Từ xa xưa, người Mường luôn coi cồng chiêng là thứ nhạc khí linh thiêng trong sinh hoạt văn hóa; là công cụ kết nối giữa con người với thần linh, với núi rừng xanh thẳm. Nói đến văn hóa cồng chiêng của người Mường ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), không thể không nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn. Dù đã bước sang tuổi lục tuần, nhưng bà Thìn vẫn miệt mài truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho thế hệ trẻ nơi đây.
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn giới thiệu với khách về cồng chiêng. (Ảnh: Minh Phúc)
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn sinh năm 1952, trong một gia đình thuần nông. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã đam mê và có năng khiếu đặc biệt về cồng chiêng. Gắn bó với tiếng chiêng, bà càng say câu hát, càng mến tiếng nhạc, cứ nghe tiếng chiêng bà lại thấy náo nức trong lòng. Năm 1973, bà trúng tuyển khóa đào tạo đạo diễn sân khấu của trường Lý luận nghiệp vụ (tiền thân trường Đại học Văn hóa ngày nay). Với năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh cùng với việc được đào tạo bài bản, bà Thìn đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho sân khấu quần chúng và cho tiếng cồng chiêng của người Mường. Điều đặc biệt là bà có thể vừa sáng tác, làm đạo diễn và kiêm luôn cả diễn viên đứng trên sân khấu. Ở vai trò nào, bà cũng được khán giả mến mộ.
Vì trót yêu tiếng cồng chiêng, nên bà đã “sắm” cho mình đủ 1 bộ gồm 12 chiếc theo phong tục của người Mường xưa. Cồng chiêng chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường, nên đến nay bản làng nào ở 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung cũng có cồng chiêng, ít thì 1 chiếc, nhiều thì một bộ gồm 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Sau 10 năm về với Thủ đô, bản sắc văn hóa của đồng bào Mường vẫn được gìn giữ. Tiếng cồng chiêng luôn rộn ràng ngân vang trong dịp lễ hội, tết đến, xuân về, lễ mừng nhà mới, lễ thành hôn… Những giai điệu khi trầm, khi bổng của các bài chiêng: Sắc bùa, Đi đường, Poỏng ba, poỏng sáu, poỏng chín…cứ thế lướt qua làn sương mỏng, bay vút tận rừng xa, dội vào vách đá cheo leo rồi vọng lại, tạo nên bản hợp xướng hùng tráng, đắm say trong không gian văn hóa cồng chiêng xứ Mường. Vì vậy, người Mường coi cồng chiêng là báu vật trong ngôi nhà của mình và giữ gìn qua các thế hệ.
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn (thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đội cồng chiêng.
Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào Mường, năm 2009, huyện Thạch Thất đã đầu tư 6 bộ cồng chiêng cho 3 xã để người dân sử dụng với mục đích khôi phục lại nghệ thuật truyền thống của đồng bào Mường. Không ai khác, bà Thìn được lựa chọn để truyền dạy nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng tới người dân trong các bản Mường. Là “bậc thầy” về cồng chiêng với sự hiểu biết sâu rộng, cùng kinh nghiệm biểu diễn lâu năm nên khi xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn – Hòa Bình sáp nhập vào huyện Thạch Thất – Hà Nội, bà Thìn sẵn sàng mang cồng chiêng tới mọi nơi để truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng. Đến nay, bản làng nào ở 3 xã miền núi của huyện Thạch Thất cũng thành lập được đội cồng chiêng, có khoảng gần 400 người được truyền dạy những kiến thức, lối chơi, điệu hát, điệu múa của nghệ thuật cồng chiêng cổ. Công tác truyền dạy, quảng bá giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mường đến thế hệ trẻ thông qua các lớp học, các đội cồng chiêng đã phát huy hiệu quả. Một số học trò do bà Thìn truyền dạy được đi biểu diễn ở nhiều nơi, tham gia nhiều liên hoan, hội diễn, mang đến cho người xem biết bao cảm xúc. Không chỉ có bà con trong các bản của 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Thạch Thất tìm đến học, người Mường ở huyện Ba Vì cũng chủ động đến nhờ bà Thìn truyền dạy cách đánh cồng chiêng. Cùng với việc truyền dạy, bà Thìn còn tự tìm tòi nghiên cứu để hoàn thiện bộ hình ảnh, tư liệu về nghệ thuật cồng chiêng, với hy vọng qua đó đồng bào cả nước có thể ghi nhận bản làng bà như một nơi lưu giữ hồn cồng chiêng của người Mường.
Tiếng cồng chiêng giữa nhịp sống đương đại đã góp thêm vào bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bà con người Mường ở Tiến Xuân luôn tin tưởng vốn văn hóa độc đáo ấy sẽ được lưu truyền và tỏa sáng, bởi ở đó có những nghệ nhân tài hoa, tâm huyết như bà Thìn.
Mai Phương
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm