Bảo tồn - Bảo Tàng

Nhiếp ảnh với bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội

Thăng Long- Hà Nội đã hơn 1000 năm tuổi, nhưng những nếp sống của người Tràng An vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày qua từng bức ảnh, từng áng văn chương.

Nét đẹp đó của Hà Nội cần được khơi gợi, thể hiện, được khai thác và quảng bá. Theo đó, ngày 17/4, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức tọa đàm chuyên đề: “Nhiếp ảnh với việc bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội” nhằm mục đích bảo tồn và quảng bá cho văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Bên cạnh buổi tọa đàm còn là cơ hội để Bảo tàng Hà Nội sưu tầm thêm những nguồn tư liệu về Hà Nội.

Thăng Long- Hà Nội trở thành một vùng đất đầy hấp dẫn với những địa danh lịch sử-văn hóa nổi tiếng như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tháp Rùa-Đền Ngọc Sơn… Kiến trúc cổ Hà Nội gợi lên một nếp sống văn hóa gia đình trong những đường nét, hơi thở của nhiều thế hệ. Khu phố cổ Hà Nội vẫn là khu vực đông đúc với những con phố nghề đặc trưng mang tên: Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng còn những khu phố mang đặc trưng kiến trúc Pháp, những con đường rộng, phủ kín cây xanh, điểm xuyết nét văn hóa châu Âu giữa lòng Thủ đô. Tất cả hình ảnh về cuộc sống, con người của mảnh đất Hà Thành đã gợi biết bao xúc cảm cho những người nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm của mình từ nhiều thể loại khác nhau trong đó không thể không kể đến nghệ thuật nhiếp ảnh. Hơn nữa Thăng Long Hà Nội còn là mảnh đất anh hùng, nơi đây từng nhiều lần là tuyến đầu của Tổ quốc đứng lên đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược. Trong “mưa bom, bão đạn” biết bao con người đã “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Cũng trong chính thời khắc đầy hào hùng ấy đã sản sinh ra nhiều nhà báo, nhà nhiếp ảnh đã ghi lại những thời khắc lịch sử hào hùng, đánh thắng kẻ thù của quân dân Thủ đô bằng hình ảnh chân thực nhất trong cuộc chiến đầy cam go.

Mỗi nhiếp ảnh gia có một góc nhìn nhận và thể hiện vẻ đẹp riêng của Hà Nội qua ống kính máy ảnh. Họ lại chọn cho mình một góc độ khác nhau của Hà Nội làm nguồn cảm hứng: người là những con ngõ nhỏ, người là kiến trúc Hà Nội, hay đơn giản chỉ là đời sống thường nhật, thiên nhiên cảnh vật tại Thủ đô. Một Hà Nội thân thương, gần gũi được truyền tải đến người xem qua nhiều lăng kính với sự sáng tạo, dấu ấn rất riêng, mang công chúng đến một hình ảnh rộng hơn, tươi mới từ những điều tưởng như xưa cũ… Tất cả đều là những cách thức gợi lên tinh thần yêu Hà Nội bình dị mà chân thành nhất.

Tác phẩm: “Thóc không thiếu một cân – Quân không thiếu một người” của NAG Hoàng Thiết. Đây là một trong số những tác phẩm của ông chưa từng được công bố ghi lại hình ảnh nhân dân huyện Hoài Đức làm nghĩa vụ lương thực nuôi quân.

NSNA Mầu Hoàng Thiết – nguyên là phóng viên ảnh báo Tiền phong, là hội viên sáng lập của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Nhiếp ảnh lão thành Mầu Hoàng Thiết – hiện đã vào tuổi 87 – được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật đợt V (2016) cho chùm ảnh đặc sắc “Hậu phương thời chiến”. Đến với buổi tọa đàm, ông cũng mang theo 1 số bức ảnh ông chụp thời chiến chưa từng công bố… Với ông, một người cầm máy trong thời chiến cần phải có được nhãn quan chính trị, cần phải hiểu mình chụp ảnh cho ai xem và điều cuối cùng không thể thiếu là tính nghệ thuật. Với những khó khăn trong thời chiến, để có được một bức ảnh sống mãi với thời gian cũng không khác gì đi đãi cát tìm vàng…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo – một chàng trai Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên giữa phố cổ Hàng Đào, lại đam mê chụp ảnh, vì thế mà ông có cả một kho tư liệu ảnh về Hà Nội, đặc biệt là phố cổ. Ông là tác giả của cuốn sách ảnh Hà Nội dấu yêu với 198 bức ảnh về Hà Nội giai đoạn từ 1978 đến 2015, với tính chân thực cao, không dàn dựng, không hư cấu…Chính vì vậy, tại buổi tọa đàm, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo đau đáu rằng: “Bảo tàng Hà Nội lưu ý xem có cách nào chúng ta tìm được những tư liệu ảnh tạo nên một dòng chảy về Hà Nội được bắt nguồn từ những gì xa xưa nhất cho đến ngày hôm nay”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo là người biên tập 4 cuốn sách ảnh tư liệu về Hà Nội: Hà Nội ngày tiếp quản, Những ký ức còn lại, Thủ đô huyết lệ và Âm vang lời thề quyết tử.

Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các nhiếp ảnh gia, nhà báo, các nhà quản lý với nội dung đi thẳng vào vấn đề cần làm gì để có thể đạt được mục đích bảo tồn và quảng bá cho văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Bên cạnh buổi tọa đàm cũng chính là cơ hội để Bảo tàng Hà Nội nhận được những ý kiến đóng góp cho phần trưng bày, đồng thời sưu tầm thêm những nguồn tư liệu về Thăng Long-Hà Nội giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước.

TN

 

 

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *