Báo cáo của UBND TP cho thấy, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm (theo cách tính mới), tiếp tục là một trong hai đầu tầu kinh tế của cả nước. Giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài ngày càng được duy trì và phát huy. Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội được tổ chức thành công, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long – Hà Nội, tạo ấn tượng tốt trong nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. An sinh xã hội được đảm bảo; 8.211 ngôi nhà cho người có công với cách mạng được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa; tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 4.046 hộ nghèo.
Ngay sau hợp nhất, Thành phố đã quan tâm thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng điện lưới; sửa chữa, cải tạo 5.523 phòng học nhờ, học tạm, phòng học xuống cấp. Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư chuẩn hóa, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến nay đạt 62%. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chuẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương và khu vực được đưa vào sử dụng. Ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực: giáo dục, y tế, quản lý đô thị, dịch vụ hành chính công được đẩy mạnh. Xây dựng và quản lý đô thị, vệ sinh môi trường được thực hiện với cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả như: Chương trình trồng 1 triệu cây xanh, cấp nước sạch nông thôn, chiếu sáng đô thị – nông thôn, cải tạo hồ nước… Nhiều khu đô thị mới khang trang đã và đang hình thành. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đạt 76,17% – dẫn đầu cả nước. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được tăng cường mở rộng.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, đánh giá sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội của UBND TP cho thấy, phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; chưa phát huy hết thế mạnh các nguồn lực; hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, tài sản công chưa cao; ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản xuất còn thấp, chưa đồng bộ.
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng công có mặt hạn chế; việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành còn chậm; việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh ra ngoài khu vực nội đô cũ chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Văn hóa – xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chưa tương xứng với vị thế, vai trò của Thủ đô; nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị có mặt còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa được đầu tư đúng mức; một số mặt của công tác giáo dục và đào tạo chuyển biến chậm, hiệu quả giáo dục đạo đức học đường ở các cấp học còn bất cập; công tác y tế, chăm sóc vào bảo vệ sức khỏe nhân dân, an toàn vệ sinh thực phẩm có mặt còn hạn chế.
Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương, đơn vị cơ sở còn chưa tốt. Chất lượng, hiệu quả hợp tác, đối ngoại để thu hút nguồn lực phát triển KT-XH Thủ đô một số mặt còn hạn chế.
Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, trong 10 năm qua, TP đã giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ, và đã thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Từ đó, cơ sở hạ tầng được điều chỉnh theo tầm nhìn mới, làm cho diện mạo Thủ đô thay đổi mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Tốc độ phát triển kinh tế ổn định ở mức cao. TP quan tâm kết nối vùng nông thôn đã có thay đổi nhiều. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh trật tự Thủ đô được giữ vững. Nhiều sự kiện chính trị ngoại giao được tuyệt đối an toàn.
Góp ý vào dự thảo báo cáo, đồng chí đề nghị Hà Nội cần làm nổi bật, rõ nét hơn những nội dung công việc đã thực hiện được, nhất là để điều chỉnh quy hoạch đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng theo tầm nhìn mới. Đồng thời, nói rõ tồn tại trong thực hiện chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính. Đánh giá chất lượng của quy hoạch, việc thực hiện chủ trương hình thành các khu chức năng trong khu vực nội đô và phát triển đô thị vệ tinh. Bên cạnh đó, làm rõ các hạn chế về cơ chế chính sách, điều gì còn đang cản trở việc thực hiện chủ trương đã đề ra, trên cơ sở đó tạo ra môi trường thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc cho Thủ đô trong quá trình phát triển.
Còn theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng, khi thăm dò ý kiến, có rất nhiều đại biểu “chưa đồng ý” về việc hợp nhất địa giới hành chính, tuy nhiên, sau đó Quốc hội biểu quyết 92% đại biểu thông qua nghị quyết. Trong 10 năm thực hiện, những đại biểu khóa 12 tham gia bấm nút đều tán thành, những công việc TP đã tiến hành vô cùng đồ sộ, phong phú trên nhiều lĩnh vực.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thấy báo cáo “nặng màu sắc về tình hình kinh tế xã hội” 10 năm của Hà Nội chứ chưa đề cập nhiều đến việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính của TP. Để điều chỉnh, cần bóc tách tương đối phát triển kinh tế xã hội của các địa phương được điều chỉnh (Hà Tây cũ, Hòa Bình…) để đánh giá tốc độ phát triển, đánh giá được tính đúng đắn lịch sử của Nghị quyết 15 đối với phát triển KTXH của Thủ đô. Đề nghị TP nêu kiến nghị Quốc hội, chính phủ có chủ trương để tổng kết đánh giá thực hiện NQ; có nghị quyết mới để thực hiện Luật Thủ đô và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề văn hóa.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng báo cáo cần đánh giá kết quả thực hiện hợp nhất; đánh giá nâng cao chất lượng cán bộ công chức; thực hiện tinh giản biên chế; cải cách hành chính; cải cách công vụ công chức, góp phần cho Hà Nội theo hướng xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành kiến nghị các quy hoạch sử dụng đất của TP khi thông qua cần phải có đánh giá việc thực hiện để làm nổi bật lên những đánh giá việc quản lý về sử dụng đất đai trong 10 năm qua. Đồng thời, đề nghị TP tập trung đầu tư hơn để hồi sinh các con sông trên địa bàn TP; đầu tư các trạm quan trắc môi trường và có giải pháp đảm bảo không khí trong lành….
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thay mặt lãnh đạo thành phố trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Trung ương, các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện của TP. Chủ tịch khẳng định sẽ tiếp thu những đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo để chỉ đạo cơ quan soạn thảo Báo cáo tiếp tục hoàn chỉnh.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý cơ quan soạn thảo Báo cáo lưu ý làm rõ luận cứ để đánh giá sự cần thiết của việc thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội; nêu rõ những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và các kiến nghị phải bám sát vào các quy hoạch, kế hoạch của Trung ương, các bộ, ngành đề ra; nêu bật được trách nhiệm của thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai… Nhấn mạnh việc phải chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định mục tiêu xây dựng và bảo vệ Thủ đô với vai trò đầu não chính trị, kinh tế, xã hội. “Cần xác định rõ các mục tiêu trọng điểm: coi trọng phát triển văn hóa; xây dựng trung tâm khởi nghiệp; xây dựng thành phố thông minh; phát triển kinh tế tập trung cơ cấu ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn; sắp xếp chính quyền tinh gọn, hiệu quả; xây dựng chính quyền đô thị; xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng…”, Chủ tịch nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị để Chính phủ đề xuất trước Quốc hội giám sát, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, 5 năm thực hiện Luật Thủ đô, trên cơ sở đó ghi nhận, đánh giá và xây dựng những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuân lợi cho Hà Nội phát triển…
Theo Cổng GTĐT TP