Năm 2018 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI; năm thứ ba thực hiện Kế hoạch kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020; năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và […]
Năm 2018 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI; năm thứ ba thực hiện Kế hoạch kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020; năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và Thủ đô. Với quyết tâm siết chặt kỷ cương, sáng tạo, đổi mới, trách nhiệm, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề của năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bản tin Văn hóa Hà Nội có cuộc trao đổi với đồng chí Tô Văn Động, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về những thành tích nổi bật của Ngành trong năm 2018.
PV: Thưa đồng chí, trong năm 2018, nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quy mô quốc tế đã được ngành tập trung thực hiện và trở thành thương hiệu của Thủ đô, đặc biệt là các sự kiện được tổ chức tại tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Đồng chí có thể giới thiệu một số sự kiện nổi bật với bạn bè trong nước và quốc tế?
Đ/c Tô Văn Động: Năm 2018, với mục tiêu đưa các sự kiện văn hóa, thể thao lớn, đặc trưng, đẳng cấp trong nước và quốc tế tổ chức tại Thủ đô, Sở Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công 162 sự kiện, trong đó có 07 sự kiện của các tỉnh, thành phố và 21 sự kiện quốc tế tổ chức tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
Bên cạnh việc duy trì, tổ chức những sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế, thường niên tại Thủ đô như: Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert 2018; hoạt động giao lưu văn hóa Nhật Bản…; nhiều sự kiện lớn lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, đã để lại dấu ấn đối với nhân dân Thủ đô và du khách: Lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội – Hội tụ và tỏa sáng”, Giải chạy Marathon quốc tế di sản Hà Nội 2018; Ngày văn hóa Anh, Israel, Lễ hội Đức, sự kiện quảng bá văn hóa Pháp, Thái Lan…
Điểm đặc biệt là phần lớn các sự kiện được tổ chức theo hình thức xã hội hóa. Đây là sự nỗ lực không ngừng của Ngành Văn hóa và Thể thao trong việc giới thiệu, tôn vinh về văn hóa, di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam, Thủ đô, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, thúc đẩy du lịch phát triển.
PV: Năm 2018 đánh dấu cột mốc quan trọng 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Trong lĩnh vực văn hóa, việc bảo tồn, phát huy giá trị của Văn hóa Thăng Long cùng với Văn hóa Xứ Đoài đã được triển khai thế nào để làm giàu thêm bản sắc văn hóa của Thủ đô, thưa đồng chí?
Đ/c Tô Văn Động: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2018 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội, bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa. Nhiều giá trị văn hóa đã được phục dựng, tôn tạo và đưa vào khai thác; nhiều di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh; thành phố Hà Nội – biểu tượng của hòa bình ngày càng được tôn vinh.
Chương trình “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt, phong trào “Người tốt, việc tốt” phát triển sâu rộng và nhiều phong trào thi đua khác đã và đang lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giữ vững và ổn định tình hình chính trị – xã hội, là động lực phát triển Thủ đô trong tiến trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được thành phố quan tâm thực hiện như tăng cường hoạt động quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố; Việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm đầu tư kết hợp giữa nguồn ngân sách của Thành phố, quận, huyện, thị xã và nguồn xã hội hóa trong nhân dân. Năm 2018, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định về việc “Bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã để thực hiện tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 50 di tích xếp hạng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cuối năm 2018 đã có thêm 03 di tích thuộc thành phố Hà Nội là: Di tích lịch sử Gò Đống Đa (quận Đống Đa), Đình So (huyện Quốc Oai), Đình Tường Phiêu (huyện Phúc Thọ) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, nâng tổng số di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội lên 16 di tích.
Di sản văn hóa phi vật thể luôn được Sở quan tâm phát huy giá trị. Có những di sản của làng quê lần đầu tiên được đưa ra trình diễn tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm thu hút sự quan tâm của du khách như: Hát Chèo tàu (ở huyện Đan Phượng) và múa Bồng (làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì). Một số di sản văn khác được trao đổi hợp tác quốc tế như di sản Hát ca trù, Kéo co…Từ di sản nằm trong danh mục cần bảo vệ khẩn cấp, Hà Nội đẩy mạnh công tác tư liệu hóa, truyền dạy Hát ca trù thông qua các Liên hoan tài năng trẻ Ca trù Hà Nội, Liên hoan Ca trù toàn quốc, với nhiều giải thưởng xuất sắc giúp Ca trù ngày càng được bảo tồn và phát huy. Di sản Kéo co tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia trong khu vực với nhiều hoạt động giao lưu, trình diễn tại Thủ đô Hà Nội. Cũng trong năm 2018, nhiều nghệ nhân được quan tâm, hỗ trợ xây dựng hồ sơ trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”. Đó là những nỗ lực mà ngành đã tích cực triển khai thực hiện để giữ gìn và làm giàu thêm bản sắc văn hóa của Thủ đô.
