Công nghiệp văn hóa được xem là nguồn lực nội sinh quan trọng trong quá trình phát triển bền vững đất nước, những giá trị kinh tế của văn hóa đang được khơi dậy, phát huy hơn bao giờ hết.
Đó là những nỗ lực kích thích sức sáng tạo, tái sản xuất, đổi mới khâu tổ chức, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của đông đảo công chúng. Việt Nam là quốc gia có nhiều thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, tuy nhiên, những tác động phức tạp của tình hình trong nước và thế giới đang đặt ra những khó khăn, thách thức cho ngành kinh tế đặc biệt này.
Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (tháng 5/2014), lần đầu tiên trong các văn kiện của Đảng, khái niệm “công nghiệp văn hóa” chính thức được đề cập. Một trong 6 nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được Đảng ta xác định tại Hội nghị có nhiệm vụ “phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa” với mục đích “khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hoá, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”.
Hội nghị Trung ương 9 khóa XI nhấn mạnh trong Nghị quyết về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó đề xuất nhiệm vụ cần phải “đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa”. Ngày 8/9/2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những quyết sách, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Chiến lược khẳng định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân… Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa”, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, đến năm 2030 doanh thu đóng góp của công nghiệp văn hóa khoảng 7% GDP.
Cho đến nay, ở Việt Nam, do những điều kiện đặc thù về lịch sử xã hội, hạn chế trong tư duy phát triển kinh tế, văn hóa, nên gần đây ngành công nghiệp văn hóa mới manh nha xuất hiện, hình thành và dần đi đến hoàn thiện, trở thành ngành kinh tế mới, tạo sức hấp dẫn, sự quan tâm, chú ý của dư luận.Tuy vậy, vấn đề phát triển công nghiệp văn hoá cũng mới chỉ được hình thành tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
Đối với Hà Nội, vấn đề phát triển công nghiệp văn hoá cũng đã được Đảng bộ và Thành phố đặc biệt quan tâm. Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội có nhấn mạnh: “Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc” là một trong những định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội. Điều này được cụ thể hoá bằng Chương trình số 06-Ctr/TU “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”. Một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành uỷ về phát triển văn hoá đó là: “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc, toàn diện về công nghiệp văn hóa. Tăng cường và đa dạng các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp văn hóa. Xây dựng, ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa; rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phục vụ xây dựng và phát triển thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa”.
Từ đây, Thành uỷ Hà Nội tiến hành triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030,tầm nhìn đến năm 2045”nhằm đánh giá, làm rõ thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội, từ đó nhận diện đầy đủ tiềm năng, thế mạnh của từng ngành công nghiệp văn hóa và những hạn chế, khó khăn, thách thức cần phải đối mặt để định vị tầm nhìn chiến lược với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự có tiềm lực, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội và hiệu quả kinh tế góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.
Thông qua Nghị quyết chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, định hướng các hoạt động phát triển ngành công nghiệp văn hóa nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, đồng thời bảo tồn khai thác tối đa tài nguyên văn hóa và phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa đặc trưng của Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa; coi công nghiệp văn hóa là một động lực quan trọng, là nguồn lực nội sinh, “sức mạnh mềm” để xây dựng và phát triển Thủ đô theo hướng bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Hà Nội tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.
Nhằm triển khai việc xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030,tầm nhìn đến năm 2045”, vào các ngày 10, 17, 24/6/2021, Thành uỷ Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo tọa đàm “Phát triển Công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045” để tham vấný kiến các cơquan, chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các văn nghệ sỹ, trí thức và cộng đồng sáng tạo. Qua đó, thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ Hà Nội hoạch định tầm nhìn, xác định chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh văn hoá, con người Hà Nội – một nguồn lực quan trọng, sức mạnh nội sinh quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Tô Nga