Hà Nội vừa phải chia ly với một nghệ sĩ yêu Hà Nội, yêu cây đàn ghi-ta đến nao lòng. Ông là Nguyễn Quang Tôn, nguyên là biên tập viên của Báo Hànộimới, một huyền thoại ghi-ta của nhóm “Thất cầm” Hà Nội. Ảnh: Vũ Hoàng Sơn Một người Hà Nội trầm lặng Nguyễn Quang Tôn […]
Hà Nội vừa phải chia ly với một nghệ sĩ yêu Hà Nội, yêu cây đàn ghi-ta đến nao lòng. Ông là Nguyễn Quang Tôn, nguyên là biên tập viên của Báo Hànộimới, một huyền thoại ghi-ta của nhóm “Thất cầm” Hà Nội.
Một người Hà Nội trầm lặng
Nguyễn Quang Tôn trong ký ức của tôi là một người mảnh khảnh, nói năng nhỏ nhẹ, không to tiếng bao giờ và rất tận tâm với công việc.
Vốn chỉ biết ông là nghệ sĩ ghi-ta tài năng nên khi về công tác tại Báo Hànộimới năm 1997, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy ông ngồi biên tập bài ở Ban Thư ký tòa soạn. Trên bàn làm việc của ông lúc nào cũng có mấy cuốn từ điển dày cộp. Ngày đó chưa có Google, bởi vậy phóng viên trẻ chúng tôi có điều gì chưa biết đều được ông giảng giải tận tình.
Sinh năm 1938, tại phố Hàng Gai, ông Nguyễn Quang Tôn là cháu nội cụ Nguyễn Thị Nhân, chủ phòng trà Thiên Thai ở Hà Nội. Khoảng cuối thập niên 40 thế kỷ XX, phòng trà này là nơi lui tới của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này, trong đó có nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy… Có lẽ niềm đam mê âm nhạc đã ngấm vào máu ông từ tháng ngày thơ bé đó.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông (năm 1958), chàng thanh niên Quang Tôn đi lao động tại công trường Hồ Bảy Mẫu theo phong trào dành cho học sinh, thanh niên lúc bấy giờ. Từ công trường lao động, năm 1960, ông được giới thiệu về Báo Thời mới làm phóng viên, biên tập viên. Khi Báo Thời mới sáp nhập với Báo Thủ đô Hà Nội thành Báo Hànộimới năm 1968, ông công tác tại Ban Thư ký Tòa soạn cho đến khi nghỉ hưu năm 1999.
Gần 40 năm cống hiến cho nghề báo, ông đã vinh dự được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”.
Sau này, khi đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp ông đạp xe từ nhà ở Cầu Gỗ đến tòa soạn, xem tờ báo, gặp bạn bè cũ, thân tình vài ba câu chuyện, giống như người làm vườn cũ gắn bó với hàng cây, luống đất mình đã dành bao công sức vun trồng… Ông vẫn chơi đàn, dạy đàn cho các học trò của mình trong căn phòng nhỏ ở phố Cầu Gỗ và lấy đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và sự thanh thản.
Khoảng mười năm trước, sau tai nạn xe máy, sức khỏe của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chiếc đàn ghi-ta gắn bó với ông một thời đành nằm phủ bụi trên chiếc tủ. Mỗi lần nhớ nghề, ông chỉ biết ngước mắt lên nhìn, tiếc nuối…
Hôm nay, nhận tin ông đã đi xa! Ông đi về nơi không còn phải đau đớn! Nơi ấy, có thể ông sẽ được gặp gỡ Andrés Segovia, Fernando Sor… mà ông từng yêu mến. Xin được đưa tiễn ông bằng những cơn gió heo may và hương cốm đầu mùa…
Một nghệ sĩ tài hoa
Nguyễn Quang Tôn là người yêu ghi-ta và cống hiến cả đời cho nghệ thuật ghi-ta, dùng ghi-ta để nói lên những tâm sự, suy tư và những ước vọng của mình.
Ngày ấy, phong trào ghi-ta ở miền Bắc chưa có gì đặc biệt. Tài liệu sách vở, băng đĩa về ghi-ta rất hiếm. Khó khăn về tài liệu không cản được tình yêu ghi-ta mãnh liệt của ông. Ông đã vượt qua bao khó khăn, trở ngại để trở thành một nghệ sỹ ghi-ta điêu luyện.
Từ năm 1955, ông và các bạn của mình thường xuyên cùng luyện tập và biểu diễn trên các công trường ở Thủ đô, bên hồ Hoàn Kiếm, trên các hè phố…, làm rung động những trái tim trẻ của Thủ đô bằng âm thanh đầy quyến rũ.
Hẳn những người yêu ghi-ta ở Hà Nội vẫn còn nhớ ban nhạc “Thất cầm” hay còn gọi là “Thất tinh ghi-ta Hà Nội” mà ông Quang Tôn là một thành viên. Khi đó, tiếng đàn của “Thất cầm” đã làm say lòng hàng vạn khán, thính giả Thủ đô.
Theo lời ông kể, “Thất cầm” gồm 7 người, cứ dần dần gặp nhau và kết thân thành nhóm. Năm 1972, nhóm được nhạc sĩ Phạm Tuyên mời thu sóng để phát phục vụ nhân dân trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Nhưng đúng ngày hẹn, anh em đến thu thì Đài phải sơ tán. Đầu năm 1973, nhóm mới có điều kiện thu sóng. Đây là bước đầu tiên để nhóm chính thức được phục vụ nhân dân trên sóng. Cũng là lần đầu tiên để mọi người chính thức biết đến “Thất cầm”. Sau sự kiện này, nhóm ra mắt Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Vào đêm 10-10-1974, Hội Nhạc sĩ đã tổ chức một buổi biểu diễn tại CLB Đoàn kết. Đêm diễn thành công rực rỡ, tạo nên một sự kiện âm nhạc cho Hà Nội. Ngay sau đó, Hội Nhạc sĩ quyết định đưa nhóm ra rạp Công Nhân biểu diễn liền 3 đêm và quyết định thành lập CLB Ghi-ta cổ điển mà nòng cốt là nhóm “Thất cầm”. CLB Ghi-ta cổ điển liên tục có những đêm diễn phục vụ người yêu ghi-ta Thủ đô tại Trụ sở Hội 51 Trần Hưng Đạo.
Tiếng vang của “Thất cầm” đã khơi dậy không khí sôi nổi, mạnh mẽ trong giới trẻ thời đó, thắp lên phong trào học ghi-ta cho giới trẻ Hà thành khiến họ thêm say sưa với loại nhạc cụ này.
Nghỉ hưu, ông vẫn cần mẫn với từng nốt nhạc, ôm đàn ghi-ta, thả hồn vào thế giới đầy lãng mạn, thăng hoa. Bên cạnh là người vợ tảo tần, cùng ông đi qua năm tháng. Với ông, âm nhạc khiến con người sống thiện hơn, làm người gần người hơn và giúp con người có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của cuộc sống…
Theo Báo Hànộimới
https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nguoi-ha-noi/825310/nho-chu-quang-ton