Xây dựng không gian văn hóa lành mạnh, thiết thực, nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc, mang tri thức đến cộng đồng… là mục tiêu mà Ngày sách Việt Nam hướng tới. Tôn vinh văn hóa đọc Năm 2017 là năm thứ 4 diễn ra Ngày Sách Việt Nam, theo Quyết định […]
Tôn vinh văn hóa đọc
Năm 2017 là năm thứ 4 diễn ra Ngày Sách Việt Nam, theo Quyết định 284/QĐ – TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, về việc chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam, nhằm tôn vinh văn hóa đọc trong cộng đồng. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động sinh hoạt văn hóa thường niên, được cộng đồng đón nhận và tôn vinh. Tại nhiều địa phương, các hoạt động chào mừng Ngày sách diễn ra sôi nổi, đưa sách đến gần hơn với công chúng và thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc trên toàn quốc.
Việc đọc sách, trau giồi tri thức phải được diễn ra thường xuyên, hàng ngày.
Tại Hà Nội, Ngày Sách Việt Nam 2017 diễn ra từ ngày 6 – 10/4 với nhiều hoạt động hấp dẫn. Với chủ đề “Sách và sự phát triển tri thức của cộng đồng”, hàng trăm gian hàng của 80 đơn vị trưng bày phục vụ bạn đọc, cùng nhiều hoạt động bên lề như tọa đàm, trao đổi về sách, giới thiệu sách mới xuất bản, giao lưu với tác giả – tác phẩm, các chương trình tri ân bạn đọc… của các đơn vị tham gia ngày hội sách, đã tạo nên một không gian văn hóa sách ấn tượng tại thủ đô. Con số thống kê doanh thu khoảng 11 tỷ đồng trong 5 ngày diễn ra hội sách cho thấy, bạn đọc đang ngày càng quan tâm hơn đến sách và văn hóa đọc đang ngày càng phát triển.
Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam 21/4 và Ngày sách bản quyền thế giới 23/4 cũng diễn ra, với nhiều hoạt động sôi nổi như Tuần lễ chào mừng Ngày Sách Việt Nam 21/4 với chủ đề “Mở cửa tương lai”, phát động cuộc thi “Tủ sách gia đình”, thắp sáng tình yêu đọc sách cho con trẻ; chương trình Tuần lễ sách thiếu nhi với chủ đề “Vừng ơi! Mở cửa ra…”… bên cạnh đó, những chương trình giao lưu, tọa đàm, talk show về sách và văn hóa đọc được tổ chức trong dịp này.
Đà Nẵng cũng tổ chức ngày hội sách với chủ đề “Tận hưởng niềm vui đọc sách”, gần 200 gian hàng của 50 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành, văn hóa trong và ngoài nước, cùng với các hoạt động tọa đàm, giao lưu với các tác giả nổi tiếng… trở thành ngày hội sách lớn nhất từ trước đến nay ở Đà Nẵng… Ở nhiều địa phương khác trên cả nước, như Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Tiền Giang… đều tổ chức các hoạt động tôn vinh Ngày Sách Việt Nam, tôn vinh văn hóa đọc…
Gắn kết người đọc và sách
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, không phải người dân, bạn đọc không quan tâm đến sách, mà từ trước đến nay chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc gắn kết sách với người đọc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, công ty phát hành sách cũng chưa có phương pháp phù hợp, hiệu quả để đưa sách đến với người đọc.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Ngày Sách Việt Nam là hoạt động thiết thực và cũng là bước khởi đầu góp phần gắn kết giữa sách với người đọc sách, các sự kiện diễn ra hội sách, ngày sách là những sự kiện điểm nhấn, để giới thiệu sách đến với bạn đọc, để bạn đọc biết đến nhiều đầu sách, nhiều thể loại sách khác nhau. Mục tiêu chính của Ngày hội sách và các hoạt động trong ngày sách, là mong muốn đưa được tri thức của nhân loại đến với cộng đồng, nhằm nâng cao dân trí, phát triển văn hóa…
Ngày 15/3/2017, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó đưa ra những chỉ tiêu cụ thể như: Đến năm 2020, phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; 20 – 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15 – 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện – văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành; 85% người sử dụng thư viện có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí…
Qua nhiều năm tổ chức, các hoạt động trong Ngày Sách Việt Nam ngày càng được tổ chức quy mô hơn, việc đọc sách cũng được người dân quan tâm hơn. Tần suất diễn ra các sự kiện, ngày hội sách mùa xuân, mùa thu… ngày càng nhiều hơn, sự xuất hiện của những đường sách, phố sách cũng góp phần lan tỏa phong trào đọc sách đến nhiều vùng miền, nhiều tầng lớp nhân dân.
Ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, văn hóa đọc cũng được chú trọng thông qua việc hình thành hệ thống tủ sách gia đình, dòng họ, đặc biệt là hệ thống thư viện công cộng ở các tỉnh, huyện. Một số địa phương như Yên Bái, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Quảng Nam, Gia Lai, Nghệ An… còn đưa hình thức xe thư viện di động đến từng ngóc ngách, từng con phố, để đưa sách và tri thức đến gần hơn với cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của những người yêu sách, để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thì việc tổ chức các hoạt động trong Ngày sách chỉ là bước khởi đầu, có tác dụng tuyên truyền, cổ động công chúng đến với sách trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, nhu cầu đọc sách, trau dồi tri thức phải được diễn ra thường xuyên, hàng ngày… chính vì vậy, để thúc đẩy và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, để việc đọc sách trở thành hoạt động học tập thường xuyên, suốt đời, thì các cơ quan quản lý, các nhà xuất bản cần cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, phát triển hệ thống thư viện đến cơ sở, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quảng bá sách, tổ chức nhiều hoạt động giúp cộng đồng hiểu được giá trị của việc đọc sách và những tri thức mà sách mang lại… từ đó, giúp cộng đồng, đặc biệt là trẻ em, ngày càng gần sách, yêu sách và gắn bó với sách, coi sách là người bạn suốt đời.
Theo Báo mới