PV: Nhận trọng trách đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII- Hà Nội 2018 và xuất sắc giành vị trí Nhất toàn đoàn, xin đồng chí cho biết Hà Nội đã chuẩn bị những nguồn lực gì để tổ chức thành công kỳ Đại hội thể thao thành tích cao có quy mô lớn nhất cả nước?
Đ/c Tô Văn Động: Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII – Hà Nội 2018: Sự kiện thể thao quy mô lớn nhất ở nước ta, được tổ chức 4 năm một lần, quy tụ hơn 11.000 cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên thuộc 63 đoàn tỉnh, thành và 2 ngành Công an, Quân đội, thi đấu 743 nội dung thi đấu của 36 môn thể thao trong hành trình kéo dài 25 ngày liên tiếp.
Hà Nội – với đội ngũ những người làm thể thao chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm đã nỗ lực phối hợp Bộ VHTTDL, Tổng Cục TDTT, huy động các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp các môn thể thao trong Chương trình thi đấu tại Đại hội. Đây là kỳ Đại hội được đánh giá thành công nhất về công tác tổ chức, chuyên môn, hậu cần… trong lịch sử 08 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc.
Về công tác chuyên môn, đoàn thể thao Thủ đô đã xuất sắc đứng vị trí Nhất toàn đoàn trong tổng số 65 đoàn thể thao tham dự Đại hội với tổng cộng: 464 huy chương đạt được, trong đó có 176 HCV, 149 HCB, 139 HCĐ.
PV: Chạy đua với thời gian và vượt qua nhiều điều kiện khắt khe về cơ sở vật chất, hạ tầng và tài chính, vừa qua, Hà Nội đã chính thức giành quyền đăng cai chặng đua F1. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của sự kiện thể thao danh giá hàng đầu thế giới này?
Đ/c Tô Văn Động: Hà Nội – trung tâm văn hóa lớn của đất nước không chỉ là Thành phố hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế ở trầm tích văn hóa 1.000 năm với các địa danh Thăng Long tứ trấn, đền Ngọc Sơn, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Một Cột… mà còn là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn thể hiện tính giao lưu và hội nhập.
Sau hơn 2 năm đàm phán, thành phố Hà Nội đã chính thức ký kết với Tập đoàn Formula One về việc đăng cai tổ chức Giải đua xe Công thức 1 với thời hạn 10 năm bắt đầu từ năm 2020. Đường đua được đặt tại Khu liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình. Hà Nội – Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 22 Giải đua xe Công thức 1 Thế giới – giải đua xe danh giá, đẳng cấp quốc tế, đưa tên Hà Nội lên trên bản đồ các sự kiện thể thao quốc tế. Đây không đơn thuần chỉ là một sự kiện thể thao, nó còn là dịp để quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội và Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đường đua tại Hà Nội là đường đua duy nhất trên thế giới với 1 nửa là đường giao thông và 1 nửa được xây mới. Với độ dài 5,565 km được thiết kế bởi Tập đoàn Tilke của Đức, chặng đua tại Hà Nội không chỉ là thử thách đối với các tay đua mà còn mang đến cho khán giả, người hâm mộ những màn trình diễn hấp dẫn. Dự kiến, tháng 4 năm 2020, giải đua sẽ chính thức diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
PV: Trước thềm năm mới, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức những hoạt động gì để mừng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thưa đồng chí?
Đ/c Tô Văn Động: Nối tiếp các hoạt động chào năm mới 2019, nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, bên cạnh các chương trình văn hóa, nghệ thuật, chiếu phim, triển lãm, thể dục thể thao được tổ chức theo truyền thống tại khu vực trung tâm Thành phố và các quận, huyện, thị xã, Sở sẽ đẩy mạnh công tác trang trí chiếu sáng, cổ động trực quan trên các tuyến đường trung tâm Thành phố; huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia công tác trang trí chiếu sáng, trang trí cây hoa, cây cảnh nhân dịp Tết Nguyên đán làm đẹp cảnh quan đường phố Thủ đô; tổ chức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại quận, huyện, thị xã; Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng vào ngày 12 và 13 tháng Giêng tại Hồ Tây; mở cửa các di tích: Đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong suốt dịp Tết Nguyên đán để đón tiếp, phục vụ khách tham quan, du lịch.
Hy vọng với nhiều hoạt động diễn ra khắp các quận, huyện, thị xã trong toàn Thành phố sẽ mang tới một không khí đón xuân mới đầm ấm, yên vui, mở đầu cho một năm mới với nhiều thành công mới.
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Mai (Th/hiện)