Sáng 27/4, tại Thành phố Vinh (Nghệ An), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam (NCBTVPHVHDTVN ) phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Ngày hội thơ Đường luật Việt Nam lần thứ XII – 2017. Đây là một trong những hoạt động thiết thực chào […]
Sáng 27/4, tại Thành phố Vinh (Nghệ An), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam (NCBTVPHVHDTVN ) phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Ngày hội thơ Đường luật Việt Nam lần thứ XII – 2017. Đây là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2017) và 42 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2017).
Quang cảnh ngày hội thơ Đường luật lần thứ XII
Tham dự ngày hội có Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam; đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An và hơn 1.000 hội viên thuộc các chi hội thơ Đường luật trên toàn quốc.
Tại ngày hội, đông đảo hội viên đã cùng ôn lại quá trình hình thành và phát triển của thơ Đường luật Việt Nam; đọc phú ca tụng miền đất Nghệ An; giao lưu thơ giữa các chi hội toàn quốc. Đồng thời, giới thiệu tập Đường thi XII với các vần thơ Đường của 1.250 tác giả thuộc các chi hội thơ Đường luật trên toàn quốc.
Gs. Hoàng Chương đánh trống khai hội và phát biểu tại ngày hội thơ Đường luật Việt Nam lần thứ XII (hai ảnh trên)
Ngày hội thơ Đường luật Việt Nam lần thứ XII diễn tra một cách long trọng, trang nghiêm nhằm gìn giữ, phát huy một thể thơ được cha ông ta đã dày công Việt hóa từ hàng nghìn năm nay, thơ Đường đã trở thành một thể thơ truyền thống mang đậm tâm hồn, trí tuệ và ngôn ngữ của người Việt, thể hiện nét văn hóa riêng dân tộc Việt Nam.
Văn nghệ chào mừng ngày hội thơ Đường luật Việt Nam lần thứ XII
Tiếp thu và vận dụng những tinh hoa của thơ Đường, các thi nhân, thi sỹ trong giới hào kiệt, nho sĩ Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước đã sử dụng thơ Đường như một vũ khí hàng đầu trong mặt trận Văn hóa, Tư tưởng, Ngoại giao… Các thế hệ đi trước như: Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Hoàng Văn Thụ đều vận dụng thơ Đường để kêu gọi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, kêu gọi nhân dân ta đoàn kết chiến đấu bảo vệ non sông đất nước. Trong đó, phải kể đến Lý Thường Kiệt đã tuyên ngôn: “Nam quốc sơn hà nam đế cư – Tiệt nhiên định phận tại thiên thư – Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm – Nhữ đẳng hành khan thủ loại hư”. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là Người sáng tác các tác phẩm theo thể thơ Đường luật, mà tập trung nhất, trí tuệ mẫn tiệp nhất những ngày tháng trong lao tù để có tập thơ “Ngục Trung Nhật Ký”; ngoài ra, những bài thơ chúc tết của Bác hàng năm nội dung và nghệ thuật đều toát lên “chất thép”, tinh thần yêu nước cao cả chống áp bức, nô lệ, lầm than, kêu họi nhân dân dũng cảm đấu tranh giành độc lập tự do.
Các đại biểu tham dự ngày hội thơ Đường luật Việt Nam lần thứ XII
Phát biểu tại Ngày hội thơ Đường luật Việt Nam lần thứ XII, Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam khẳng định: Trong 11 năm qua, Hội thơ Đường Việt Nam đã trở thành một tổ chức bền vững với 70 Chi hội cơ sở ở 43 tỉnh, thành phố với gần 2.500 hội viên là những trí thức, nhà giáo, cán bộ hưu trí, người cao tuổi tham gia. Đây thật sự là sân chơi sôi nổi, hoạt động văn hóa, trí tuệ, tao nhã của những người yêu thơ Đường. Hiện nay, cứ sau dịp Ngày thơ Việt Nam, Hội thơ Đường luật Việt Nam lại tổ chức Ngày hội thơ Đường toàn quốc luân phiên ở các địa phương trên toàn quốc. Hàng năm, Hội thơ Đường luật Việt Nam đều xuất bản các tổng tập Thơ Đường mang tên “Thắp sáng Đường thi và Thơ Đường luật Việt Nam” với sự tham gia của hàng chục ngàn tác giả, tác phẩm. Trong những năm qua, các Chi hội địa phương, các cá nhân đã xuất bản, phát hành hơn 750 tập thơ Đường, tổ chức 5 cuộc thi thơ Đường, câu đối và nhiều cuộc Hội thảo Khoa học mà nổi bật gần đây là cuộc Hội thảo “Tố Hữu với văn hóa dân tộc”, Hội thảo khoa học “Bác Hồ với thơ Đường luật Việt Nam”… được Nhà nước và các tổ chức xã hội đánh giá cao.
NSUT Pham Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở VHTT và DL Nghệ An phát biểu tại ngày hội thơ Đường luật lần thứ XII
Thời gian tới, Hội thơ Đường luật Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố công tác tổ chức cho phù hợp với đà phát triển ngày càng mạnh mẽ của phong trào thơ Đường luật Việt Nam; mở rộng phạm vi về các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, tập trung tổ chức Hội thảo khoa học Hàn Thuyên với thơ Đường luật Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 5/2017.
Trung tâm NCBTVPHVHDTVN Tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
Dịp này, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cũng đã tặng Bằng khen cho 36 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Văn hóa thơ Đường luật Việt Nam giai đoạn 2015 – 2016.
Trước đó, các đại biểu Hội thơ Đường luật Việt Nam cũng đã dâng hoa, dâng hương lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh (Nghệ An).
Theo TTXVN