Mấy trăm năm qua, những con rối luôn gắn bó với người Đào Thục. Họ tự tay làm rối, rồi đem rối ra biểu diễn, thổi vào đó những ước nguyện về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quốc thái, dân an.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Thế Văn ở làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh được nhiều người biết đến, không chỉ vì ông đã tham gia 2 cuộc kháng chiến, có công Bảo vệ Tổ quốc mà ông còn là người có nhiều công lao trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật múa rối nước truyền thống ở quê hương.
Đến nhà ông, thấy bao nhiêu là con rối. Với người Đào Thục con rối cũng có tâm hồn, là nơi người dân gửi gắm tình yêu và phản ánh cuộc sống sinh động của con người. Mấy trăm năm qua, những con rối luôn gắn bó với người Đào Thục. Họ tự tay làm rối, rồi đem rối ra biểu diễn, thổi vào đó những ước nguyện về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quốc thái, dân an. Hơn 80 tuổi, nghệ nhân Đinh Thế Văn đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm con rối và múa rối. Cũng là 80 năm, rối gắn bó với ông, bởi từ thuở bé thơ ông đã được tiếp xúc với rối. Cha ông vốn là ông trùm, chủ phường rối nước của địa phương. Con rối theo cha ông và những nghệ nhân đi khắp mọi miền đất nước. Ông cũng theo cha đi diễn, cho đến ngày xung phong tòng quân đánh giặc. Chiến tranh, giặc dã đã khiến rối nước Đào Thục mai một.
Nhớ lời cha dặn trước khi mất là phải yêu rối, gắn bó với rối nên sau khi về hưu ông Văn về quê, gắn bó với rối nước quê hương. Trăn trở với rối, ông đã lên Bộ Văn hoá, đến Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, đến Sở Văn hóa Hà Nội, rồi UBND huyện Đông Anh đề nghị khôi phục rối nước ở địa phương.
Với sự giúp đỡ của Bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, rối nước Đào Thục đã được khôi phục, công đầu là của nghệ nhân Đinh Thế Văn. Sự khác biệt của rối nước Đào Thục so với phường rối khác ở chỗ có màn đốt pháo bật cờ khai mạc và dùng nhân vật Ba Khí giáo trò (Ba khí là đại diện cho hình ảnh người nông dân) mà không dùng chú Tễu như nhiều phường rối khác. Ông Văn và những nghệ nhân Đào Thục đã làm các con rối có thể sang trái, sang phải và đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại, chứ không vào buồng trò bằng cách đi lùi hoặc đi chéo như nhiều phường rối khác. Con rối do chính người Đào Thục làm ra, mỗi con chỉ cao khoảng 30 – 40cm, được làm bằng gỗ và phủ sơn bên ngoài màu sắc sặc sỡ để chống thấm nước. Những tích trò cổ đã được phường rối nước Đào Thục khôi phục, đưa vào sân khấu thủy đình như đi cày, đi cấy, câu cá, chăn trâu, cho đến những trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát…thật hấp dẫn. Hơn 30 trò diễn là hơn 30 sắc thái khác nhau, luôn lôi cuốn người xem. Đến nay, phường rối nước Đào Thục còn làm những con rối hình chú bộ đội, cô dân quân, những máy bay, tên lửa, xe tăng, những vua chúa, quan binh… đưa vào vở diễn rối nước về “Hà Nội chiến thắng B52”, về vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, đánh giặc ngoại xâm…Khiến cho rối nước Đào Thục đã độc đáo, hấp dẫn càng hấp dẫn, độc đáo hơn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về đây xem rối và tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước của địa phương.
Nghệ nhân Đinh Thế Văn truyền dạy cho lớp trẻ tình yêu với múa rối nước
Thủy đình – nơi diễn ra múa rối nước của làng Đào Thục
Một tiết mục múa rối nước của làng Đào Thục
Nhờ những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân Đinh Thế Văn đã được Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam trao tặng Giải thưởng Đào Tấn. Năm 2012, ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Ở cái tuổi ngoài bát tuần, nghệ nhân Đinh Thế Văn vẫn miệt mài với những con rối và đem hết tâm huyết của mình truyền cho thế hệ trẻ trong làng. Nhiều lớp học, nhiều lứa học trò đã được nghệ nhân Văn truyền dạy kỹ càng. Rất may là các bạn trẻ ở Đào Thục cũng rất nhiệt huyết, đam mê với những con rối của quê hương. Ngoài những giờ học tập hay lao động kiếm tiền, các bạn trẻ Đào Thục – những nghệ nhân tương lai rất chăm chú học tập nghề múa rối và làm con rối do nghệ nhân Văn và những nghệ nhân khác truyền dạy.
Lớp này kế lớp khác, đến nay phường rối đã quy tụ được 4 thế hệ, với gần 40 thành viên chính thức sinh hoạt trong Phường rối nước truyền thống, là điều rất đáng mừng, là động lực để ông Văn và mọi người cùng nhau gìn giữ và phát huy vốn quý của địa phương.
Thanh Quy