Hà Nội đẹp

Nhiều công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), đã có nhiều công trình được tổ chức gắn biển công trình cấp thành phố: Huyện Gia Lâm gắn biển công trình Trung tâm Chính trị huyện (nằm trên địa bàn xã Cổ Bi)…

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Trong đó, việc triển khai tu bổ, tôn tạo và gắn biển các công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô bao gồm các nội dung: Tiến hành tu bổ, tôn tạo, gắn biển các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, nhất là các di tích gắn với sự kiện Giải phóng Thủ đô; trùng tu, tôn tạo Khu nghĩa trang của Hà Nội tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Tổ chức khởi công, khánh thành các dự án và tổ chức gắn biển các công trình chào mừng. Đến tháng 3/2024, số công trình khởi công đăng ký là 43 công trình; công trình đề nghị gắn biển là 86 công trình…

 

Lãnh đạo Ban Thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội và quận Đống Đa trao Bằng công nhận Công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cho Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Trường Tộ.

Ảnh: T.Vũ

Các quận, huyện, thị xã, ban ngành, đoàn thể đã xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, trong đó có nổi bật là đăng ký thực hiện công trình tiêu biểu (công trình cấp thành phố và công trình cấp quận) để gắn biển chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Đã có nhiều công trình được tổ chức gắn biển công trình cấp thành phố: Huyện Gia Lâm gắn biển công trình Trung tâm Chính trị huyện (nằm trên địa bàn xã Cổ Bi); Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố và Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội phối hợp triển khai bàn giao công trình thanh niên cấp thành phố tới bà Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1942) cựu thanh niên xung phong, hiện sinh sống tại phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm); quận Đống Đa tổ chức gắn biển công trình trường THCS Nguyễn Trường Tộ (phường Ô Chợ Dừa)… Các địa phương đang nỗ lực để các công trình về đích đúng tiến độ đặt ra. Quận Hai Bà Trưng có hai công trình cấp thành phố là Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ở 349 phố Minh Khai sẽ gắn biển công trình vào ngày 15/8. Dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Thiền Quang sẽ gắn biển vào cuối tháng 9/2024…

Các đại biểu khánh thành công trình Trung tâm Chính trị huyện Gia Lâm 

Ảnh : Ánh Dương

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất gắn biển 03 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến liên quan đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Các địa điểm này thuộc địa bàn huyện Gia Lâm. Cụ thể:

Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn: Nhân dân và du kích thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn đã có công lớn trong việc chống càn, chống lập bốt, rào làng đánh giặc, đẩy lùi nhiều trận càn quét của giặc Pháp tiêu biểu là trận đánh ngày 21/11/1953, ngày 09/01/1954, ngày 06/5/1954; nhiều cán bộ, đảng viên, du kich và Nhân dân đã anh dũng hy sinh, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại đình Hàn Lạc, xã Phú Thị: Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), đình thôn Hàn Lạc, xã Phú Thị là cơ sở cách mạng của Việt Minh, nơi đặt trạm xá dã chiến của Trung đoàn Thủ đô. Tại đây, các cuộc họp bí mật của Việt Minh được tổ chức do Thượng tướng Bùi Phùng chủ trì. Đình là nơi cất giấu tài liệu, nơi giặc Pháp tra tấm và thủ tiêu cán bộ Việt Minh, trong đó có 02 liệt sỹ: Đặng Văn Nhuần, Phùng Văn Chính.

Địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến  làng Trân Tảo, xã Phú Thị: Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là trong các ngày 21/01/1951, 16/02/1954 và 05/05/1954 (âm lịch), quân và dân địa phương thôn Trân Tảo đã tham gia chống càn, rào làng đánh giặc, nhiều con em của làng đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng, được Đảng, Nhà nước công nhận là liệt sỹ.

Bình Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *