Khác với 2 lần trước, Liên hoan Ca trù năm nay là sân chơi dành riêng cho các tài năng trẻ tỏa sáng.
Đây là điểm mới không chỉ làm tăng sức hấp dẫn của Liên hoan mà cao hơn nữa, điều đó góp phần gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật đã trở thành di sản văn hóa, sớm đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.
Qua 3 ngày thi đầy cảm xúc, Liên hoan tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 đã khép lại, một khoảng thời gian dù ngắn những hết sức giá trị để biết tới các hoạt động thực hành, truyền dạy ở cơ sở, đặc biệt là chúng ta đã biết nhiều hơn những tài năng ca trù trẻ của thành phố Hà Nội. Điều này thật sự đáng quý trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực rất lớn để đưa Ca trù ra khỏi tình trang bảo vệ khẩn cấp.
Tại Liên hoan năm nay, Ban tổ chức đã nhận được đăng ký của 10 CLB và nhóm hoạt động Ca trù trên địa bàn Hà Nội với 71 tiết mục, trong đó có 62 thí sinh dự thi múa hát tập thể, 35 thí sinh dự thi Đào nương và kép đàn tài năng, 10 thí sinh đăng ký thi Đào nương và Kép đàn xuất sắc. Thí sinh tham dự Liên hoan trong độ tuổi từ 6-30, đều là những tài năng trẻ đến từ các CLB Ca trù trên địa bàn Thành phố hoặc thí sinh tự do, biết đàn giỏi, hát hay, múa khéo các thể cách cơ bản của Ca trù. Trong đó thí sinh nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi. CLB có nhiều thí sinh tham gia nhất là CLB Ca trù Ngãi Cầu, huyện Hoài Đức với 16 thí sinh, CLB có nhiều tiết mục tham gia nhất là CLB Ca trù Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng với 12 tiết mục.
GS Tô Ngọc Thanh – Trưởng ban Giám khảo cho biết: “Liên hoan lần thứ 3 này là một nỗi vui mừng lớn, có 97 thí sinh tham gia đều là các gương mặt trẻ, là tương lai của Ca trù. Liên hoan như một bằng chứng để nói rằng Ca trù đã sống dậy và đang được giới trẻ đón chờ và đón chờ một cách có trách nhiệm, có đam mê.
Mỗi thí sinh tham gia Liên hoan, thí sinh ít nhất biết 11 thể cách, nhiều nhất là 15 thể cách, đây là một bước tiến có chất lượng. Đồng thời cách trình bày của các thí sinh đều đi vào quỹ đạo, đúng chuẩn thể cách. Đặc biệt, qua đây chúng ta có thể thấy, các CLB đều chú ý đến lớp nhỏ tuổi để truyền dạy. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã dần khôi phục được một bộ phận hữu cơ của Ca trù đó là múa. Có 2 em đăng ký kép đàn đều đạt tiêu chuẩn, các em đã biết đàn cho bài Tỳ bà Hành, một thể cách khó của Ca trù. Đây là một bước nhảy vọt so với tình hình trước kia của Ca trù.
Tuy vậy, không phải là không còn những nỗi lo, hiện nay một số nghệ nhân đã không còn sức để truyền dạy, nhiều nơi không còn ai. Ca trù đang có một cuộc khủng hoảng về thầy dạy, vì vậy chúng ta cần phải có kế hoạch cụ thể để làm thế nào Ca trù có được những thầy giỏi mà trước kia ta đã có.
GS Tô Ngọc Thanh cũng đề nghị: “Chúng ta phải tìm ra cái chuẩn của từng thể cách, đây là một bước chính quy hóa để Ca trù tiếp tục được tồn tại và phát triển. Mở lớp tập huấn để các CLB gửi người đến học thì chúng ta mới có được những nghệ sĩ vừa có tài năng, vừa có cảm xúc sâu nhưng vẫn hát đúng hát chuẩn thể cách…”.
Tuy vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Ca trù không chỉ là trách nhiệm của các cấp quản lý, mà còn phụ thuộc rất nhiều thế hệ trẻ. Chúng ta cũng thấy vui mừng với những ca nương dự thi năm nay tuổi đời còn rất nhỏ như em Nguyễn Thục Trinh (7 tuổi, ca nương của CLB Lỗ Khê) – ca nương nhỏ tuổi nhất tham gia Liên hoan, em cho biết: “em học hát ca trù được gần 2 năm, người đầu tiên dạy em hát là bà, bà vừa hát ru em em ngủ, vừa dạy em hát, em được cả gia đình rất ủng hộ trong việc học hát Ca trù. Ở nhà, sau khi học văn hóa xong thì em tập hát, còn ở lớp, mỗi giờ ra chơi thì em cùng các bạn tập hát và gõ phách vì ở lớp cũng có rất nhiều bạn thích hát Ca trù”.
Hay như Ca nương Nguyễn Phương Trà My (14 tuổi) là thí sinh tự do duy nhất tham gia Liên hoan năm nay cho biết: “Em đam mê và yêu ca trù nên tìm hiểu rất nhiều về Ca trù, rất may mắn, em đã được Ca nương Bạch Vân chỉ dạy rất nhiều. Em đến với Ca trù một cách rất tự nhiên do nhà trường phân công, lúc đó phải học rất gấp nhưng em lại cảm thấy Ca trù rất hợp với em và em bắt đầu yêu Ca trù. Với em mỗi bài hát như một kỷ niệm và em mong muốn được nối nghiệp bà Bạch Vân, đưa Ca trù phát triển mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ ở trong nước mà trên cả thế giới”.
Liên hoan năm nay đã tìm ra Đào nương, Kép đàn tài năng xuất sắc, ngoài việc hát hay, đàn giỏi các thể cách cơ bản còn nắm giữ được nhiều thể cách Ca trù kinh điển và khó, được Ban giám khảo lựa chọn qua việc yêu cầu bốc thăm hát thêm một số thể cách bất kỳ. Đây cũng chính là đợt kiểm kê kết quả hoạt động của Ca trù trên địa bàn Thủ đô Hà Nội rất hoàn thiện, thiết thực.
Qua Liên hoan lần này, chúng ta có quyền hi vọng về một tương lai sáng lạn của Ca trù. Di sản văn hóa quý giá này sẽ được các nghệ nhân và thế hệ trẻ cùng đông đảo quần chúng ngày một quan tâm, yêu mến, giữ gìn và phát huy giá trị.
Sau Liên hoan này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu triển khai những công việc cụ thể để tiếp tục động viên, quản lý các hoạt động thực hành Ca trù ở các cơ sở.
Kết quả chung cuộc Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2016
Giải Tài năng xuất sắc
Nguyễn Thu Thảo (Giáo phường Ca trù Thái Hà)
Đinh Thị Vân (CLB Ca trù Lỗ Khê)
Giải A
Đoàn Thị Linh Hương (CLB Ca trù Thăng Long)
Nguyễn An Khánh (Giáo phường Ca trù Thái Hà)
Vũ Thị Thùy Linh (Nhóm Ca trù Phú Thị)
Hoàng Anh Thái Phương (Giáo phường Ca trù Thái Hà)
Giải B
Nguyễn Phương Trà My (Thí sinh tự do)
Đặng Thị Hường (CLB Ca trù Thăng Long)
Nguyễn Huệ Phương (CLB Ca trù Thăng Long)
Nguyễn Thục Trinh (CLB Ca trù Lỗ Khê)
Giải khuyến khích
Bùi Anh Vũ (Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt nam)
Nguyễn Thị Hà My (CLB Ca trù Thượng Mỗ)
Chu Thị Hải Lý (CLB Ca trù Ngãi Cầu)
Múa hát Bỏ bộ (CLB Ca trù Lỗ Khê)
Nguyễn Thị Trang (CLB ca trù Đồng Trữ)
Phạm Vũ Hà Phương (CLB UNESCO Hà Nội)
Nguyễn Thị Anh (CLB Ca trù Thăng Long)
Nguyễn Thị Huế (Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt nam)
Giải thí sinh trẻ tuổi nhất: Nguyễn Thục Trinh (7 tuổi) (CLB Ca trù Lỗ Khê)
Giải A tập thể: Múa hát Bỏ bộ (CLB Ca trù Thăng Long)
Giải B tập thể: Múa hát Bỏ bộ (CLB Ca trù Chanh Thôn)
Thúy Nga
Theo MaskOnline