Chưa được phân loại

Những bước đi vững chắc

Năm 2016 là năm đầu tiên Thủ đô thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016- 2020; năm thứ ba thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có những bước đi vững chắc, và đạt được nhiều kết quả […]

1

Năm 2016 là năm đầu tiên Thủ đô thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016- 2020; năm thứ ba thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có những bước đi vững chắc, và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bản tin Văn hóa Hà Nội có cuộc trao đổi với đồng chí Tô Văn Động, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để thấy được những thành tựu mà ngành đã đạt được trong năm 2016.

PV: Thưa ông, là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc Tổng kiểm kê di tích, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố, ông có thể đánh giá một số kết quả cụ thể và những giá trị mà hoạt động này mang lại?

Đ/c Tô Văn Động: Thứ nhất, công tác kiểm kê, lập danh mục di tích chính là cơ sở pháp lý đầu tiên trong công tác quản lý di tích và là nền tảng cho mọi hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Sau khi danh mục kiểm kê được UBND Thành phố phê duyệt, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức bàn giao danh mục di tích, Quyết định phê duyệt danh mục kiểm kê di tích của Ủy ban nhân dân Thành phố cho UBND các quận, huyện, thị xã để thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các di tích đảm bảo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa, các quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước và thành phố Hà Nội về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Thứ hai, kết quả kiểm kê đã giúp các nhà quản lý có được những thông tin ban đầu về những di tích xuống cấp nặng, những di tích có giá trị đặc biệt, để từ đó, phối hợp với các địa phương, các sở ngành liên quan lựa chọn, đề xuất danh mục đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các di tích tiêu biểu gắn với phát triển du lịch địa phương (mỗi quận, huyện, thị xã đầu tư từ 01 đến 02 di tích).

Về lâu dài, số liệu và những thông tin cơ bản về đặc điểm, giá trị, hiện trạng của hệ thống di tích trên địa bàn góp phần cho người quản lý trong công tác xây dựng kế hoạch và định hướng cho các hoạt động trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm kê là cơ sở cho việc lập và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (số hóa) trong công tác quản lý hồ sơ tư liệu di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô và hàng loạt các hoạt động nghiệp vụ như việc xếp hạng, kế hoạch tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị di tích; bổ sung hồ sơ xếp hạng di tích; xây dựng hồ sơ tư liệu về di tích…

PV: Thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016”, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành tập trung ra quân và kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể của hoạt động này?

Đ/c Tô Văn Động: Tính đến ngày 8/8/2016, trên địa bàn thành phố có 190 bảng quảng cáo đứng độc lập dựng trái phép và 149 bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách vi phạm quy định cần xử lý triệt để.

Để xử lý dứt điểm tình trạng này, ngày 11/8, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố Chỉ thị  số 16/CT-UBND, ngày 3/8/2016 của UBND thành phố về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố và Kế hoạch hoạt động của Đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố. Trước đó, Sở đã làm việc với các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp có bảng quảng cáo vi phạm, yêu cầu hoàn thành tháo dỡ. Nếu đơn vị nào không tự tháo dỡ, lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế.

Sau 4 tháng thực hiện Chỉ thị 16 của UBND Thành phố, tính đến hết tháng 11 năm 2016, các quận, huyện, doanh nghiệp đã xử lý và tháo dỡ tổng số 178/190 (chiếm 93,6%) bảng quảng cáo đứng độc lập và 149/149 (100%) bảng quảng cáo hộp đèn vi phạm trên địa bàn Thành phố. Với những biển còn tồn tại, Trưởng đoàn thanh kiểm tra liên ngành Thành phố đã có văn bản gửi các quận, huyện yêu cầu xử lý dứt điểm và đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố.

PV: Công tác tuyên truyền cổ động trực quan và trang trí chiếu sáng đường phố do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện được cho là có điều đổi mới. Xin ông cho biết hiệu quả của công tác này và những nỗ lực nhằm mang lại diện mạo sáng, xanh, sạch đẹp cho Thủ đô Hà Nội?

Đ/c Tô Văn Động: Năm 2016 là năm đầu tiên Sở VHTT Hà Nội triển khai cuộc vận động thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí Thành phố. Từ cuộc vận động, Ban Tổ chức đã chọn được một số mẫu thiết kế mới, các cụm mô hình biểu tượng đưa vào trang trí tại một số khu vực và tuyến đường trung tâm của Hà Nội như: Tràng Tiền, Hàng Bài, Bà Triệu, Ngô Quyền, Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, quảng trường trước Ngân hàng Nhà nước, vòng xuyến trước Trung tâm Hội nghị Quốc gia…. Nhìn chung, hệ thống chiếu sáng đều đảm bảo tính tổng thể, có sự đa dạng trên từng tuyến phố và phù hợp với môi trường cảnh quan. Các thiết kế sử dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại, tiết kiệm điện năng, cải thiện tầm nhìn của người tham gia giao thông và thân thiện với môi trường…

Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan được đẩy mạnh thông qua việc căng treo băng rôn trên các giá treo có sẵn. Lắp dựng các cụm panô cố định tại các cửa ngõ Thủ đô; cụm panô 2 mặt tại các dải phân cách trên các tuyến phố chính. Tổ chức trang trí trụ sở các cơ quan Trung ương và Thành phố. Trang trí Quốc kỳ và Đảng kỳ trên các hệ thống cột trước tượng đài Lý Thái Tổ, UBND Thành phố, Ngân hàng Nhà nước. Lắp đặt hệ thống giá có gắn logo treo Quốc kỳ và Đảng kỳ tại các tuyến phố trung tâm Thành phố. Chuyển tới cơ sở các mẫu, maket trang trí tuyên truyền phục vụ các kỳ cuộc, các ngày kỷ niệm đảm bảo đồng bộ, thống nhất về thời gian và nội dung tuyên truyền trong toàn Thành phố. Bên cạnh đó, Sở còn vận động các tổ chức, cá nhân có trụ sở, nhà ở mặt đường khu vực phố cổ, các nhà hàng, khách sạn trong toàn Thành phố thực hiện trang trí chiếu sáng chào năm mới đảm bảo màu sắc trang nhã, hài hòa, đảm bảo mỹ quan đô thị.

PV: 08 Vận động viên thể thao Hà Nội (chiếm 34,78% tổng số VĐV Thể thao Việt Nam) xuất sắc vượt qua vòng loại tham dự Olympic Rio 2016 tại Brazil là một kết quả rất đáng tự hào. Vậy, xin ông cho biết, thể thao Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh gì để tiếp tục gặt hái những kết quả quan trọng tại các đấu trường thể thao trong nước và quốc tế?

Đ/c Tô Văn Động: Việc có 8 VĐV tham gia đoàn VĐV Việt nam tham dự Đại hội thể thao Olympic Rio 2016 là niềm tự hào của thể thao Thủ đô.  Hà Nội là đơn vị có số VĐV đông nhất cả nước trong thành phần đội tuyển Quốc gia tham dự Olympic. Đây là kết quả của quá trình định hướng chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố cùng sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của nhiều thế hệ HLV và VĐV HN trong nhiều năm qua.

 Hà Nội là nơi có thế mạnh ở lực lượng cán bộ HLV giỏi nghề và lực lượng VĐV dồi dào được đào tạo có hệ thống. Trong đó rất nhiều môn thể thao Olympic được quan tâm đầu tư có trọng điểm như: Đấu kiếm, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Tekwondo, Bắn cung, Vật tự do… Vừa qua, Sở VHTT Hà Nội đã xây dựng đề án: Đào tạo HLV và VĐV HN giai đoạn 2016-2021 nhằm tạo những bước đột phá mới cho thể thao HN tại các đấu trường trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới. Đề án xác định tập trung phát triển vào khoảng 20 môn thể thao thế mạnh của thể thao HN; Công tác đào tạo huấn luyện được triển khai có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu dành huy chương vàng ở đấu trường Asiad, Olympic trong tương lai.

Trong những năm tới, những VĐV ưu tú nhất sẽ được tăng cường tập huấn dài hạn ở nước ngoài và thi đấu cọ sát tại các giải quốc tế  để cải thiện nhanh thành tích và tích luỹ kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Bên cạnh đó, cần tiếp tục ứng dụng KHKT tiên tiến vào công tác huấn luyện, đầu tư dinh dưỡng, chăm sóc y tế; điều trị hồi phục thể lực; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác XHH ở một vài môn thể thao phù hợp nhằm phát huy thế mạnh và đưa thể thao HN lên những đỉnh cao mới.

PV:  Trước thềm năm mới, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức những hoạt động gì để chào đón năm mới 2017 và mừng Tết Nguyên đán Đinh Dậu?

Đ/c Tô Văn Động: Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn dân, nhân dịp năm mới 2017, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao mừng Tết Nguyên đán Đinh Dậu tại khắp các quận, huyện, thị xã trong toàn Thành phố.

Nối tiếp các hoạt động chào xuân 2017, nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vào đêm Giao thừa tết Đinh Dậu (ngày 27/1), các đoàn nghệ thuật Hà Nội sẽ phối hợp với các đoàn nghệ thuật của Trung ương và địa phương tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật “Mừng Đảng, Mừng xuân” tại khắp các quận, huyện, thị xã trong toàn Thành phố. Tại Bảo tàng Hà Nội sẽ diễn ra chương trình Tết Việt. Ngày mồng 5 Tết (tức ngày 1/2/2017), tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ sẽ diễn ra chương trình biểu diễn văn hóa thể thao mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu. Tại các rạp và điểm chiếu phim trên địa bàn Thành phố và trên sóng Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội sẽ diễn ra tuần phim với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, Thủ đô đổi mới”.

Nhân dịp này, Thành phố cũng tổ chức các buổi biểu diễn tuyên truyền lưu động phục vụ nhân dân trên địa bàn Thành phố; tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại khu vực trung tâm các quận, huyện, thị xã; tổ chức các triển lãm, trưng bày chào mừng…

Hy vọng với nhiều hoạt động diễn ra khắp các quận, huyện, thị xã trong toàn Thành phố sẽ mang tới một không khí đón xuân mới đầm ấm, vui tươi, mở đầu cho một năm mới với nhiều thành công  mới.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

                                                                             Thanh Mai (Th/hiện)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *