Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố và Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; Công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Đảng bộ Hà Nội đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Cùng với đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chuyển biến tích cực, phát triển văn hoá ngày càng gắn bó hơn với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Sự nghiệp phát triển văn hoá – giáo dục được quan tâm đầu tư
Đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân ngày càng phong phú, nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước, chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh văn hóa, nhất là gắn với phát triển kinh tế du lịch. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn; Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, phân loại di tích và tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể; Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư và đổi mới về phương thức hoạt động. Đời sống văn hoá tinh thần không ngừng được cải thiện, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng từ cơ sở. Vai trò của văn học, nghệ thuật được khẳng định: chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật uy tín, chất lượng cao được tổ chức. Tầm vóc, thể lực của người dân Thủ đô từng bước được cải thiện, thể thao cho mọi người phát triển mạnh mẽ, là nền tảng để cho thể thao thành tích cao tiếp tục giữ vững vị trí số 1 cả nước. Một số chính sách, cơ chế đặc thù tạo cơ sở pháp lý cho công tác phát triển văn hoá, trọng tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh được ban hành.
Các loại hình báo chí phát triển mạnh mẽ, công tác quản lý báo chí, xuất bản truyền thông được tăng cường. Hoạt động quảng cáo được chấn chỉnh, thực hiện theo luật pháp. Chú trọng đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, nhất là trên không gian mạng.
Việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong giai đoạn mới được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, 1000 công chức nguồn cấp xã được được tuyển dụng, đào tạo cơ bản và phân công về làm việc tại UBND xã, phường, thị trấn. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giáo dục và đào tạo tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia năm 2020 đạt 75%, hoàn thành sớm 2 năm so với kế hoạch đề ra. Chất lượng giáo dục đại học trên địa bàn được nâng cao, nhiều trường tích cực đổi mới, tiệm cận với xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới.
Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có bước phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,14% năm 2015 lên 70,25% năm 2020; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48%; tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Chủ động hợp tác quốc tế, xây dựng và chuẩn hóa khung chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực, quốc tế. Nhiều doanh nghiệp tham gia, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực. Hà Nội dẫn đầu trong nhiều kỳ thi, hội thi tay nghề cấp quốc gia và quốc tế.
Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được tập trung chỉ đạo, với nhiều giải pháp, mô hình thiết thực; chất lượng các mô hình làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa dần đi vào thực chất (tỷ lệ Gia đình văn hóa đạt 88%, Làng văn hóa đạt 62%, Tổ dân phố văn hóa đạt 72%). Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương; nếp sống thanh lịch, văn minh được tăng cường. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều tiến bộ. Đặc biệt Thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng đồng thời triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới cán bộ công chức và nhân dân Thủ đô, ứng xử của cán bộ công chức và nhân dân bước đầu có chuyển biến tích cực.
Vẫn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy (khóa XVI) vẫn tồn tại một số hạn chế như: Công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vị thế Thủ đô. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp Thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ. Lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa huy động được hết tiềm năng sáng tạo và tâm huyết của đội ngũ trí thức – văn nghệ sỹ. Phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn. Việc triển khai cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật còn lúng túng, thiếu nhất quán. Chưa có chiến lược, giải pháp đột phá, đồng bộ để phát triển và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về văn hoá, việc chỉ đạo phát triển công nghiệp văn hoá còn hạn chế.
Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục – đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh chưa đáp ứng được yêu cầu; hiệu quả giáo dục đạo đức học đường, nếp sống, ứng xử văn minh ở các cấp học có lúc, có nơi còn hạn chế; chất lượng đào tạo nghề, nhất là cho lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Việc huy động, bố trí sử dụng nguồn nhân lực chưa đạt kết quả như mong muốn; chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng thể chế nhất là đối với lĩnh vực thu hút tài năng đặc biệt.
Việc thực hiện quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức vẫn còn nhiều hạn chế. Văn hóa ứng xử của người dân trong gia đình và nơi công cộng chuyển biến chưa đồng đều, thiếu bền vững.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhất là trong giai đoạn đất nước và Thủ đô đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa nhanh, tốc độ phát triển công nghệ thông tin ngày càng cao, xu thế xâm lăng văn hóa qua truyền thông, mạng xã hội ngày càng gia tăng với nhiều hình thức tinh vi và phức tạp, khó quản lý. Cơ chế chính sách chung còn thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, sự phối hợp giữa một số bộ, ban, ngành, Trung ương và Thành phố trong một số việc còn hạn chế. Phân công, phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước cho các quận, huyện nhìn chung còn bất cập.
Bên cạnh đó, một số cấp uỷ, chính quyền và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa chưa kịp thời đổi mới, có mặt bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng nhất là trong việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải; chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng, hiệu quả.
Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đặt ra 7 nhóm chỉ tiêu cùng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hoá tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Đông Hoàng