Sự kiện

Nhiều hoạt động kỷ niệm 650 năm Ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020)

Kỷ niệm 650 năm Ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động tri ân và tôn vinh người thầy giáo tiêu biểu của Việt Nam diễn ra từ ngày 14 đến 31/12. Đây là dịp để nhân dân Thủ đô và cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ tri ân và tôn vinh người Thầy giáo tiêu biểu của Việt Nam.

Chu Văn An – một danh nhân văn hóa trên lĩnh vực giáo dục của Việt Nam, một người thầy giáo mẫu mực muôn đời.

Theo đó, vào ngày 20/11, Lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất Danh nhân Chu Văn An sẽ được tổ chức tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trước đó, vào các ngày 13, 15 và 20/11, sẽ diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An, lần lượt tại 3 điểm: Đền thờ Danh nhân Chu Văn An tại huyện Thanh Trì, quê hương của danh nhân; khu di tích Đền thờ Chu Văn An tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nơi ông về dạy học khi ở ẩn và di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, nơi ông từng giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Nằm trong chuỗi các hoạt động vinh danh Danh nhân Chu Văn An còn có cuộc thi “Sáng tác về Thầy giáo Chu Văn An” dành cho học sinh các trường học mang tên Thầy giáo Chu Văn An của cả nước và các trường học khác tại Hà Nội. Cuộc thi được phát động từ tháng 7 năm 2020, đến nay đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh đến từ hơn 30 trường học, lớp sáng tác. Các bài dự thi được thể hiện bằng nhiều hình thức như: Bài viết, thơ, kể chuyện, tiểu phẩm, phim hoạt hình, vẽ tranh, tranh thêu, tranh gốm, sáng tác ca khúc, tượng, viết thư pháp… Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ diễn ra vào sáng ngày 14/11 tới đây tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An” đã thu hút đông đảo học sinh trong cả nước tham dự.

Bên cạnh đó, nhằm tri ân Thầy Chu Văn An, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng tổ chức trưng bày chuyên đề: “Chu Văn An – Thượng tường Sơn Đẩu” tổ chức tại nhà Tiền Đường, khu Thái Học từ ngày 16/11 đến ngày 31/12/2020. Với ý nghĩa Thầy giáo Chu Văn An như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu của trường Quốc Tử Giám, Trưng bày được thể hiện bằng những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, hình vẽ tiêu biểu với hai phần nội dung: “Túc thanh cao”: Giới thiệu về con người, nhân cách, sự nghiệp giáo dục của Danh nhân Chu Văn An đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm với giáo dục và văn hóa Việt Nam và “Gương Thầy sáng mãi”: Giới thiệu về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng như các hoạt động tôn vinh, học tập và phát huy tinh thần của Thầy giáo Chu Văn An hiện nay.

Chu Văn An sinh năm 1292, người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, mất năm 1370, tại núi Phượng Hoàng, Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông là Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trực tiếp giảng dạy cho Thái tử và được phối thờ tại đây ngay sau khi ông mất. Cuộc đời Chu Văn An gắn liền với dạy học, làm Thầy ở ba không gian: quê hương Thanh Liệt (Thanh Trì), Quốc Tử Giám và Chí Linh (Hải Dương) và để lại tấm gương mẫu mực về đạo đức, trí tuệ và tinh thần, trách nhiệm với đất nước. Sau khi Ông mất đi, có 12 địa điểm thờ tự; tên Ông được đặt cho 50 trường học, 33 đường, phố trải dài trên khắp các miền của đất nước.

Chu Văn An – một con người suốt đời “sửa mình trong sạch, giữ vững khí tháo, không cầu danh lợi”; một danh nhân văn hóa trên lĩnh vực giáo dục của Việt Nam, một nhà giáo mẫu mực, suốt cuộc đời gắn bó với sự nghiệp dạy người để làm người, phụng sự đất nước, không cầu danh lợi, chính trực, thanh liêm. Người Việt Nam qua các thế hệ đều tôn xưng Chu Văn An là Người thầy mẫu mực của muôn đời. Ông là người đứng đầu Trung tâm giáo dục cao cấp nhất Việt Nam – Tư nghiệp Quốc Tử Giám, và có rất nhiều học trò sau này trở thành bậc nhân tài của đất nước. Là một người dành cả cuộc đời cho giáo dục với phương thức giáo dục không phân biệt tầng lớp xuất thân; học đi đôi với hành với phương pháp khơi dậy, tự suy nghĩ, phát hiện chân lý. Triết lý giáo dục nhân bản, nhận thức được tiềm năng học vấn của mọi con người và con người phải được giáo dục để trở thành con người toàn diện, giáo dục là dạy con người phong cách xử thế để trong mọi hoàn cảnh đều có thể hòa hợp với đồng loại.

Sau khi mất, ông được vua Trần truy phong tước Văn Trinh công, được Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá là Ông tổ của các nhà nho nước Việt và Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Tháng 11/2019, ông được Đại hội đồng UNESCO thế giới vinh danh và ra Nghị quyết cùng Việt Nam kỷ niệm 650 năm ngày mất vào năm 2020.

Bảo Hân

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *