Các ý kiến tại Hội nghị đề cao giá trị của sự kết nối, học hỏi, hợp tác giữa các thành phố; sự phát huy danh hiệu Thành phố Sáng tạo vào từng địa phương, qua đó, tạo ra những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Hội nghị Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023. Với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, quan khách, trong đó có hơn 20 đại biểu đại diện cho các Thành phố sáng tạo của UNESCO, cùng các đại diện thuộc các thành phố dự kiến sẽ xây dựng hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới vào năm 2025 và các năm tiếp theo, Hội nghị đã nhận được nhiều kinh nghiệm xây dựng Thành phố Sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 20 đại biểu đại diện cho các Thành phố sáng tạo của UNESCO
Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy NGUỒN LỰC VĂN HÓA và SÁNG TẠO VĂN HÓA làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) với danh hiệu Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế. Hà Nội là Thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO và cũng là Thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại Hội nghị
Việc gia nhập Mạng lưới Các thành phố Sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Sau gần 4 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy Thiết kế trong các chương trình phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội, mặc dù trải qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa nhưng Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập Mạng lưới với việc tổ chức được 08 Hội thảo, Tọa đàm quốc tế tham vấn xây dựng cơ chế chính sách phát triển Hà Nội – thành phố Sáng tạo; Hình thành Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, củng cố Mạng lưới các không gian sáng tạo trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội hàng năm với các chủ đề “Khơi nguồn Sáng tạo” năm 2021, “Sáng tạo và công nghệ” năm 2022 và năm 2023 là “Dòng chảy” với chuỗi hoạt động, sự kiện nhằm tái thiết đô thị, phát huy và sáng tạo văn hóa, tái thiết di sản công nghiệp.
Đại diện đến từ Thái Lan phát biểu tại Hội nghị
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ: Thực hiện các cam kết khi tham gia Mạng lưới các thành phố Sáng tạo, Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 1/4/2022 về Triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025, Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 08-12-2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; Các nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có nhiều sáng kiến trong việc phát huy hiệu quả các không gian đi bộ công cộng, góp phần tại nhiều không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công trên địa bàn thành phố”.
Đại diện đến từ thành phố Kuching phát biểu tại Hội nghị
Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội : “Với việc có thêm 55 thành phố mới tham gia vào UCCN, Mạng lưới đã có sự tham gia của 350 thành phố thuộc hơn 100 quốc gia. Khi tham gia vào Mạng lưới, các Thành phố sáng tạo đều hướng tới mục tiêu thành lập, phát triển Trung tâm Sáng tạo và Đổi mới với việc mở ra thật nhiều không gian sáng tạo. Việc phát triển mạng lưới các Thành phố sáng tạo đòi hỏi phải dựa trên 3 trụ cột chính: Thiết kế, cộng đồng, sáng tạo, góp phần tạo điều kiện tối đa để các nhà sáng tạo trẻ dễ dàng phát huy tiềm năng, tạo nên nhiều không gian sống tốt cho người dân thành phố, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, chú trọng cải thiện, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động văn hóa sáng tạo, đồng thời, quan tâm hỗ trợ các đối tượng yếu thế (như người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi). Thành phố Sáng tạo không phải là nhiệm vụ của riêng một đơn vị, Sở ngành nào mà cần có sự chung tay, góp sức của cả xã hội để không chỉ mang lại sự phát triển bền vững, mà còn tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt cho xã hội”.
Các đại biểu đại diện cho các Thành phố sáng tạo Singapore cho biết, Sinhgapore được công nhận là Thành phố Sáng tạo, lĩnh vực Thiết kế từ năm 2015. Thành phố đã thành lập Hội đồng thiết kế Sinhgapore đồng thời tổ chức hàng loạt các hoạt động thu hút sự tham gia của cộng đồng: Tuần lễ Thiết kế sáng tạo; Diễn đàn những nhà thiết kế; các khu phố thiết kế sáng tạo; các không gian, chợ thiết kế…Qua đó, vừa khẳng định vai trò quan trọng của thiết kế đối với đời sống, vừa nuôi dưỡng các tài năng thiết kế, thúc đẩy các thương hiệu thiết kế của Sinhgapore.
Các đại diện đến từ Kobe (Nhật); Kuching (Malaysia); Bangkok, Chiềng Mai, Sukhothai, Phetchaburi (Thái Lan); Bang dung (Indonesia)…đã chia sẻ các bài học về thành công và thách thức trong quá trình phát huy hiệu quả giá trị của Thành phố sáng tạo. Dù có xuất phát điểm khác nhau, điều kiện địa lý, dân cư khác nhau khi được công nhận là Thành phố Sáng tạo và thực hiện các cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo… nhưng các ý kiến tại Hội nghị đều thống nhất đề cao giá trị của sự kết nối, học hỏi, hợp tác giữa các thành phố, vận dụng sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nghệ thuật thị giác, thời trang, âm nhạc, bảo tồn và phát huy giá trị di sản… vào từng nơi, tùy thuộc đặc điểm, nguồn lực của từng địa phương, qua đó, tạo ra những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại biểu đã cùng trao đổi, đối thoại về cách mà Mạng lưới các Thành phố sáng tạo khu vực ASEAN+3 có thể tận dụng nguồn lực văn hóa và sáng tạo của mình trong bối cảnh các thành phố đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đô thị do tốc độ đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu.
Thanh Bình