Chưa được phân loại

Nghệ nhân áo dài phố cổ

Trong ký ức của nhiều người Hà Nội, những chiếc áo dài được cắt may từ cửa hiệu Mỹ Hào (82 phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) gắn với những kỷ niệm đặc biệt trong đời như đám cưới, đám hỏi và các dịp lễ quan trọng khác. Ngày nay, thương hiệu Mỹ Hào đã […]

Trong ký ức của nhiều người Hà Nội, những chiếc áo dài được cắt may từ cửa hiệu Mỹ Hào (82 phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) gắn với những kỷ niệm đặc biệt trong đời như đám cưới, đám hỏi và các dịp lễ quan trọng khác. Ngày nay, thương hiệu Mỹ Hào đã có mặt ở khắp các vùng miền trên cả nước, với những cửa hiệu gắn với chữ “Mỹ”, trở thành niềm tự hào của các thế hệ cháu con làng Trạch Xá và cả người Hà Nội.

Nghệ nhân Lê Văn Hào và con dâu cùng các khách hàng thân thiết trước cửa hiệu may của mình.

Ông Mỹ Hào, tức Lê Văn Hào, quê gốc ở làng nghề áo dài Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Những năm 40 – 50 của thế kỷ trước, chàng trai trẻ theo cha chú lên phố mở hiệu may ta. Thoạt đầu là cửa hàng của ông chú Mỹ Thịnh ở ngôi nhà 26 phố Cầu Gỗ.

Sau ngày tiếp quản Thủ đô 1954, thợ áo dài gốc làng Trạch Xá hầu hết bị trưng tập vào các hợp tác xã may mặc nằm rải rác trên các phố Hà Nội. Chỉ còn vài cửa hiệu áo dài tư nhân tồn tại, trong đó có cửa hiệu Mỹ Hào. Là người chăm chỉ, cần mẫn, thêm chút sáng ý, tài hoa, nên anh thợ trẻ Lê Văn Hào được chọn là thợ may áo dài chuyên nghiệp cho Đoàn ca múa nhạc Việt Nam và rất nhiều đoàn văn công khác. Kể từ đó những tà áo dài mang thương hiệu Mỹ Hào đã theo chân bao nữ ca sĩ, diễn viên đi biểu diễn khắp trong và ngoài nước, tạo dấu ấn trang phục Việt Nam đẹp đẽ, giàu bản sắc dân tộc với bè bạn quốc tế. Thế hệ phát thanh viên đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội như Kim Tiến, Hồng Trang, Hương Liên, Thanh Vân cũng từng may mỗi người hàng chục chiếc áo dài để lên sóng truyền hình trong mấy chục năm liền.

Con dâu của nghệ nhân Lê Văn Hào – bà Nguyễn Thị Bình tư vấn may đo áo dài cho khách hàng.

Cho đến những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, ở ngưỡng tuổi trên dưới bảy mươi, hằng ngày ông Mỹ Hào vẫn tay thước tay kéo miệt mài bên chiếc bàn gỗ lên nước bóng sẫm màu thời gian. Ông cắt áo, bà và các con may áo, đơm khuy, vắt vạt. Cả nhà là một xưởng may đo liên hoàn làm việc không ngừng nghỉ. Mỗi ngày, từ xưởng thợ gia đình của ông Mỹ Hào, có khoảng 20 – 30 bộ áo dài được ra đời. Vào vụ cưới hay giáp Tết, nhà càng đông khách hơn.

Ông Mỹ Hào không thể nhớ nổi trong cuộc đời làm thợ từng cắt may bao nhiêu chiếc áo dài, áo kép, áo cánh, áo bông cho người Hà Nội. Và không chỉ người Hà Nội, mà người đâu xa cũng tìm đến. Ông có bí quyết nhìn người mà áng cỡ dáng áo. Người vai xuôi may khác kiểu người vai ngang, người béo mập may khác kiểu người gầy mảnh. Bởi vậy, phần nách áo – nơi khó nhất, vẫn thường vừa sát thân hình người khách, không mấy khi bị lệch, rúm ró. Bây giờ dễ còn mấy ai may được áo dài lối cổ như ông Mỹ Hào. Áo không chiết ly mà mặc vẫn ôm sát lưng eo, áo không vai giec-lan theo lối Sài Gòn đời mới mà vẫn không bùng, không nhăn. Gia đình tôi vẫn còn giữ được những chiếc áo dài như thế của bà ngoại, mẹ tôi, tôi và con gái tôi.

 

 

Cửa hàng Mỹ Hào bao năm qua vẫn thế. Mặt tiền hẹp, chỉ chừng hơn một thước. Giờ đây, thay vào vị trí của ông bên chiếc bàn nghề hơn nửa thế kỷ là cô con dâu thứ hai, tên là Bình – người được ông chọn giao việc cửa hàng. Các con trai gái, dâu rể gia đình ông Mỹ Hào cũng đang tiếp nối sự nghiệp gia đình bằng những bí quyết cắt may do cụ truyền lại, với những cửa hiệu như: Hiệu may Mỹ Sơn ở nhà số 92 phố Cầu Gỗ do người con trai út gây dựng, hiệu Mỹ Nga ở phố Nghĩa Dũng là của người con gái. Những cửa hiệu này đều rất đắt khách. Các cháu nội ngoại hoặc họ hàng xa, dễ cũng hàng chục người nữa, đều được ông truyền nghề đi lập nghiệp đó đây. Ngay ở số nhà 59 phố Cầu Gỗ là cửa hiệu của ông Mỹ Vinh – người cháu gọi ông Mỹ Hào là chú ruột, cũng khá nổi tiếng, đã truyền nghề cho các thế hệ con cháu.

“Tre già măng mọc” là lẽ ở đời. Và cũng nhờ thế, những chiếc áo dài may theo lối cổ của người Hà Nội vẫn được những người con của làng Trạch Xá gìn giữ, lưu truyền với thương hiệu “Mỹ…” mang tính nhận diện luôn có chỗ đứng vững chắc trong cuộc sống hiện đại hôm nay, dù cho xu hướng thời trang đã ít nhiều thay đổi.

Theo Báo Hànộimới

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nguoi-ha-noi/825660/nghe-nhan-ao-dai-pho-co

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *