Những năm gần đây, công tác xây dựng các mô hình văn hóa được Hà Nội quan tâm triển khai nhằm tăng hiệu quả cho các phong trào “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tuy nhiên, nhiều nơi xây dựng mô hình […]
Những năm gần đây, công tác xây dựng các mô hình văn hóa được Hà Nội quan tâm triển khai nhằm tăng hiệu quả cho các phong trào “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tuy nhiên, nhiều nơi xây dựng mô hình văn hóa mang nặng tính hình thức, hoạt động kém hiệu quả. Để dần xóa bỏ tình trang này, Hà Nội đang triển khai các mô hình văn hóa đặc thù để nhân rộng ra toàn thành phố, xây dựng hiệu quả đời sống văn hóa tinh thần của người dân Thủ đô.
Hiện tại, Hà Nội có nhiều mô hình văn hóa: Gia đình Văn hóa, Làng Văn hóa, Tổ dân phố Văn hóa, Cơ quan đơn vị văn hóa. Trong đó, mô hình Gia đình văn hóa là yếu tố hàng đầu trong việc xây dựng các mô hình văn hóa khác và Làng văn hóa là nội dung chính trong xây dựng nông thôn mới ở ngoại thành Hà Nội. Đây cũng là hai mô hình hoạt động hiệu quả nhất, do vậy, việc xây dựng mô hình văn hóa đặc thù trong nhóm này để nhân rộng đang được Thành phố triển khai.
Trên địa bàn Hà Nội, đã có nhiều mô hình văn hóa mang tính đặc thù như Cầu thang văn hóa ở phường Nghĩa Tân (Quận Cầu Giấy), Phường Văn hóa ở Quảng An, Nhật Tân ( Quận Tây Hồ), các khu phố văn minh đô thị, nhà trường văn hóa… Đây là những mô hình tiêu biểu trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân & có sức lan tỏa đối với cộng đồng.
Về mô hình Cầu thang văn hóa ở phường Nghĩa Tân, theo thống kê, toàn phường có 176 cầu thang đăng ký Cầu thang văn hóa. Tại đây, người dân chung tay xây dựng thư viện sách báo, phục vụ nhu cầu đọc của mọi người, cùng giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự, tổ chức các hoạt động văn hóa khác. Điều này có ý nghĩa khi các chung cư cao tầng rất thiếu điểm vui chơi, giải trí cho người dân.
Bà con KTT A3 Nghĩa Tân đọc báo tại Cầu thang Văn hóa
Cũng trên địa bàn quận Cầu Giấy, Trường THCS Lê Quý Đôn là một trong những đơn vị quan tâm xây dựng mô hình Nhà trường văn hóa. Trong các tiết học, các hoạt động ngoại khóa, Nhà trường đã lồng ghép các chương trình giáo dục đạo đức, văn hóa, nếp sống thanh lịch, văn mình,…cho học sinh. Từ nhiều năm nay, Trường đã xây dựng quy chết ứng xử đối với cán bộ, giáo viên trong nhà trường, trong đó có ứng xử văn hóa giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với phụ huynh, giữa học sinh với nhau.
Mô hình Phường Văn hóa của Quận Tây Hồ được coi là mô hình văn hóa tiêu biểu, được địa phương sáng kiến xây dựng trong vài năm trở lại đây. Về cơ bản, các tiêu chí xây dựng “Phường văn hóa” là sự cụ thể hóa các thông tư, quy định của Bộ VH,TT&DL và UBND TP Hà Nội về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Đó là, phường văn hóa phải có 100% số hộ, 100% tổ dân phố đăng ký xây dựng các danh hiệu văn hóa và có ít nhất 85% số hộ, 75% số tổ dân phố đạt tiêu chuẩn; không để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình; không có tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm; không phát sinh người nghiện mới. Các thiết chế văn hóa phải đồng bộ, người dân sống và ứng xử văn minh, thanh lịch; không nói bậy, say rượu bia gây mất trật tự công cộng…
Địa bàn quận Tây Hồ có đặc trưng riêng, hầu hết các phường của Tây Hồ hiện nay được hình thành từ các làng cổ. Sau khi hình thành khung tiêu chí, quận Tây Hồ chọn phường Quảng An để triển khai thí điểm trước khi nhân rộng mô hình. Vốn từ làng lên phố, cộng đồng dân cư ở đây có nhiều gắn kết, nhất là thông qua các hoạt động lễ hội, văn hóa tâm linh gắn với di tích đình, chùa. Phường Quảng An coi trọng việc giữ gìn các di tích đình, chùa, các lễ hội, đồng thời cũng coi đây là “chất keo” gắn kết tình cảm những người dân trong cộng đồng. Các dịp tế lễ ở đình, chùa cũng đồng thời là dịp bàn bạc công việc của khu dân cư. Cùng với đó là các hoạt động vận động xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng hạ tầng cho văn hóa, không hút thuốc nơi công cộng, không chèo kéo khách du lịch… Đến năm 2013, phường Quảng An trở thành phường văn hóa đầu tiên của thành phố. Mô hình này tiếp tục được nhân rộng ở phường Nhật Tân. Hiện tại, phường Quảng An, Nhật Tân đã đạt 40/40 tiêu chí, xứng đáng là “lẵng hoa” của Thủ đô.
Năm 2014, Quảng An là Phường Văn hóa đầu tiên của Hà Nội nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Cũng thực hiện xây dựng văn hóa người Hà Nội, khu vực các huyện ngoại thành phía Tây Nam Thủ đô lại kết hợp xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh với gìn giữ nét văn hóa truyền thống xứ Đoài. Ở vùng Hà Tây (trước đây), nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn rơi rớt, cho nên nhiều địa phương chọn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới làm trọng tâm thực hiện. Cho đến nay, phần lớn các đám cưới, đám tang ở các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Quốc Oai… đều được thực hiện theo nếp sống mới. Còn ở thị xã Sơn Tây, xây dựng đời sống văn hóa được kết hợp với triển khai các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Điển hình như xã Sơn Đông, cán bộ Đoàn Thanh niên xã tiên phong tổ chức lễ cưới với tiệc trà; hàng chục đám cưới thực hiện theo tinh thần trang trọng, tiết kiệm.
Thị xã Sơn Tây cũng là địa phương tích cực hưởng ứng cuộc thi “Viết về nếp sống văn minh, thanh lịch” do Sở Giáo dục và Đào tạo phát động.
Từ năm 2009, quận Hà Đông xây dựng mô hình cưới văn minh với số lượng cỗ không quá 40 mâm (mâm 6 người) và triển khai trên địa bàn toàn quận.Thời gian đầu triển khai mô hình, cả bộ máy chính trị của quận Hà Đông vào cuộc quyết liệt vẫn không nhận được sự đồng tình vì tục trả nợ miệng vẫn tồn tại… Nhưng quyết tâm xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, quận Hà Đông thành lập các ban tuyên tuyền, vận động từ quận tới từng tổ dân phố, in tờ rơi tuyên truyền đến từng hộ gia đình. 100% chi bộ, hộ gia đình các phường tổ chức ký cam kết không tổ chức cưới to. Trên tinh thần đó, cán bộ, đảng viên nào tổ chức cưới vượt quá số mâm cỗ quy định tùy theo mức độ sẽ bị xử lý; người dân vi phạm sẽ bị nhắc nhở… “Mưa dầm thấm lâu, năm 2009, quận Hà Đông chỉ có 60,8% số đám cưới thực hiện đúng quy định, nhưng đến năm 2011, tỷ lệ này tăng lên 82,1% và hiện tại là 95%.
Nếu ví văn hóa Hà Nội là bức tranh lớn đa màu sắc thì quận Hoàn Kiếm là bức tranh thu nhỏ gồm những gam màu nổi bật nhất, phản chiếu nét đẹp văn hóa riêng có của người Hà Nội, đồng thời chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Quận Hoàn Kiếm là “vùng lõi” của văn hóa Hà Nội, nơi các hoạt động thương mại, du lịch diễn ra sôi động.
Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, năm 2008, quận Hoàn Kiếm là địa phương đầu tiên của Thủ đô xây dựng Đề án về văn hóa ứng xử – “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ” nhằm đưa ra các chuẩn mực về giao tiếp, ứng xử cho nhân dân trên địa bàn. Trong 5 tiêu chí đặt ra, quận Hoàn Kiếm tập trung thực hiện 2 tiêu chí cốt yếu là giao tiếp, ứng xử có văn hóa và có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
Đi vào thực tiễn, Đề án nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân nên những năm sau đó, quận Hoàn Kiếm tiếp tục ban hành nhiều đề án khác nhằm gìn giữ “hồn cốt” cho khu phố cổ… Không gian văn hóa trong khu phố cổ ngày càng mở rộng với các tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân, Hàng Buồm – Mã Mây – Hàng Giầy – Lương Ngọc Quyến – Tạ Hiện – Đào Duy Từ, với nhiều di tích lịch sử văn hóa được tu bổ, tôn tạo…
Thủ đô đã qua 30 năm đổi mới với biết bao đổi thay về kinh tế, văn hóa, xã hội, một số nét văn hóa xưa có thể không còn phù hợp với lớp trẻ hôm nay, song ở thời nào thì nếp sống thanh tao, lối ứng xử thanh lịch, văn minh vẫn luôn được đề cao.
Ngoài những điểm sáng nêu trên, Hà Nội còn nhiều mô hình, đề án văn hóa đặc thù đang được các ngành, các địa phương triển khai thực hiện như: Mô hình đưa di hài người chết đi hỏa táng; đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài; đề án khôi phục các điệu múa cổ, múa dân gian trên địa bàn huyện Thanh Trì… Hiệu quả của các đề án này đã được kiểm định trong thực tế, góp phần đưa nét đẹp văn hóa của người Hà Nội ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
c thành phố đã triển khai dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch – văn minh cho học sinh Hà Nội” cho học sinh ở tất cả các cấp học. Khi những mầm non của Thủ đô, những chủ nhân tương lai của thành phố được quan tâm rèn giũa việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội, ta càng củng cố niềm tin vào việc hình thành nếp sống văn minh, thanh lịch của Thủ đô trong thời đại ngày nay.
Ngọc Minh
(tổng hợp)