Di sản – Bảo tồn

Nghề dệt lụa Vạn Phúc được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 6/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Làng nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc là một trong những làng nghề nổi tiếng lâu đời, với hơn 1.000 năm. Làng nghề từng được công nhận kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao tặng.

Cổng làng Vạn Phúc.

Qua các thư tịch cổ cho thấy, đất Vạn Bảo xưa (tức Vạn Phúc nay) núi sông uốn khúc, long hổ ôm quanh, hai bên hai giếng nước nuôi dưỡng tụ khí rồng xanh. Tương truyền, bà Lã Thị Nga – vợ của Cao Biền thấy vùng đất này thơ mộng đã về ngụ tại đây, bà dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, khuyến khích Nhân dân duy trì và phát triển làng nghề, đưa nghề dệt lụa trở thành nghề truyền thống ở Vạn Phúc. Khi bà qua đời, nhớ ơn công đức của bà, dân Vạn Bảo đã tôn bà làm Thành hoàng làng Ả Lã Đê Nương và lập miếu thờ.

Lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các đời vua nhà Nguyễn, từ vua Khải Định đến vua Bảo Đại đều sai sứ thần ra tận Vạn Phúc mua sa, gấm đem về dùng. Lụa Vạn Phúc cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca:

“The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”

Từ sản phẩm của một làng, lụa, gấm Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hoá đơn thuần trở thành một sản phẩm của văn hoá, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông và Thủ đô Hà Nội.

Lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống.

Lụa Vạn Phúc nổi tiếng bền, đẹp, mềm mại, nhẹ nhàng. Cái nét đặc sắc, độc đáo ấy chính là nhờ đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người dân Vạn Phúc. Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét không rườm rà, phức tạp mà luôn phóng khoáng, dứt khoát. Lụa Vạn Phúc có nhiều loại nhưng nổi tiếng nhất phải kể tới lụa vân. Lụa vân luôn được ưa thích vì chất liệu mỏng mịn, không nhăn, có cả hoa nổi và hoa chìm, khi mặc thấy thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Sắc màu lụa vân đa sắc biến đổi lung linh. Hoa văn trang trí trên lụa vân rất đa dạng như mẫu Song Hạc, Thọ Đỉnh, Tứ Quý… khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động. Ðiều đặc biệt, độc đáo của lụa vân là ở cách dệt, người thợ phải dệt khéo léo, hoàn toàn thủ công để tạo nên tấm lụa vân nổi tiếng khắp nơi.

Nhờ công sức, tài hoa của con người đã tạo nên sản phẩm quý giá cho quê hương.

Lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1938), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp, rất được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonesia… Từ năm 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ năm 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện làng nghề dệt lụa Vạn Phúc có 164 hộ với 265 máy dệt đang hoạt động, trong đó có 34 gia đình nghệ nhân và thợ giỏi có trình độ dệt lụa tinh xảo vẫn sản xuất và tiêu thụ ổn định.

Trong tâm thức của người Vạn Phúc, lụa là kết quả của quá trình trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ cho đến lúc dệt, là kết tinh sản phẩm của trời, đất, thắm đượm công sức, tài hoa của con người, là sản phẩm quý giá của quê hương. Vì thế, nghề dệt lụa Vạn Phúc được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, tự hào để các nghệ nhân lành nghề cũng như thế hệ trẻ nơi đây tiếp tục lưu truyền, giữ lửa nghề dệt lụa truyền thống.

Mai Chi

Ảnh: Internet

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *