Nghệ thuật

Nhà hát Cải lương Hà Nội: Một năm gặt hái nhiều thành công

Năm 2023, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, tiêu biểu là biểu diễn phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô…

Vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, tại phố Hàng Bạc, Nhà hát Cải lương Hà Nội luôn có các chương trình hấp dẫn, thu hút khán giả đến xem. Những lời ca, tiếng hát, những trích đoạn cải lương, những câu vọng cổ ngọt ngào của chương trình nghệ thuật “Vọng mãi khúc ca xưa” là món ăn tinh thần mà nhiều người dân Thủ đô yêu thích, tìm đến.

Với mong muốn Nhà hát là địa chỉ hấp dẫn, nơi lưu giữ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, thời gian qua Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có nhiều hoạt động phục vụ khách quốc tế đến xem nghệ thuật, tổ chức tốt các chương trình tiếng đàn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội, tổ chức biểu diễn cải lương kết hợp với điện ảnh…

Cải lương Hà Nội đã tạo được thế mạnh của mình qua hàng loạt các vở diễn thành công trong những năm qua, như: Kiều, Kẻ sĩ Thăng Long, Lễ mở xiêm áo, Luận anh hùng, Lam sơn tụ nghĩa, Đại thần Thăng Long, Lý Thường Kiệt, Ngọc sáng đất kiếm thần, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Nghêu- Sò-Ốc-Hến, Đường đua trong bóng tối, Khi hoa nở trái mùa… Năm 2023, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã phục dựng lại vở “Kiều” đình đám một thời và tiếp tục gây tiếng vang. Đây là vở diễn được đạo diễn – NSƯT Thanh Vân phục dựng từ phiên bản năm 1993 do đạo diễn – NSND Ngọc Dư dàn dựng. Để thu hút khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ đến với nghệ thuật sân khấu truyền thống, Nhà hát đã đưa ra những thay đổi và điểm thêm cho vở diễn các yếu tố như: Thiết kế sân khấu, ánh sáng và đặc biệt là âm nhạc. Nhà hát đã mạnh dạn đưa âm nhạc có tính đương đại như chất liệu Jazz trên nền nhạc âm hưởng dân gian vào vở diễn. Nhờ vậy “Kiều” có sức hấp dẫn riêng với khán giả Thủ đô. Bên cạnh phục dựng thành công vở “Kiều”, Nhà hát Cải lương Hà Nội còn dàn dựng ba vở mới: “Khúc Tiên Chúa”, “Muôn dặm vì chồng”, “Sóng dậy giữa vương triều”.

Các chương trình, vở diễn nổi bật trong năm 2023 của Nhà hát Cải lương Hà Nội

Với tài năng và sự nỗ lực không ngừng, các nghệ sĩ của Nhà hát đã đem cải lương đến gần hơn với khán giả, khẳng định vị thế, sức sống của nghệ thuật cổ truyền trong cuộc sống hiện đại. Thành công của Nhà hát Cải lương Hà Nội năm 2023 còn được ghi dấu khi Nhà hát tham gia nhiều cuộc thi nghệ thuật và đoạt giải, như: Giải Ba cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc; giành 2 HCB cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc.

Năm 2023, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, tiêu biểu là phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô như: Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2); kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9); kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10)…; Tham gia biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật “Vang khúc khải hoàn”, “Bản hùng ca bất diệt”, “Thăng Long linh thiêng hội tụ”, “Vọng mãi non sông”… Bên cạnh đó, năm 2023 Nhà hát còn thực hiện biểu diễn có doanh thu ở nhiều quận, huyện và các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, Nhà hát đã liên tục thành công trong vở “Phận má đào” khi biểu diễn tại tỉnh Ninh Bình và nhiều nơi khác ở Hà Nội và các tỉnh, thành. Vở diễn đạt Huy chương Vàng Toàn quốc năm 2021 này đã thu hút đông đảo khán giả bởi tính chất tự sự và cách ca vọng cổ đầy chất cải lương Bắc – nét riêng của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Vở diễn đã được Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp vào dịp đầu năm 2023.

126 buổi biểu diễn với khoảng 67.000 người xem trong năm 2023 là con số khá ấn tượng với một Nhà hát nghệ thuật truyền thống, như Nhà hát Cải lương Hà Nội, đủ thấy sự thành công của Nhà hát trong năm qua.

Năm 2024, bên cạnh việc dựng vở mới, Nhà hát sẽ tiếp tục phục dựng một trích đoạn cải lương kinh điển nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô giai đoạn 2021- 2025. Mong muốn của Nhà hát là đưa được các vở diễn, trích đoạn cải lương kinh điển đến với các em học sinh Thủ đô. Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ Phạm Chỉnh – Giám đốc Nhà hát cho biết: “Tôi luôn mong muốn mang nghệ thuật sân khấu truyền thống đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ. Điều này giúp thế hệ trẻ hiểu, yêu và có tinh thần gìn giữ những nét đẹp trong văn hoá dân tộc. Để thực hiện được như vậy, chúng tôi cũng phải tiếp cận với một cách hoàn toàn mới nhưng vẫn không làm mai một đi giá trị cốt lõi của vở diễn”.

Thanh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *