Văn hoá đời sống

Nhiều hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du

Ngày 17/11/2015, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo về Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới (1765-2015). Theo đó, Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào […]

Ngày 17/11/2015, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo về Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới (1765-2015). Theo đó, Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào ngày 5/12/2015 tại thành phố Hà Tĩnh, do tỉnh Hà Tĩnh chủ trì với sự chỉ đạo, phối hợp của Bộ VHTTDL và các cơ quan Trung ương.

Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh tại kinh thành Thăng Long (nay là Thủ đô Hà Nội). Cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1776) quê xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, làm quan đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê; mẹ là bà Trần Thị Tần quê ở Kinh Bắc – Bắc Ninh.

  ND-9ba52Khu lưu niệm cụ Nguyễn Du thuộc làng Tiên Điền, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Du mất khi mới 55 tuổi nhưng ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bất hủ bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Về chữ Hán có “Thanh Hiên thi tập” gồm 78 bài, viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn; “Nam trung tạp ngâm” gồm 40 bài thơ làm từ năm 1805 đến cuối năm 1812, ông viết khi làm quan ở Huế, Quảng Bình và những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh; “Bắc hành tạp lục” gồm 131 bài thơ, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc. Sáng tác chữ Nôm có “Truyện Kiều” gồm 3254 câu thơ theo thể lục bát; “Văn chiêu hồn” còn có tên là “Văn tế thập loại chúng sinh”, nghĩa là Văn tế mười loại người, là một ngâm khúc gồm 184 câu viết theo thể song thất lục bát; “Thác lời trai phường nón” gồm 48 câu, cũng được viết bằng thể lục bát, nội dung thay lời người con trai phường nón làm thơ tỏ tình với cô gái phường vải; “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ” gồm 98 câu, viết theo lối văn tế… Trong đó, “Truyện Kiều” là tác phẩm vĩ đại nhất, tập đại thành của văn học cổ Việt Nam, đã đưa Nguyễn Du trở thành vĩ nhân thế giới, làm rạng danh dân tộc Việt Nam trên diễn đàn quốc tế. Tính đến nay, kiệt tác Truyện Kiều đã được chuyển ngữ và giới thiệu trong 37 bản dịch với hơn 20 ngôn ngữ khác nhau.

20151117_091406-26fd2Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên phát biểu tại cuộc họp báo.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết, kỷ niệm 250 ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du sẽ có nhiều hoạt động chính đã, đang và sẽ diễn ra, gồm: Tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì trong Quý II năm 2015. Xuất bản “Truyện Kiều” do Hội Kiều học Việt Nam khảo đính và chú giải; ra mắt bản Kiều dịch sang tiếng Nga; tổ chức dịch và xuất bản Truyện Kiều, các tác phẩm của Nguyễn Du ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Xây dựng phim tư liệu, các tác phẩm âm nhạc, hội họa… về thời đại, cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền do Bộ VHTTDL, Đài Truyền hình Việt Nam, các hãng phim, đài truyền hình địa phương thực hiện. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi ngâm Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, diễn trò Kiều, nói chuyện về tác phẩm của Nguyễn Du. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm tại Thủ đô Hà Nội là nơi sinh và tại tỉnh Bắc Ninh là quê mẹ của Đại thi hào Nguyễn Du.

Đặc biệt, điểm nhấn là Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 250 năm Ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du sẽ được tổ chức vào ngày 5/12/2015 tại thành phố Hà Tĩnh, do tỉnh Hà Tĩnh chủ trì với sự chỉ đạo, phối hợp của Bộ VHTTDL và các cơ quan Trung ương với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đại biểu quốc tế, trong nước.

20151117_091924-26fd2Ông Nguyễn Thiện – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại họp báo.

Theo Ban tổ chức, chương trình gồm phần lễ và chương trình nghệ thuật “Tiếng thơ ai động đất trời” do Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTTDL chỉ đạo và Nhà hát Nghệ thuật đương đại việt Nam thực hiện. Chương trình nghệ thuật với sự tham gia của 650 nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên và không chuyên bao gồm 3 chương: Chương 1: Vùng đất địa linh nhân kiệt – Áo gấm về làng; chương 2: Quê mẹ Kinh Bắc; chương 3: Tiếng thương như tiếng mẹ ru…, dự kiến sẽ có khoảng 10.000 người tham dự. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV, các Đài Truyền hình Trung ương và địa phương.

Trước Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra các hoạt động trong Tuần Văn hóa, Du lịch Nguyễn Du, bắt đầu từ ngày 28/11 đến 05/12/2015 tại quê hương Đại thi hào Nguyễn Du với các nội dung: Liên hoan nghệ thuật quần chúng các tỉnh với chủ đề Tiếng tơ Tiên Điền; Hội thi thuyết minh viên du lịch Hà Tĩnh; Chiếu phim về chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều và Trưng bày các ấn phẩm văn chương của Đại thi hào Nguyễn Du và Văn phái Hồng Sơn, hiện vật khảo cổ di tích Bãi Cọi; triển lãm ảnh về thành tựu kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tĩnh và các hoạt động văn hóa văn nghệ khác trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Nguồn: maskonline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *