Ngày 9/7, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tổ chức buổi tọa đàm thứ ba về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – Thực trạng và giải pháp” nhằm triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Thành uỷ về Công nghiệp văn hoá trên địa bàn Hà Nội.
Tọa đàm lần ba được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể Thành phố; các quận, huyện, thị ủy; Ban quản lý một số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội để đóng góp, đề xuất vào Dự thảo Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Chủ trì Tọa đàm có Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06/CTr-TU của Thành ủy về “phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng; giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể; các quận, huyện, thị xã; ban quản lý một số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trên địa bàn Thành phố.
Nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh của ngành, địa phương trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai nhấn mạnh: Tròn 20 năm sau khi Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, ngày 30/10/2019, Thành phố Hà Nội tiếp tục được vinh danh (cùng 66 Thành phố trên thế giới) là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO trên lĩnh vực “Thiết kế”. Sự kiện này đã giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa cho được nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm”, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó cũng là nhiệm vụ đặt ra sau khi Hà Nội được công nhận là “Thành phố sáng tạo”.
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, và để có thêm những căn cứ khoa học và thực tiễn, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức các buổi Tọa đàm tham vấn và nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trên lĩnh vực văn hóa cũng như những sáng kiến góp ý, hiến kế các ý tưởng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo địa bàn Thủ đô.
Tại toạ đàm lần ba, Thành uỷ đã tham vấn ý kiến từ các Sở, Ban, ngành, đoàn thể Thành phố; các quận, huyện, thị ủy; Ban quản lý một số di tích Quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội – là những đơn vị sẽ trực tiếp triển khai cụ thể hóa khi Nghị quyết được ban hành. Toạ đàm lần này tập trung vào một số vấn đề như: Nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh của các ngành, địa phương, đơn vị mình trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; lựa chọn lĩnh vực ngành công nghiệp văn hóa mà ngành, địa phương, đơn vị thấy có khả thi triển khai, thực hiện được. Đánh giá năng lực triển khai, dự báo những thuận lợi và những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo bước chuyển biến rõ nét thúc đẩy công nghiệp văn hóa của ngành, địa phương, đơn vị góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời hiến kế những ý tưởng, sáng kiến tham vấn, gợi mở; đề xuất các giải pháp, kiến nghị với Thành phố về cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển tại các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tọa đàm thu hút trên 40 ý kiến đóng góp vào nội dung của dự thảo Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và dự thảo Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, hướng tới mục tiêu từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2045, Hà Nội “có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế…”.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, Hà Nội có lợi thế rất lớn về văn hoá so với các địa phương. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều văn nghệ sĩ, nhiều sản phẩm sáng tạo do người Hà Nội tạo nên được thế giới công nhận, hệ thống làng nghề và các di sản của Thủ đô cũng rất phong phú nhưng hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển, thiết kế mẫu mã chưa mang tính ứng dụng cao, việc quảng bá sản phẩm còn manh mún, hầu hết do các nghệ nhân tự thực hiện… Đứng trước nhiều lợi thế, nhưng để phát triển công nghiệp văn hoá, Hà Nội cần làm rõ lĩnh vực nào phải được ưu tiên quan tâm đầu tư. Hiện nay, sự hỗ trợ cho phát triển văn hoá chưa nhiều, những người làm nghệ thuật đang hoạt động khá độc lập… “Chúng ta cần quan tâm đến các nghệ nhân, nghệ sĩ, đến sản phẩm văn hoá, tạo ra môi trường văn hoá chất lượng để họ có thể quảng bá sản phẩm của mình, ví dụ như hiện nay, Hà Nội có một số phòng tranh tổ chức đấu giá các tác phẩm mỹ thuật, đây là nơi chúng ta tăng nguồn thu đồng thời cũng kiểm soát chất lượng nghệ thuật” – ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.
Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Phạm Minh Anh cho rằng, tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp văn hóa ở Hà Nội rất lớn song vấn đề vi phạm bản quyền ở thành phố vẫn đang diễn ra khá phổ biến, không chỉ làm nhụt trí các nhà sáng tạo, mà còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho rằng cần xác định danh mục các nhiệm vụ theo lộ trình cụ thể để triển khai, thực hiện có hiệu quả, trong đó vấn đề thu hút đầu tư cho con người – chủ thể sáng tạo cũng như hưởng thụ sản phẩm sáng tạo – cần được đặc biệt quan tâm, từ cơ chế, chính sách hỗ trợ con người đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ…
Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Trọng Hiếu cho rằng, Hà Nội có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển du lịch văn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Hà Nội sẽ cần kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử của Thủ đô và của dân tộc, với bảo vệ thiên nhiên và môi trường theo hướng bền vững. Phát triển du lịch phải đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hoá, lấy du lịch văn hoá làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác.
Sớm cụ thể hoá mục tiêu, giải pháp để phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô
Kết luận tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định, Hà Nội xác định xây dựng và phát triển văn hoá, con người là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa, hướng tới xây dựng diện mạo, môi trường văn hóa mới cho Thủ đô. Liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, Thành phố đã có hẳn một Chương trình công tác dành riêng cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển văn hoá của Hà Nội. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Vấn đề đặt ra cho Hà Nội là phải tìm ra được giải pháp thích hợp. Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới Thành phố sáng tạo (lĩnh vực thiết kế) bởi Thành phố luôn quan tâm phát triển văn hoá và luôn quan tâm tới việc khai thác, phát huy những giá trị truyền thống. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá với sự canh tranh rất lớn giữa các quốc gia thì sự sáng tạo là yếu tố quyết định trong mối cạnh tranh đó. Lĩnh vực Thiết kế là nội dung rất quan trọng, nó chi phối, tác động đến rất nhiều ngành và lĩnh vực, trong đó đặc biệt là các ngành liên quan đến công nghiệp văn hoá. Nếu tập trung vào đó, sẽ vừa phát huy lại vừa khai thác được truyền thống mà đồng thời lại tận dụng và tiếp cận nhanh chóng với sự phát triển của thế giới.
Ông Nguyễn Văn Phong ghi nhận các ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, địa phương để hoàn thiện đề án. Đề án cần được bổ sung thêm các số liệu cần thiết, đồng thời chỉ rõ những nhiệm vụ trong từng giai đoạn, các giải pháp phải mang tính khả thi. Đối với Dự thảo Nghị quyết, cần điều chỉnh lại kết cấu, tiếp thu, bổ sung một số giải pháp về quy hoạch, nguồn lực, giải pháp phối hợp để khai thác có hiệu quả các nguồn lực văn hoá của Trung ương nằm trên địa bàn Thành phố.
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Văn Phong đã đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xác định Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” như là căn cứ gợi mở để các quận, huyện, thị xã chủ động sớm xây dựng được các dự kiến, định hướng, dự án, đề án. Các địa phương cần quan tâm rà soát ngay quy hoạch tổng thể về văn hoá trên địa bàn, đồng thời quan tâm bố trí đầu tư công cho các dự án trong lĩnh vực văn hoá bởi một trong những yếu tố đánh giá lượng cuộc sống của người dân hiện nay đó chính là hạ tầng xã hội và đời sống văn hoá. “Đây cũng chính là đầu tư vào chiều sâu và liên quan đến câu chuyện phát triển bền vững, gắn với tạo dựng bản sắc của từng địa phương, đơn vị” – ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND Thành phố sớm chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu ngay các giải pháp về cơ chế, chính sách như cơ chế tự chủ cho các đoàn nghệ thuật, đầu tư cho cơ sở vật chất, giải phóng sự sáng tạo của các văn nghệ sĩ trong khuôn khổ pháp luật, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các không gian sáng tạo… để sớm hiện thực hóa, phát triển các ngành văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển cả về chất và lượng, đóng góp vào tăng trưởng chung của Thủ đô.
Lan Thy Nga