Tin tức - Sự kiện

Nghệ thuật diễn xướng chèo tàu

Những lời ca, điệu múa đất Thăng Long – Hà Nội vừa có cái hay, cái đẹp của tinh hoa bốn phương vừa thấm đượm bản sắc riêng. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian nơi kinh thành ngàn năm văn hiến, Chèo tàu là một hình thức diễn xướng độc nhất vô […]

Những lời ca, điệu múa đất Thăng Long – Hà Nội vừa có cái hay, cái đẹp của tinh hoa bốn phương vừa thấm đượm bản sắc riêng. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian nơi kinh thành ngàn năm văn hiến, Chèo tàu là một hình thức diễn xướng độc nhất vô nhị, chỉ có ở Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội. Không gian, hình thức và nội dung diễn xướng của Chèo tàu là những giá trị văn hóa, nghệ thuật vô cùng đặc sắc.

“Tháng giêng đóng đám ngoài đình
Trong dư năm tỉnh nức lòng người xem
Tướng cờ trương kiệu đôi bên
Giữa thì tàu hát bên thiềng đôi voi”

          Câu ca phần nào đã khắc họa nên khung cảnh của hội hát Chèo tàu tổng Gối xưa, tức xã Tân Hội, huyện Đan Phượng ngày nay. Chèo tàu – cái tên có lẽ sẽ khiến cho ai đó băn khoăn khi lần đầu nghe đến loại hình nghệ thuật dân gian này. Chữ “tàu” ở đây có ý nghĩa hết sức đơn giản, ý chỉ những chiếc thuyền, những chiếc tàu thủy… Tên gốc của Chèo tàu là hát Tàu Tượng. Bởi để biểu diễn loại hình diễn xướng dân gian này, người dân đóng những con voi và thuyền lớn bằng gỗ, người tham gia diễn xướng được phân vào các vai chúa tàu, cái tàu (người chỉ huy tàu), con tàu, quản tượng… đứng trên thuyền, trên voi để hát những làn điệu cổ. Trải qua bao thăng trầm, nhiều thế hệ người dân Tân Hội vẫn gìn giữ điệu hát Chèo tàu, một di sản văn hóa quý báu của ông cha.

          Xuất xứ điệu hát cổ

Tích xưa kể lại tướng Văn Dĩ Thành là một người con thuộc dòng dõi quan lại triều Trần, sinh ra ở vùng tổng Gối xưa. Là một người học rộng tài cao, thông thạo kinh sử, ông đã có công chiêu mộ binh lính, huấn luyện quân nhân chống lại giặc Minh. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, quân giặc đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Sau khi ông hy sinh trên đất Tổng Gối, nhằm ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành, nhân dân tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo Chèo tàu. Chèo tàu là điệu hát chèo thuyền, chở quân đi đánh giặc. Đội nghĩa binh áo đen của tướng Văn Dĩ Thành có cách đánh giặc sở trường đó là chèo thuyền trong đêm bí mật đánh quân địch. Và đội chèo thuyền ấy chính là các bà, các cô thông thạo sông nước. Những điệu hát được xướng lên từ những người phụ nữ như một sự ca ngợi về lòng dũng cảm, chịu thương, chịu khó của người con gái đất Tổng Gối.

Hội hát Chèo tàu

Hội hát Chèo tàu được tổ chức từ ngày 15 (ngày rằm) đến ngày 21 tháng Giêng âm lịch. Những năm không mở hội thì dân làng vẫn tổ chức tế lễ ở những ngày này. Hội được định hình bởi những chức sắc trong làng. Ngoài khu lăng mộ biểu diễn Chèo tàu, còn có nhà tiền tế, nhà đại bái, hậu cung và 4 ngọn đại kỳ ở 4 góc chỉ thị cho 4 thôn xã Tân Hội: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long.

Việc tuyển chọn người phục vụ cho hội hát rất công phu. Bốn thôn phải chọn ra được một mẹ chiêu quân, còn gọi là Chúa tàu) tuổi từ 50 – 60 và phải là người đức hạnh. Ngoài ra, phải chọn ra hai “cái tàu” và mười “con tàu” tuổi từ 13-16. Tất cả chúa tàu, cái tàu, con tàu và quản tượng… đều được gọi là “ca nhi phường”. Suốt 7 ngày hội chính, ngày nào cũng thể hiện tuần tự những thủ tục dâng tế, diễn xướng, hát giao duyên. Sau 3 bài tuần rượu, 3 bài chúc Thánh, các ca nhi phường 4 thôn quỳ trước lăng tẩm hát lệ trình trong nhã nhạc trống chiêng, phách nhịp. Khi hát xong vào lăng dâng hương rồi mới được ra lên thuyền rồng để hát. Phần thứ hai là hát trạo ca và cuối cùng là hát giao duyên.

Đầu xuân năm Ất Mùi 2015, người dân Tổng Gối hân hoan tổ chức lại lễ hội hát Chèo tàu sau nhiều cố gắng nỗ lực, đồng sức đồng lòng, cùng nhau tìm lại và khôi phục lễ hội xưa.

1

                                                         Các ca nhi phường diễn xướng Chèo tàu

Diễn xướng Chèo tàu

Hình thức diễn xướng của loại hình nghệ thuật Chèo tàu độc đáo ở chỗ các diễn viên tham gia biểu diễn đều là phụ nữ. Đây là điểm làm nên nét đặc sắc cho loại hình diễn xướng dân gian này.

Lề lối, quy định, thứ tự hát căn cứ tương ứng với cách gọi về lễ nhạc và hội nhạc của Chèo tàu: Đệ nhất tuần ca khúc gồm các bài trình; Đệ nhị tuần ca khúc gồm phần hát xướng họa giữa tàu và tượng rồi chuyển sang hát bỏ bộ; Đệ tam tuần ca khúc với phần của quản tượng hát chúc; Hát đối đáp tàu và tượng là trung tâm của Hội hát.

Chèo tàu có ba hình thức hát: hát khấn, hát xô và hát bỏ bộ. Mỗi hình thức là một cách hát khác nhau. Trong đó, hát khấn đựợc thể hiện sau bài hát thờ (lễ trình) dùng để dâng hương, dâng rượu… Hát xô được nhân dân xem là quan trọng nhất của diễn xướng Chèo tàu. Hình thức hát xô là những bài văn vần, thể lục bát, số lượng từ 4 đến 70 câu. Bài hát xô gồm hai phần: phần hát và phần xô. Phần hát do cái tàu hát tương tự như lĩnh xướng. Phần xô là do các con tàu hát gồm hai vế: vế đầu nhắc lại câu cuối của câu hát cái tàu vừa hát xong, vế sau gọi là câu xô, các con tầu hát đệm theo “khoan khoan hò khoan …”. Hát bỏ bộ trong diễn xướng Chèo Tầu có thể tách ra độc lập  và mang nội dung hoàn chỉnh.  Những bài hát trong hình thức này thường ngắn gọn, nội dung lời ca, âm nhạc được hình thành độc lập. Đây là hình thức hát phong phú, giàu tính nghệ thuật nhất.

Âm nhạc Chèo tàu ngoài việc chứa đựng những đặc trưng của dân ca cổ người Việt với những nét mộc mạc, tinh tế và duyên dáng, còn tiếp thu, giao thoa và cộng hưởng cùng các loại dân ca khác như: Chèo, Quan họ, hát Xoan, hát Ca trù, hát Xẩm, hát Trống quân… để làm chất liệu cho mình.  Nội dung trong Chèo tàu ngoài mảng ca ngợi công đức các vị Thánh, các vị Anh hùng dân tộc… còn có các nội dung khác rất phong phú, phản ánh muôn mặt cuộc sống người dân.

Tại Lễ kỷ niệm ngày Di sản văn hoá Việt Nam và Công bố quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản phi vật thể lần thứ I năm 2015, nghệ nhân Chèo tàu Ngô Thị Thu là một trong 39 nghệ nhân của Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

          Ngoài ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, đặc trưng riêng có cùng những giá trị nghệ thuật độc đáo, diễn xướng Chèo tàu là di sản quý giá trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc, cần được nghiên cứu, gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

2

3

Lễ hội chèo tàu Tân Hội

Minh Trang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *