Nghệ thuật

Nhà hát Cải lương Hà Nội tổng duyệt 2 vở mới

2 vở diễn đều thành công trên mọi phương diện: Nội dung, chất lượng nghệ thuật, vai diễn, trang phục, đạo cụ, trang trí sân khấu, âm nhạc…

Trong 2 ngày: 29/6/2022 và 1/7/2022, tai Hội trường Trung tâm Văn hóa Thành phố và Rạp Hồng Hà, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tổ chức tổng duyệt 2 vở diễn mới: Những đứa con oan nghiệt và Trời Nam, với 2 đề tài khác nhau.

Vở diễn Trời Nam là vở cải lương khai thác đề tài lịch sử.  Tác giả kịch bản văn học Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương Nguyên Phương, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt.

Những đứa con oan nghiệt – Tác giả NSND Doãn Hoàng Giang, chuyển thể cải lương Đình Tư, do nữ đạo diễn – NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng. Vở diễn khai thác đề tài giáo dục. Những đứa con oan nghiệt và Trời Nam còn có sự tham gia sáng tạo của: Nhạc sĩ và biên đạo múa: NSƯT Thành Nam; Thiết kế mỹ thuật NSƯT Đạt Tăng… (Vở diễn Những đứa con oan nghiệt) . Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Liêm, mỹ thuật  NSUT Doãn Bằng, biên đạo múa: Lê Hải, Diệu Linh…(Vở diễn Trời Nam)

Tại 2 buổi tổng duyệt, các đồng chí trong hội đồng nghệ thuật, lãnh đạo phòng Quản lý nghệ thuật, đại diện các phòng, ban của Sở VHTT đã đến dự. Đông đảo Nhân dân 2 quận: Hà Đông và Hoàn Kiếm đã đến xem 2 vở diễn mới.

Vở “Trời Nam” ngợi ca hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung trong cuộc chiến với nhà Thanh để đem lại hòa bình, mong muốn cho quốc thái dân an. Chủ nghĩa anh hùng, sức mạnh của đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc được khẳng định và khắc họa rõ nét và xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Các nhân vật như vua Quang Trung, Lê Ngọc Hân, Hoàng Cô, Lê Quyết, bà lão tướng…đã tạo cho tác phẩm nhiều tình tiết hấp dẫn, đồng thời cũng làm sáng lên vẻ đẹp của những con người một lòng vì dân vì nước…

Vở “Những đứa con oan nghiệt” xoay quanh hai gia đình: Ông thầy đồ và ông Tư Chớp – một tướng cướp. Ông Tư Chớp vì muốn cho con trai mình sau này không theo nghề trộm cướp, mà phải đỗ đạt làm quan nên khi bà Chín – vợ ông và bà Đồ cùng chuyển dạ sinh con, ông đã cho người tráo đổi hai đứa con. Mâu thuẫn kịch bắt đầu từ đây.

Hai đứa con bị tráo đổi của hai nhà lớn lên trong môi trường khác nhau hoàn toàn. Con ruột của tên tướng cướp sống ở nhà ông thầy đồ được học hành từ nhỏ nên đã sớm trở thành học trò giỏi, đi thi đỗ đạt thành quan tân trạng.

Trong khi đó, con của thầy đồ sống ở nhà tên tướng cướp chỉ biết ham mê tửu sắc, ăn nói thô tục, không thích học hành, chơi bời lêu lổng. Từ lòng ghen ghét đố kị, con ruột thầy đồ và anh trai đã ra tay sát hại con của tên tướng cướp trong lúc anh này trở về vinh quy bái tổ. Cái chết của con trai đã làm tướng cướp thức tỉnh và nói  ra sự thật. Vở cải lương “Những đứa con oan nghiệt” mang ý nghĩa triết lý của đạo Phật, đó là luật nhân quả “gieo nhân nào gặp quả ấy”. Hạt mầm được gieo trên mảnh đất lành sẽ thành quả ngọt, hương thơm. Hạt độc sẽ sinh thành trái đắng.

Trong 2 đêm công diễn, khán giả Thủ đô đã được gặp lại những gương mặt và giọng ca “vàng” của Nhà hát cải lương, như: NSND Thanh Hương, NSƯT Hoàng Viện. Bên cạnh đó là những nghệ sĩ đã có nhiều năm đứng trên sân khấu biểu diễn và cả những nghệ sĩ trẻ nhiều triển vọng như: Mỹ Vân, Hồng Nhung, Quang Tuấn, Xuân Vân, Tuấn An, Quang Thanh,  Đoàn Thắng, Minh Vương, Đức Cảnh. Dù ở vai chính diện, vai phản diện hay vai phụ, các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã “cháy” hết mình với vai diễn, để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem. Những tràng pháo tay cổ vũ của khán giả luôn nổi lên sau những câu vọng cổ hay, hay những cảnh bi thương hay oai hùng được diễn viên thể hiện thành công trong vở diễn.

Đặc biệt, sự xuất hiện của NSND Thanh Hương trong vai Hoàng Cô đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Chị vốn được coi là một trong số ít nữ danh ca cải lương nổi tiếng bậc nhất ở Thủ đô. Chị đã thành công với rất nhiều vai diễn như: Kiều, Kỹ Nữ Thành Đông Quan…Trong vở Trời Nam, NSND Thanh Hương lại thể hiện cho khán giả một vai diễn tinh tế, bi hùng nhưng lôi cuốn, hấp dẫn và giọng hát cao, ngọt ngào, sâu lắng vốn có của chị. Nhân vật Hoàng Cô không phải là nhân vật chính, xuyên suốt vở diễn như vua Quang Trung, nhưng một Hoàng Cô quý phái mà đa đoan, vui vẻ, yêu đời mà lại hết lòng vì giang sơn, đất nước khiến khán giả rất yêu mến… Khán giả cũng rất tâm đắc với vai diễn vua Quang Trung. Ở vai diễn này NSUT Hoàng Viện đã rất thành công khi thể hiện một vị vua điềm tĩnh, anh minh, tài trí, hết lòng vì dân vì nước và mối tình thủy chung keo sơn giữa Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Ngọc Hân…

Bên cạnh đó, các tình tiết hấp dẫn trong vở cải lương Trời Nam do các diễn viên thể hiện đã làm sáng lên hình ảnh những người con ưu tú của dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ, Lê Quyết, Hoàng Cô… Đó còn là cách diễn và chất giọng cải lương hay của các nghệ sĩ: Mỹ Vân, Hồng Nhung, Quang Tuấn, Xuân Vân…trong 2 vở diễn đã hoàn toàn chinh phục khán giả Thủ đô.

Trong vở cải lương Những đứa con oan nghiệt, NS Tuấn An đã thể hiện thành công một nhân vật phức tạp, mưu mô – Tư Chớp. Đối ngược với ông là một nhân vật đầy bao dung, với lối diễn xuất sâu, thể hiện thành công vai diễn ông Đồ của NSUT Quang Thanh. Góp vào thành công của vở diễn, các nghệ sĩ: Minh Vương, Đoàn Thắng, Xuân Long, Đức Cảnh… cũng đã thể hiện thành công các vai diễn phản diện. Hội trường trung tâm Văn hóa Hà Nội rộng lớn chật kín người, khán giả đứng chật 2 bên lối đi. Liên tiếp những đợt vỗ tay hoan hô các vai diễn và giọng ca của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương đã phần nào phản ánh sự thành công của vở diễn.

Có mặt và dự xem 2 vở diễn, Hội đồng nghệ thuật Sở VHTT Hà Nội đã có nhiều ý kiến xác đáng với tổng đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, diễn viên và tác giả, nhạc sĩ…các vở diễn.

Theo NSND Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật thì 2 vở diễn này đều thành công trên mọi phương diện: Nội dung, chất lượng nghệ thuật, vai diễn, trang phục, đạo cụ, trang trí sân khấu, âm nhạc…Tuy nhiên, để đưa 2 vở diễn ra công chúng cần phải chỉnh sửa đôi chút như: Giảm bớt âm nhạc, chú trọng hơn về sân khấu, các ca khúc sáng tác mới nên chú trọng chất cải lương (vở Trời Nam)… Việc ca vọng cổ của các nhân vật cần trau chuốt hơn, các vai phản diện nên chú ý hơn (vở diễn Những đứa con oan nghiệt). Nhất là việc chú ý đến vai trò của chính quyền trong mọi thời đại trong việc giữ gìn an ninh trật tự, không để nạn cướp bóc lộng hành (vở diễn Những đứa con oan nghiệt). Đặc biệt, cả 2 vở diễn cần chú ý rút gọn thời lượng xuống dưới 2 tiếng, vì xu hướng hiện nay khán giả không thích lắm những vở diễn kéo dài.

Với những tìm tòi, sáng tạo và đổi mới, hy vọng ở 2 vở diễn mới: Những đứa con oan nghiệt và Trời Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ tiếp tục thu hút đông đảo Nhân dân đến xem và khẳng định thương hiệu của Cải lương Thủ đô.

Thanh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *