Thể Thao

Nơi người trẻ tìm về với văn hóa truyền thống

Chiếu chèo sân đình, thanh âm nhịp phách của khúc hát ca trù, vẻ đẹp nghệ thuật và tâm linh trong hầu đồng, nét kiến trúc nơi đình xưa, chùa cổ…, tất cả những giá trị văn hóa truyền thống ấy của dân tộc như ngược dòng thời gian, đến với công chúng, đặc biệt […]

Chiếu chèo sân đình, thanh âm nhịp phách của khúc hát ca trù, vẻ đẹp nghệ thuật và tâm linh trong hầu đồng, nét kiến trúc nơi đình xưa, chùa cổ…, tất cả những giá trị văn hóa truyền thống ấy của dân tộc như ngược dòng thời gian, đến với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ ngày nay qua những hoạt động sáng tạo, đầy trải nghiệm của “Tôi xê dịch” –một tổ chức truyền thông xã hội về văn hóa, du lịch giành cho giới trẻ.

“Tôi xê dịch” thành lập tháng 6/2012 bởi một nhóm các bạn sinh viên yêu và say mê tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống đến từ nhiều trường đại học khác nhau ở Hà Nội.“Tôi xê dịch” ra đời nhằm mục đích đưa vốn văn hóa dân tộc đến gần hơn với thế hệ trẻ cũng như giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc tới những vị khách quốc tế. Sau gần bốn năm hoạt động, bằng chuỗi các chương trình, sản phẩm truyền thông cung cấp kiến thức và trải nghiệm văn hóa dân gian, “Tôi xê dịch” đã truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ trong câu chuyện về gìn giữ và bảo tồn di sản dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước. Tên gọi “Tôi xê dịch” được lấy cảm hứng từ chủ nghĩa xê dịch trong văn chương của cây bút tài hoa Nguyễn Tuân, người đã đi suốt chiều dài đất nước để tìm và viết. Các hoạt động trải nghiệm không chỉ là lướt qua vài danh thắng hay địa chỉ văn hóa nổi tiếng, tổ chức “Tôi xê dịch” đem đến cho công chúng kiến thức chiều sâu về các giá trị văn hóa đó, như nhà văn Nguyễn Tuân từng nói: “Xê dịch gắn liền với am hiểu sâu sắc”.

1

NSƯT Thanh Ngoan (phải) trong vở chèo “Kim Nham” diễn tại sân đình Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm

 Hoạt động chủ đạo của “Tôi xê dịch” mang tên “Những ngày đầy gió -Windy Days”, một chuỗi chương trình du lịch văn hóa đặc sắc, được thiết kế theo mô hình tương tác giữa người tham dự và các chuyên gia, khám phá văn hóa Việt theo từng chủ đề như: “Nguồn gốc Phật giáo”, “Tranh Đông Hồ”, “Điêu khắc dân gian – Những nét rồng tiên”, “Hầu đồng – Cõi thần, cõi người”… Đối với mỗi loại hình nghệ thuật dân gian, các thành viên của “Tôi xê dịch” cố gắng nghiên cứu, tạo dựng đúng không gian văn hóa tại thời điểm cực thịnh của loại hình đó sáng tạo các phần trải nghiệm phù hợp. Người tham dự có thể thử hát, thử diễn một đoạn hát chèo, xẩm, ca trù hay thử tận tay làm một bức tranh Đông Hồ… Tiêu biểu nhất phải kể đến chương trình “Tiếng trống chèo 2015” với sự hỗ trợ biểu diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam, đứng đầu là Giám đốc, NSƯT Thanh Ngoan cùng đạo diễn Đoàn Đình Vinh, nhà sản xuất Khắc Bình. “Tôi xê dịch” đã đưa chèo về với các sân đình ở Hà Nội. Ba đêm diễn tại các đình Tháp, (Dịch Vọng, Cầu Giấy), đình Tứ Liên (Âu Cơ, Tây Hồ) và đình Xuân Tảo (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) đã giới thiệu tới khán giả Thủ đô các trích đoạn “Thị Mầu lên chùa”, “Việc làng”, “Lưu Bình hợp ẩm cùng Châu Long”, “Xúy Vân giả dại”, “Mụ Kim – Kim Nham”… Khán giả không chỉ thưởng thức mà còn được tham gia thử các vai diễn điển hình như đào lẳng (Thị Mầu), đào pha (Xúy Vân)…Khung cảnh đêm, mái đình cổ, tiếng trống, sáo, mõ, thanh la và những làn điệu mượt mà giúp khán giả phần nào hình dung được không gian chiếu chèo sân đình xưa. Trong năm 2016, tổ chức “Tôi xê dịch” sẽ tiếp tục hợp tác cùng Nhà hát Chèo Việt Nam thực hiện chương trình đưa chèo dân gian kết hợp với giáo dục giới tính học đường tới các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội.

2

Các bạn trẻ tìm hiểu về chạm khắc dân gian và kiến trúc cổ tại đình làng Thổ Hà, tỉnh Bắc Giang

 Bên cạnh những chuyến đi trải nghiệm mà những người trẻ được đắm chìm vào không gian truyền thống xưa, “Đối thoại Việc làng” là những buổi gặp gỡ, giao lưu giữa các thành viên của “Tôi xê dịch” với những người yêu văn hóa, đưa giới trẻ tới gần hơn với các vấn đề xã hội đang được xã hội quan tâm. Những buổi “việc làng” với các đề tài như “Bàn chuyện Phong tục – Hủ tục” hay “Sơn Đoòng và chuyện bảo tồn di sản” đã thu hút sự quan tâm và khơi gợi ở những người trẻ ý thức trong gìn giữ di sản văn hóa. “Tôi xê dịch” như một sứ giả văn hóa, đưa người trẻ ngược dòng tìm về quá khứ để thấy,để hiểu và biết tự hào, trân trọng, gìn giữ các giá trị truyền thống.

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *