia đình được tổ chức thực hiện thông qua các hoạt động từ cơ sở, trọng tâm xây dựng gia đình no ấm, gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực, bạo hành gia đình, xây dựng phong trào giữ gìn trật tự, vệ sinh, văn minh đô thị, nhất là trong các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Năm 2017, toàn Thành phố có 86% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 60% làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; 70,5% tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”. Tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội trên địa bàn Thành phố diễn ra nề nếp, trật tự, an toàn, không xảy ra vi phạm lớn, cơ bản khắc phục được những hạn chế, tồn tại của những năm trước.
Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế được mở rộng. Năm 2017, Sở VHTT phối hợp với 10 tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế tổ chức thành công gần 100 hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội tại khu vực không gian tuyến phố đi bộ Hoàn Kiếm, trong đó có nhiều sự kiện, hoạt động lớn như: Giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản và triển lãm hoa anh đào; Những ngày Seoul tại Hà Nội; sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội…
Xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao có nhiều chuyển biến tích cực thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của ngành Văn hóa và Thể thao trong việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao đa dạng từ công tác tổ chức các hoạt động, sự kiện (tiêu biểu là các chương trình nghệ Countdown chào năm mới 2017; Chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airline Classic – Hanoi Concert 2017…); trang trí ánh sáng các tuyến đương khu vực trung tâm Thành phố; công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đến việc quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao.
Thể thao Hà Nội giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước
Thể thao Hà Nội giữ vững vị trí một trong những địa phương dẫn đầu cả nước tại các giải thi đấu thể thao với 2.343 huy chương đạt được, trong đó có 1.969 huy chương tại các giải thể thao trong nước, 374 huy chương tại các giải thể thao quốc tế. Hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 khi tham dự SEA Games 29 tại Malaysia, đoàn Thể thao Hà Nội đóng góp 107 VĐV, chiếm 22,7% tổng số VĐV Đội tuyển quốc gia, giành tổng cộng 50 huy chương (gần 30% tổng số 168 huy chương của Đoàn Thể thao Việt Nam) tại 17 môn thi đấu, trong đó có 17 HCV, 15 HCB, 18 HCĐ, phá 02 kỷ lục SEA Games.
Tổ chức thành công Đại hội TDTT Thủ đô cấp cơ sở tại 584/584 xã, phường, thị trấn và 398 đơn vị ngành, đoàn thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang, thu hút hơn 800.000 người tham gia; 30/30 quận, huyện, thị xã, 05 Sở, ngành, đoàn thể Thành phố tổ chức Đại hội, thu hút hơn 200.000 người tham gia. Đại hội TDTT Thủ đô lần thứ IX năm 2017 cấp Thành phố có 9.500 lượt vận động viên đến từ 30 quận, huyện, thị xã và 82 đơn vị trường Trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố, tham gia 22 môn thi đấu trong chương trình Đại hội.
Hoạt động TDTT tại các quận, huyện, thị xã mừng Đảng, mừng Xuân và chào mừng các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn diễn ra sôi nổi, tiêu biểu là các hoạt động: Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2017; giải chạy Báo Hà Nội mới mở rộng lần thứ 44 vì hòa bình; chương trình chạy tiếp sức hưởng ứng SEA Games 29 và Para Games 9; màn đồng diễn thể dục dưỡng sinh người cao tuổi với 5.000 người được tổ chức kỷ lục Việt Nam ghi nhận là màn đồng diễn thể dục dưỡng sinh có số lượng người cao tuổi tham gia đông nhất Việt Nam.
Năm 2017, Thành phố tổ chức 29 giải thể thao quần chúng với hơn 10.320 lượt VĐV tham dự; Cử đội tuyển tham gia thi đấu 11 giải thể thao quần chúng đạt 72 huy chương (23 HCV, 17 HCB, 32 HCĐ). Tổ chức 17 giải thi đấu Thể thao quốc gia, quốc tế và Hà Nội mở rộng.
Với quyết tâm siết chặt kỷ cương hành chính, đổi mới phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, năm 2017, toàn ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đạt được nhiều thành công, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của Hà Nội trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, giàu truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc những vẫn hòa nhập với những giá trị văn hóa thế giới.
Tô Nga
Theo MaskOnline