Di sản

Nữ thương binh nặng lòng với ca trù

Gặp Nghệ nhân ưu tú Phùng Thị Hồng vào một buổi chiều đầu đông tại Trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, nằm sâu trong khuôn viên di tích đình-đền Hào Nam, giữa không gian tĩnh mịch nơi sân đình, tôi được nghe bà kể về chặng đường ngót nghét 30 năm gắn bó với ca trù…

Theo lời hẹn, tôi đến gặp nữ nghệ nhân đúng lúc bà vừa kết thúc giờ dạy lớp ca trù tại Trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Bước ra từ phòng học, bà vẫn say sưa trao đổi công việc với một người đồng nghiệp mà ngay sau đó tôi có may mắn được bà giới thiệu cùng, đó là cụ Ngô Văn Đảm – nghệ nhân dân gian đã 90 tuổi, cũng là người thầy đồng hành cùng bà trong nghiên cứu và trình diễn ca trù. Nghệ nhân Ngô Văn Đảm tươi cười chia sẻ: “Bà Hồng hát được rất nhiều thể cách trong ca trù, lại dung hòa được các cách hát ở nhiều địa phương. Là một người từng làm phong trào nên bà ấy năng nổ, có cách làm hiệu quả trong quảng bá và truyền dạy ca trù”. Tôi thực sự cảm thấy ấn tượng và rất mong muốn được nghe nữ nghệ nhân kể về hành trình gắn bó với ca trù của bà…

          Nữ cán bộ văn hóa “say” điệu ca trù

NNƯT Phùng Thị Hồng sinh năm 1952 tại làng Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Ngay từ thuở nhỏ, bà Hồng đã thích hát chèo và ngâm thơ. Cho tới khi trở thành một cán bộ ngành văn hóa, bà tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật. Bà Hồng đến với ca trù như một cái duyên trời định. Vào đầu những năm 90, khi đang là Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng – Trung tâm Văn hóa Thông tin Hà Tây (cũ), bà tình cờ gặp và được nghe nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc hát ca trù, bà đã “say” những lời ca da diết, sâu lắng kể từ ấy. Trong suốt bốn năm sau đó, bà theo học cụ Nguyễn Thị Chúc. Để thẩm thấu hết giá trị cũng như nghệ thuật trình diễn ca trù cần có một trình độ hiểu biết âm nhạc nhất định và để hát được ca trù thì cần cả quá trình khổ luyện. Ý thức được điều đó, bà đã tìm đến các nghệ nhân ở CLB Ca trù Thái Hà nổi tiếng để học cách chơi trống chầu, gõ phách… Bà sưu tầm băng, đĩa của NSND Quách Thị Hồ cũng như của các nghệ nhân gạo cội trong làng ca trù để nghe và tự học. Gần 30 năm theo đuổi nghệ thuật ca trù, NNƯT Phùng Thị Hồng đã thể hiện nhuần nhuyễn nhiều thể cách, từ hát nói, bắc phản cho đến thể cách phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao như thét nhạc…

          Truyền lửa đam mê

          Nhìn dáng vóc nhanh nhẹn, luôn tươi cười niềm nở của NNƯT Phùng Thị Hồng, ít ai nghĩ bà là một thương binh từng chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Viên đạn sót lại găm sâu trong cánh tay phải trong một lần bà đi biểu diễn phục vụ các chiến sĩ trên đường Trường Sơn ác liệt. Vết thương cũ vẫn cứ đau mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng vượt qua những khó khăn, ảnh hưởng về sức khỏe, bà vẫn theo đuổi niềm đam mê với nghệ thuật ca trù. Khi đã về hưu, bà dành trọn thời gian, tâm sức cho việc quảng bá, phổ biến và truyền dạy ca trù. NNƯT Phùng Thị Hồng luôn đau đáu, trăn trở làm sao để đưa ca trù đến gần hơn với công chúng, để bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Bà quan niệm, phát triển ca trù phải ở lớp người trẻ thì mới dài lâu và bền vững. Bà đã nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy ca trù và linh hoạt trong phương pháp truyền dạy, từ thể cách dễ đến khó, sao cho chắc, kỹ từng nhịp, phách, lời ca, câu chữ. Bà hiện là Chủ nhiệm CLB Ca trù thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Hàng tuần, NNƯT Phùng Thị Hồng đều đặn lên lớp, giảng dạy ca trù tại Trung tâm. Bên cạnh đó, không ngại đường sá xa xôi, nữ nghệ nhân đi lại, giảng dạy và tư vấn thành lập các nhóm, CLB ca trù tại một số nơi: Trung tâm Văn hóa Thông tin Hà Nam; Nhà hát chèo tỉnh Hà Nam; Lớp đại học Khoa Âm nhạc Di sản, chuyên ngành Đàn, hát dân ca Việt Nam – Viện Dân tộc nhạc học Huế; CLB Ca trù Hà Cầu… Ðến nay, bà đã truyền lửa nghề cho hàng trăm học trò, trong đó có những người xuất sắc như NSND Nguyễn Thị Duyên (Giám đốc Nhà hát Chèo tỉnh Hà Nam), Trần Thị Quế Hương (diễn viên Nhà hát Chèo Quân đội)… Bên cạnh đó là rất nhiều học viên trẻ ưu tú như Tạ Thị Mai, Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Thị Vân…

NNƯT Phùng Thị Hồng tuyên truyền, quảng bá sự độc đáo của nghệ thuật ca trù trên các diễn đàn khác nhau. Trong những buổi trình diễn, bà thường dành từ 20-30% thời lượng để giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa mà ca trù ẩn chứa và muốn truyền tải tới người nghe để khán giả thêm hiểu về bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc. NNƯT Phùng Thị Hồng có một biệt tài, bà có thể ngay lập tức biên tập và chuyển lời các bài thơ thành những làn điệu ca trù mỗi khi được chính các nhà thơ hay khán giả yêu cầu ở buổi diễn. Trong mỗi dịp đón xuân, lễ hội, bà thường biểu diễn ca trù ở những không gian văn hóa của Hà Nội. Để góp phần tôn vinh di sản ca trù quý báu của dân tộc, bà đã cùng với các đồng nghiệp đi biểu diễn giao lưu tại nhiều tỉnh, thành trong nước cũng như phục vụ kiều bào, bạn bè quốc tế tại các nước: Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a…

Nói về NNƯT Phùng Thị Hồng, nhạc sỹ Thao Giang – Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam chia sẻ, với bản tính khiêm tốn, bà Hồng  luôn tích cực học hỏi, trau dồi và coi trọng việc rèn luyện kĩ năng, phương pháp thanh nhạc trong hát ca trù. Bà đã bỏ công sức tìm kiếm và quy tụ được nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ cũng như nhiều người yêu thích ca trù trên địa bàn thành phố.

Với những đóng góp trong phong trào văn hóa văn nghệ nói chung và trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển di sản nghệ thuật ca trù nói riêng, nghệ nhân Phùng Thị Hồng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam năm 2013, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam cùng nhiều Giấy khen các ngành, các cấp. Năm 2015, bà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể. NNƯT Phùng Thị Hồng vẫn từng ngày nhiệt huyết, truyền lửa đam mê nghệ thuật ca trù tới thế hệ trẻ… 

Minh Hà

 

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *