Ở thôn 2, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ), võ sư, nghệ nhân Bùi Viết Tưởng, sinh năm 1989 – Chủ nhiệm Câu lạc bộ lân – sư – rồng Tưởng Nghĩa Đường không chỉ được biết đến là người múa lân giỏi, mà còn có đôi tay tài hoa, sáng tạo ra những chiếc đầu lân – sư – rồng rực rỡ sắc màu, truyền lửa cho thế hệ trẻ bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghệ nhân Bùi Viết Tưởng dành trọn đam mê cho nghề chế tạo đầu lân – sư – rồng
Theo quan niệm của dân gian, hình ảnh lân – sư – rồng tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng. Múa lân – sư – rồng luôn được đông đảo người dân háo hức đón chờ vào mỗi dịp lễ, tết. Anh Tưởng cho biết, từ nhỏ, anh đã có niềm đam mê đối với võ thuật, sau đó dần bén duyên với múa lân. Bằng niềm đam mê, yêu thích với nghề và quyết tâm lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, nghệ nhân Bùi Viết Tưởng đã có hơn 10 năm dành trọn đam mê cho nghề chế tạo đầu lân – sư – rồng. Anh trải lòng, người thợ làm đầu lân – sư – rồng khá vất vả nhưng thu nhập lại không cao. Với thợ lành nghề phải mất 5 – 6 ngày mới hoàn thiện được một chiếc đầu lân, giá bán dao động từ 3 đến 6 triệu đồng tùy theo kích thước, chất liệu sử dụng.
Công việc làm đầu lân thường dồn vào đầu tháng Tám âm lịch để biểu diễn dịp Tết Trung thu. Vào những ngày này, gia đình anh phải làm thâu đêm mới kịp trả hàng cho khách. Để sản xuất đầu lân phải trải qua các công đoạn: Làm khung, cắt vải, may, làm phụ kiện trang trí… tất cả đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Mỗi khi làm một con lân, anh Tưởng đều đặc biệt chú trọng đến khâu chuẩn bị vật liệu. Đặc biệt là phần phối màu sắc, đòi hỏi nghệ nhân phải có mắt thẩm mỹ tinh tế, làm sao cho màu sắc vừa có độ trang nhã, vừa có độ đậm nhạt đúng nơi, đúng chỗ, lại vừa bắt mắt, thu hút người xem, người mua…
Anh Tưởng đã tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ
Anh Tưởng cho hay, để tạo ra được một đầu lân đẹp đòi hỏi người làm phải am hiểu về lân. Nghệ nhân phải đưa được sinh khí vào đồ vật mình làm ra, để những sản phẩm luôn khác biệt so với mặt hàng sản xuất công nghiệp ở bên ngoài. Như khi vẽ mắt con lân, việc khó nhất là vẽ làm sao để mắt lân có hồn và chiều sâu, bởi lân có mạnh mẽ, hung dữ hay hiền lành đều được thể hiện qua đôi mắt. Do đó muốn thể hiện được cái hồn của một linh vật đòi hỏi người thợ phải làm bằng cả tâm hồn và cảm xúc của bản thân. Những con lân của anh vẫn giữ một nét đẹp riêng biệt, giữ được cái tỉ mỉ, tinh tế của sản phẩm chế tác thủ công. Anh Tưởng luôn tự hào là người sáng tạo thêm cho phần gáy của con lân. Anh đã in thêm vào phần gáy lân các chữ Tài – Lộc, chữ Phúc – Lộc – Thọ, cá chép… cho phù hợp với các sự kiện và nhu cầu của khách hàng. Anh cũng vừa chế tạo ra mẫu thiết kế độc quyền mới khi thay thế việc phun màu trên giấy bằng cách in 3D trên chất liệu vải, in nhiệt dán trực tiếp lên đầu lân, đảm bảo tránh mưa, độ bền cao. Xưởng sản xuất của anh Tưởng thường được đặt trước khoảng 100 con lân vào dịp Tết Trung Thu. Không chỉ phục vụ cho thị trường Hà Nội, đầu lân do anh Tưởng chế tạo còn được ưa chuộng tại các tỉnh miền Trung, miền Nam, xuất khẩu sang các nước có đông người Việt Nam sinh sống.
Từ năm 2009 đến nay, anh vừa tiếp tục duy trì các lớp đào tạo võ cổ truyền, vừa truyền dạy chuyên môn, kỹ thuật cơ bản, nâng cao cho hàng trăm bạn trẻ yêu thích nghệ thuật biểu diễn lân – sư – rồng, tạo thêm thu nhập cho các em, giúp các em cùng gia đình trang trải việc học hành, đồng thời khơi dậy, nuôi dưỡng niềm đam mê võ cổ truyền, nghệ thuật lân – sư – rồng, rèn luyện về thể lực, ý chí và đạo đức cho các môn sinh. Hàng năm, tuy bận việc sản xuất nhưng anh vẫn cùng với các môn sinh tham gia biểu diễn lân – sư – rồng trong các ngày lễ, ngày hội lớn tại nhiều địa phương. Anh hy vọng giúp đỡ các bạn trẻ tìm hiểu văn hóa truyền thống, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em.
Biểu diễn lân – sư – rồng giúp các bạn trẻ tìm hiểu nét văn hóa truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em
Sau mỗi lần đi biểu diễn múa lân – sư – rồng hoặc võ cổ truyền về, cả thầy và trò Câu lạc bộ lân – sư – rồng lại trích một phần tiền công, mỗi người từ 20.000 đồng – 50.000 đồng để nuôi lợn tiết kiệm. Số tiền tiết kiệm được, thầy trò võ sư Tưởng dùng để thăm hỏi các học viên trong Câu lạc bộ. Cùng với đó, mỗi năm anh và các học trò đều trích quỹ tiết kiệm để đi thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện. Tâm huyết với nghề cùng tấm lòng thiện nguyện, nhiều năm qua Câu lạc bộ lân – sư – rồng Tưởng Nghĩa Đường của võ sư Bùi Viết Tưởng còn là nơi thắp lửa đam mê cho nhiều môn sinh, hầu hết là thế hệ trẻ.
Ngày nay, sức cạnh tranh của thị trường ngày càng nhiều nhưng thầy trò võ sư Bùi Việt Tưởng vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển hơn nữa nghề sản xuất đầu lân – sư – rồng cũng như nghệ thuật múa lân – sư – rồng, qua đó góp phần làm sống dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Mai Phương