Tin trong nước

“Nơi ấy là Chiến trường” – Cuốn hồi ký xúc động về một thời hoa lửa

Sáng 21/4, tại Hà Nội, tác giả Phạm Quang Nghị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã có buổi giới thiệu cuốn nhật ký và ghi chép của ông trong những ngày tháng đi B, cuốn sách “Nơi ấy là Chiến trường”.

Tác giả Phạm Quang Nghị – nguyên là một người lính viết văn thời kháng chiến chống Mỹ, vừa ra mắt bộ sách 2 cuốn: hồi ký ghi chép “Nơi ấy là Chiến trường” và tập thơ “Nỗi nhớ vùng ven”. Đây là dấu ấn hơn 4 năm thực hiện trách nhiệm người lính viết văn, viết báo ở chiến trường Nam bộ trong những năm đầu tuổi 20. Đó là những cảm nhận của một thanh niên vừa rời ghế nhà trường, vượt Trường Sơn cùng thanh niên cả nước ra trận.

Tác giả Phạm Quang Nghị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội phát biểu tại lễ giới thiệu sách.

Tác giả Phạm Quang Nghị chia sẻ, suốt trong những năm tháng chiến tranh lên đường đi B, cho tới ngày rời thành phố Sài Gòn ra Bắc, chỉ trừ những lúc hoàn cảnh thật sự không thể cho phép, như hành quân liên miên thâu đêm, giặc càn và bom pháo quá dữ dội; những lúc không có ánh sáng, kể cả ánh trăng sao, hoặc không có nơi ngồi để viết… còn hầu như mỗi ngày tôi đều ghi nhật ký. Ngày ấy tôi viết không hẳn vì thói quen, cũng không hẳn vì đức tính cần cù, chăm chỉ. Nhật ký với tôi, như người bạn tâm giao, chuyện không nói được với ai thì…nói được trong nhật ký. Nhưng với nhật ký ngày ấy cũng còn những điều không nói được. Có những câu chuyện riêng tư đôi khi không muốn kể cho ai nghe. Nhất là những câu chuyện buồn. Trong cuốn nhật ký này vẫn thiếu những câu chuyện mà tới lúc này tôi còn nhớ như in, hoàn toàn có thể viết lại một cách tường tận, trung thực và vô vùng xúc động như nó đã từng xảy ra. Tất cả những điều ấy đã ăn sâu vào trí nhớ, vào máu thịt của mình. Đó thường là những câu chuyện rất cảm động, là những điều cần giữ bí mật trong chiến tranh, hoặc những câu chuyện mà sự gian khổ, ác liệt, ghê rợn quá sức tưởng tượng mà ngày ấy tôi đã không muốn ghi lại trong nhật ký của mình. Nhưng để tôn trọng tất cả những gì tôi đã ghi từ ngày ấy, tôi đã không bổ sung những gì muốn viết hôm nay.

Như biết bao thanh niên Việt Nam khác, tác giả Phạm Quang Nghị đã tình nguyện đi vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khi còn rất trẻ. Ông vừa cầm súng, vừa cầm bút ghi lại những câu chuyện, những suy nghĩ và cảm xúc của mình về gia đình, về đồng đội và về cuộc chiến tranh. Những trang viết giản dị và súc tích nhưng lại cho người đọc thấy được toàn bộ sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần dâng hiến cho Tổ quốc của những người lính.

Bộ 2 cuốn sách của tác giả Phạm Quang Nghị.

Vốn là sinh viên khoa Lịch sử của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội rồi tham dự lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn trước khi trở thành một phóng viên chiến trường, một người lính đi vào mặt trận, bởi lẽ đó những trang viết của ông dù thuộc thể loại nhật ký hay ghi chép những lại thực sự là những áng văn được viết từ trong lửa đạn và sự hy sinh với cách hành văn giản dị, cách chọn lọc chi tiết sống động, hình ảnh mang tính biểu tượng và chứa đựng nhiều thông điệp. Cuốn sách vừa mang tính xác thực như những tư liệu về một giai đoạn lịch sử oanh liệt của đất nước, vừa tạo nên cảm xúc và ấn tượng của một tác phẩm văn học cho người đọc.

Chia sẻ về cảm xúc sau khi đọc cuốn nhật ký – ghi chép “Nơi ấy là Chiến trường”, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Công Soái xúc động, cuốn sách như một bộ phim tái hiện chân thực về chiến tranh, về quê hương đất nước, về cuộc sống, về tâm trạng người chiến sĩ, người dân và các đối tượng bên kia chiến tuyến… Đặc biệt, trong những năm ở chiến trường, ngoài việc phản ánh chân thực những nơi anh Nghị trải qua, anh luôn dành tình cảm đối với người mẹ kính yêu của mình.

Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của chúng ta đã kết thúc gần nửa thế kỷ, nhưng những trang viết này vẫn còn nguyên giá trị, vẫn dựng lên được hình ảnh nhân tính và kiêu hãnh của con người Việt Nam và chứa đựng những bài học sâu sắc cho lẽ sống của con người đối với Tổ quốc mình, không chỉ trong chiến tranh mà cả trong công cuộc xây dựng đất nước. Bởi thế, những câu chuyện rất thực, rất riêng tư của một người lính ngày ấy lại chính là câu chuyện của một dân tộc.

Bảo Hân

 

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *