Di sản – Bảo tồn

Nỗ lực gìn giữ và phát huy di sản

Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám có nên chỉ dừng lại ở một địa điểm tham quan du lịch? Trong bối cảnh hiện đại, Văn Miếu – Quốc Tử Giám cần phát huy giá trị di tích theo hướng nào để nơi đây trở thành một trung tâm văn hoá thực thụ? Những trăn trở trên đã được những người làm quản lý, những chuyên gia tâm huyết với di sản trả lời tại toạ đàm trực tuyến “Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt” vừa qua.

Tại toạ đàm trực tuyến “Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt” do Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat tổ chức ngày 26/9, ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử khẳng định, đã hơn 10 thế kỷ trôi qua, đến nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn luôn là “địa chỉ đỏ” trên bản đồ du lịch của Hà Nội và đất nước. Tuy nhiên, có những thời điểm di tích này bị xuống cấp nặng nề. Để có một Văn Miếu – Quốc Tử Giám được tu bổ đẹp, khang trang như hôm nay là một hành trình dài gìn giữ và rất mẫu mực trong bảo tồn phát huy giá trị di sản.

Nỗ lực gìn giữ  và phát huy di sản
Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám vắng vẻ trong những ngày giãn cách.

Ví như, năm 1903 khi đại dịch hạch xảy ra ở Hà Nội thì Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành nơi cách ly cho bệnh nhân. Người Pháp đã từng có ý định xây dựng một bệnh viện trên Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di dời Văn Miếu đi chỗ khác. Nhưng cuối cùng, giá trị của Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã chiến thắng.

Đến năm 1988, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thành lập. Cái tên đã biểu thị định hướng cho di tích. Đây không phải Ban quản lý di tích mà là một đơn vị có trách nhiệm tổ chức các hoạt động để phát huy giá trị của di tích. Trong thời gian hơn 30 năm, với sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ người làm việc tại đây và sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, di tích từ chỗ xuống cấp nặng nề như nhà dột, khu Thái Học là bãi hoang… đã được tu bổ, xây dựng và có diện mạo, cảnh quan đẹp. Đó là thành quả có ý nghĩa trong quá trình tu bổ, tôn tạo, bảo tồn phát huy di sản của Hà Nội và Việt Nam.

Nhiều năm gần đây, để thu hút du khách, Trung tâm Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đã có nhiều đổi mới để tiếp cận công chúng, đặc biệt là người trẻ, từ làm mới logo cho đến không gian trong di tích…

Đặc biệt, những người làm di sản tiếp tục nỗ lực gìn giữ và phát huy di tích ngay cả trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội khi Văn Miếu không thể đón khách, đường đi mọc rêu, nguồn thu không có. Họ vẫn luôn băn khoăn, trăn trở để đánh thức giá trị không gian văn hoá đặc biệt này nói riêng, di sản văn hoá nói chung. Mặc dù, hiện việc đón khách tham quan, nghiên cứu học tập phải tạm dừng nhưng Văn Miếu vẫn không ngừng các hoạt động. Văn Miếu vẫn “mở cửa” phục vụ online, tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị các hoạt động, sản phẩm để sau khi hoạt động trở lại sẽ phục vụ tốt hơn các nhu cầu của công chúng.

Đánh thức giá trị truyền thống bằng những hình thức mới

Tại toạ đàm, ông Trương Quốc Toàn – Cố vấn các hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đưa ra giải pháp để phát huy di tích. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách du lịch theo xu hướng cá nhân, tự tổ chức các chuyến đi, tham quan với sự hỗ trợ của các dịch vụ trực tuyến. Nhu cầu tham quan sẽ theo hướng chuyên biệt. Vì vậy, sản phẩm, cách phục vụ cũng phải thay đổi. Thay vì phục vụ mang tính đại chúng cho đoàn 40-50 người thì cần đưa ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhiều nhu cầu, trình độ khác nhau, hướng tới tăng tính trải nghiệm. Làm di tích phải có tư duy mới nhằm “phá bỏ tường rào” trong không gian số, chủ động đưa giá trị di sản đến với người xem chứ không chờ người xem tìm đến. Chúng ta phải làm sao để khách đến một lần rồi mong muốn được quay trở lại nhiều lần nữa. Hiện nay, xu hướng số hoá là tất yếu trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, yếu tố công nghệ chỉ chiếm 30%, còn 70% phải là nội dung thông tin, cách thức trình bày.

“Làm sao để đưa di tích trở thành nơi sinh hoạt chung của những người yêu văn hoá Việt. Làm sao để những chữ, những con số, những tấm bia đá có thể kể câu chuyện lịch sử của mình” – ông Trương Quốc Toàn trăn trở. Cố vấn các hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng hy vọng tạo ra một cộng đồng “Văn Miếu và những người bạn”, có thể làm thẻ thành viên với rất nhiều ưu đãi cho những bạn trẻ thường xuyên đến với Văn Miếu. Qua đó, khuyến khích họ đến Văn Miếu hàng tuần, hàng tháng chứ không chỉ 1, 2 lần trong năm. Bởi thực tế, nhiều bạn trẻ tìm đến Văn Miếu chỉ để chụp kỷ yếu, cầu may trước kỳ thi, xin chữ đầu năm.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng khẳng định, Văn Miếu không đổi mới theo hướng làm mới giá trị truyền thống. Chỉ những vấn đề mà du khách nhận diện chưa đúng thì phải làm cho khách hiểu đúng (ví dụ như việc sờ đầu rùa cầu học tốt, lễ bia hạ mã…). Văn Miếu luôn cố gắng giữ gìn những gì thuộc về truyền thống và chỉ cố gắng đánh thức các giá trị truyền thống của di tích bằng những hình thức mới mẻ hơn. Tuy nhiên, việc chuyển tải những giá trị rất trừu tượng như tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo… đến công chúng vẫn còn nhiều thách thức. Để đưa những giá trị cốt lõi của di tích đến công chúng, để khách tham quan tiếp cận giá trị của không gian văn hoá Văn Miếu nói riêng, các không gian văn hoá của cả nước nói chung và nuôi dưỡng tình yêu với di sản thì còn rất nhiều việc phải làm, cần có thời gian, sự hỗ trợ, đồng hành của rất nhiều người.

Toạ đàm cũng đã giới thiệu Dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” do Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện, như một câu trả lời cho việc đánh thức tiềm năng văn hoá Việt ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chỉ trong chưa đầy một tháng, Dự án đã nhận được sự tương tác của 1.500 người. Các thông tin đăng tải về lịch sử, văn hoá, đạo học, truyền thống khoa bảng… nhận được rất nhiều sự yêu thích. Đây chính là một trong những tìm tòi mới của những người làm quản lý để di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến gần hơn với công chúng.

Bà Hoàng Đoan Trang – Đồng chủ nhiệm Dự án “Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám” chia sẻ, Dự án là một lời khẳng định về sức trường tồn của “nhân, nghĩa, lễ, nhạc” trong đời sống dân tộc Việt Nam. Dự án mong muốn duy trì và tái hiện văn hóa lịch sử giàu truyền thống của dân tộc Việt luôn đau đáu trong lòng những người có tình yêu với văn hoá Việt. Cụ thể, Dự án sẽ quảng bá các hoạt động văn hóa giao lưu tại không gian văn hóa Quốc Tử Giám, cũng như cung cấp các thông tin về lịch sử Việt Nam trung đại tới công chúng. Bên cạnh các hoạt động văn hóa chung, Dự án cũng tập trung thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần gũi với người trẻ trong và ngoài nước; các chương trình trò chuyện chia sẻ về giá trị và sức sống của giáo dục xưa trong bối cảnh xã hội hiện đại…

“Trong những ngày Văn Miếu chưa được mở cửa đón khách, đây sẽ là nơi tập trung cho những hoạt động truyền thông của Văn Miếu. Đặc biệt, nơi để các bạn tích luỹ kiến thức, chia sẻ văn hoá Việt Nam như truyền thống học tập của Việt Nam, tầng lớp trí thức, khoa bảng đã trưởng thành từ ngôi trường Văn Miếu… Những nét đẹp của văn hoá truyền thống sẽ được truyền tải đến các bạn trẻ một cách trực quan, lý thú và sinh động” – bà Hoàng Đoan Trang cho biết. Hy vọng, đây sẽ là thành không gian mở, nơi sinh hoạt chung của nhiều ý tưởng yêu di sản để Văn Miếu – Quốc Tử Giám mãi luôn được bảo vệ, gìn giữ, xứng đáng là Trung tâm giáo dục, văn hoá tiêu biểu của cả nước./.

Phương Bùi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *