Nhiều vở diễn và một số chương trình đặc sắc sẽ được Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô từ ngày 22 đến 29/10/2018 tại Rạp Kim Mã, số 1 Giang Văn Minh, Hà Nội.
Đó là các vở diễn, chương trình như: Thị Hến, Đường trường duyên phận, Lưu Bình trả nghĩa, Bắc Lệ đền thiêng, Quan Âm Thị Kính…
Ngày 22/10 là vở Đường trường duyên phận. Vở diễn kể về một gánh hát chèo xưa với các số phận như: Cả Hân, Đào Sen, Kép Thăng hay Cụ Trùm…. đã đắm mình với nghiệp chèo nhưng cũng gặp bao trắc trở thăng trầm trong cuộc sống… Họ phải đấu tranh với chính họ để rồi quyết theo nghề giữ nghiệp là nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc. Gìn giữ nghiệp Chèo cần những con người với tình yêu, sự tâm huyết, để có thể bảo vệ nghiệp tổ và phát triển cho muôn đời sau.
Ngày 23/10 là vở diễn Lưu Bình trả nghĩa. Nếu như vở chèo Lưu Bình – Dương Lễ đề cao tình bạn thì Lưu Bình trả nghĩa lại mang đến cho khán giả cái nhìn về tình người, cách đối nhân xử thế mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của những thế hệ sau 30 năm. Hi sinh đứa con trai duy nhất của mình để cứu con trai Dương Lễ và nuôi dạy thành tài khi gia đình Dương Lễ mắc họa tru di do những kẻ phản thần hãm hại là nghĩa cử cao đẹp của Lưu Bình đối với những ân tình năm xưa vợ chồng Dương Lễ dành cho mình. Tác phẩm không chỉ đem lại nhiều ý nghĩa mang tính triết lý sâu sắc mà còn mang đến nhiều bài học quý giá về cuộc sống đối với mỗi chúng ta.
Ngày 24/10 sẽ là Chương trình âm nhạc 5 cung Chèo. Đây là chương trình được xây dựng dựa trên cơ sở khai thác vốn cổ với trọng tâm là các làn điệu chèo truyền thống như: Chiếu chèo khai hội, Lửa lòng xuân nữ, Đường qua bể khổ, Dạ khúc nguyệt cầm, Năm cung hòa điệu, Tự sự Súy Vân, Kiếp ba đào, Biến khúc đăng đàn, Ngẫu hứng tam tấu… Tất cả được trình diễn trên nền nhạc cụ dân tộc như đàn Nhị, đàn Tranh, đàn Bầu, Mõ, Trống Cơm, đàn Tam thập lục, Tiêu, Trống Cái, Trống Con, Thanh La, Chũm Chọe. Ngoài ra còn có Cồng Chiêng, đàn Ghita điện là hai loại nhạc cụ phá cách được đem vào trình diễn trong âm nhạc Chèo. Sự kết hợp thú vị của các loại nhạc cụ này đem lại nhiều trải nghiệm mới cho người yêu âm nhạc truyền thống.
Ngày 25/10 là vở diễn Bắc Lệ đền thiêng. Vở diễn là câu chuyện về những người dân của làng Lệ Thượng con dân đất Việt đã không tiếc máu xương hy sinh thân mình để bảo vệ nét tín ngưỡng tâm linh tôn kính ngàn đời của dân tộc. Đất nước Việt có lúc bị xâm lấn, chiếm đóng nhưng bản sắc Văn hóa Việt, tâm hồn Việt không dễ bị khuất phục. Từng lớp người ngã xuống, lại có những lớp người sau sẵn sàng đứng lên kế tiếp nét truyền thống của cha anh. Một dân tộc Việt luôn mạnh mẽ, hào hùng, bất khuất. Một bản sắc văn hóa ngàn đời cần mỗi con người như chúng ta dốc lòng bảo vệ. Bảo vệ Văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, cũng chính là bảo vệ dân tộc ta ngày một vững mạnh hơn.
Ngày 26/10 là vở chèo nổi tiếng Quan Âm Thị Kính. Đây là tác phẩm đặc sắc trong nền Văn học Việt Nam, vốn rất phổ biến và quen thuộc với mọi người dân Việt. Thị Kính là đại diện tiêu biểu cho lòng bao dung, đức hy sinh, từ bi và cao hơn là Đức Nhẫn của người phụ nữ. Tác phẩm tôn vinh công hạnh tu thành của Thị Kính, oan khiên được gội sạch, hiếu dạ được vuông tròn… Thêm một lần nữa khẳng định vị thế của người phụ nữ trong cuộc sống, dù họ luôn bị cả một hệ tư tưởng phong kiến ấu trĩ, hà khắc kìm kẹp. Quan Âm Thị Kính là sự kết tinh của những nét đẹp tinh túy nhất trong con người phụ nữ Việt.
Ngày 27/10 sẽ là vở Thị Hến. Vở diễn được chuyển thể từ tích dân gian nổi tiếng “Nghêu Sò Ốc Hến” với chủ đích nhấn mạnh tính nhân văn và bênh vực người phụ nữ, cùng với đó là tiếng cười châm biếm quan hào phú, quan lại thời phong kiến. Đến với Thị Hến là đến với những tiếng cười sảng khoái đậm chất Chèo nhưng cũng đầy sâu cay và thâm thúy.
Ngày 28/10 là chương trình Chiếu chèo. Chương trình giới thiệu tới đông đảo khán giả những trích đoạn Chèo nổi tiếng như: Thị Màu lên chùa, Thị Màu – Nô – Phú Ông. Chương trình còn có các màn như: Hát múa Tổ khúc chèo, Dẹp đám – vỡ nước, Hát văn: Giá ông Hoàng Mười – Cô bé Đông Cuông.
Ngày 29/10 là vở diễn Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật. Vở diễn đưa người xem đến với câu chuyện về người đã khai sinh ra đạo Phật. Đạo Phật ra đời cách đây hàng nghìn năm, người khai sáng ra Đạo Phật là Thái tử Tất Đạt Đa của vương quốc Thích Ca. Ngài được sinh bởi Hoàng hậu MaYa và đức Vua Tịnh Phạn. Sống trong cung vàng lộng lẫy, nhưng ngay từ thủa ấu thơ Thái tử Tất Đạt Đa luôn trăn trở, suy tư về những trầm luân đau khổ của kiếp đời, kiếp người trong thế gian. Ẩn chứa bên trong vị Thái tử luôn trầm tư, suy tưởng là hiện thân của Thánh Nhân với đầy đủ những tinh túy thiên bẩm: Đại Đức, Đại Dũng, Đại Trí, Đại Từ Bi.Trải qua những gian nan cực nhọc, những thử thách tột cùng của hiểm nguy và cạm bẫy. Trầm mình với những tháng năm tu tập, chiêm nghiệm theo nhiều dòng tu, pháp tu. Thái tử Tất Đạt Đa đã tự mình vượt qua một hành trình Giác Ngộ. Trong 49 ngày nhập tịnh dưới gốc cây Bồ Đề, Ngài đã chứng ngộ và tự lý giải được tận gốc căn nguyên của vũ trụ, căn nguyên trong bể khổ luân hồi của con người, để từ đó giác ngộ ra con đường giải thoát và cứu khổ cho khắp cõi chúng sinh. Thái tử Tất Đạt Đa đã Đắc đạo trở thành Phật, ngài chính thức là Đức Thế Tôn Như Lai Thích Ca Mâu Ni Phật. Đức Phật đi hoằng dương Phật Pháp, giáo hóa chúng sinh khắp cõi, soi sáng con đường diệt khổ cho muôn dân.
Huyền Chi
Theo MaskOnline