Chưa được phân loại

Phố Hàng Bạc – Nơi giữ nghề truyền thống của kinh kỳ

Giữa chốn đô thành phồn hoa và ồn ào, tấp nập, ít  có nơi nào như nơi này vẫn giữ được nghề truyền thống từ nhiều thế  kỷ nay: Nghề chế tác kim hoàn. Nơi đó là phố Hàng Bạc. Phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, Quận Hoàn Kiếm có chiều dài khoảng 0,5 km nằm trong khu […]

Giữa chốn đô thành phồn hoa và ồn ào, tấp nập, ít  có nơi nào như nơi này vẫn giữ được nghề truyền thống từ nhiều thế  kỷ nay: Nghề chế tác kim hoàn. Nơi đó là phố Hàng Bạc. Phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, Quận Hoàn Kiếm có chiều dài khoảng 0,5 km nằm trong khu vực phố cổ Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm chừng 300m.  Phố Hàng Bạc đã được hình thành từ thế kỷ  15.

1

Đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc – nơi thờ ông Tổ bách nghệ

 Ban đầu đây là 1 xưởng chuyên đúc bạc nén cho triều đình. Họ – những cư dân Hàng Bạc phần lớn là những người thợ tài hoa, tinh thông kỹ thuật chế tác đồ vàng bạc. Họ đến từ ba làng nghề làm đồ vàng bạc nổi tiếng ở miền Bắc: Làng Châu Khê (Hải Dương), làng Định Công (Hà Nội) và làng Đồng Sâm (Thái Bình). Chỉ 1 số rất ít cư dân Hàng Bạc là người sống lâu đời, từ thời Lý, Trần và trước đó.

Đặt chân đến Hàng Bạc, ai cũng phải trầm trồ và dừng chân trước những cửa tiệm, những tủ kính bày cơ man là vàng, bạc, ngọc, kim cương các loại, lấp lánh, óng ánh, tinh xảo, mỗi đồ mỗi vẻ, nào khuyên, nhẫn, vòng xuyến, hoa tai, dây chuyền, kiềng…Thật sang trọng, bắt mắt. Đây là những sản phẩm truyền thống nhiều thế kỷ nay của Hàng Bạc. Ở một số cửa hàng, thấy lập lòe ánh lửa ở bễ xì, tiếng búa gõ nhè nhẹ, nho nhỏ giữa âm thanh ồn ào cùa đường phố đông người, xe qua lại…Tất cả những sản phẩm hoàn kim ở đây đều được gia công, chế tác hoàn toàn thủ công, với những vật dụng thô sơ, đơn giản từ bao đời như vậy đấy.

 Mặc cho hiện nay cả Thủ đô Hà Nội có đến hàng ngàn cửa hàng chế tác, kinh doanh vàng bạc thì phố Hàng Bạc vẫn luôn nhộn nhịp người mua, bán sản phẩm kim hoàn. Cả phố có đến hàng trăm cửa hàng, cửa hiệu lớn nhỏ buôn bán, kinh doanh, chế tác kim hoàn, là trung tâm của nghề kim hoàn đất Kinh kỳ. Nơi đây có hàng chục nghệ nhân kim hoàn nổi tiếng cả nước như Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành, nghệ nhân Trần Hòa, Vinh Hạnh…; và cả những sản phẩm vàng, bạc uy tín lâu đời mang nhãn hiệu Sư Tử, Kim Thành, Chân Hưng. Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành, gốc người làng Định Công đã có gần 50 năm làm nghề cho biết làm nghề kim hoàn đòi hỏi người làm ngoài sự tài khéo thì phải cực kỳ tỉ mỉ, cẩn thận đến mức tuyệt đối, không cho phép một sai sót nào, dù nhỏ, nếu sai sót một chút xíu thôi, coi như sản phẩm bị bỏ.

Ngoài các sản phẩm truyền thống bao đời, Hàng Bạc còn chế tác đồ chạm khắc cầu kỳ, đặc biệt như Tứ linhLưỡng long chầu nguyệt,  Bát vậtBát bảo… Những sản phẩm kim hoàn này khác những nơi khác là hoa văn tinh xảo, đường nét sống động, nhưng rất tạo dáng nghệ thuật, kỹ xảo thủ công độc đáo, chỉ người Hàng Bạc mới làm được và được truyền từ đời này sang đời khác. Đối tượng chủ yếu của sản phẩm kim hoàn Hàng Bạc là phụ nữ, trẻ em và khách du lịch. Ngoài giá trị vật chất lớn, sản phẩm kim hoàn của Hàng Bạc còn là đồ trang sức, làm đẹp, tôn giá trị của người dùng. Trẻ em đeo vòng, lắc, khuyên tai bằng bạc vừa làm đẹp vừa có tác dụng chống độc v,v, Nhiều nhà giầu có lại mua cho mình những sản phẩm kim hoàn giá trị hơn như Bộ Tứ linh, Bát vật, Bát bảo, Bát quả, hoặc ông Thần tài, ông Tam Đa, ông Di Lặc để trưng bày ở những nơi trang trọng trong nhà hoặc cửa hàng, cửa hiệu để được may mắn, thịnh vượng. Một số phụ nữ, người già lại ưa chuộng và mua cho mình những sản phẩm trạm khắc  gia dụng như hộp trầu, hộp thuốc, bát đĩa bạc.v.v.

Là nơi giữ nghề truyền thống lâu đời của  đất kinh kỳ, thế nên mỗi lần đi qua Hàng Bạc ít ai từ chối ghé chân vào cửa hiệu nào đó để ngắm nhìn cho thỏa mắt những sản phẩm kim hoàn hoàn hảo của những người thợ – nghệ nhân Hàng Bạc; giữa những sản phẩm hoàn mỹ đó, biết đâu bạn chẳng chọn được cho mình một sản phẩm độc đáo, có một không hai về làm kỷ niệm.

Quỳnh – Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *