“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” – lời dạy ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm nhuần vào mỗi cán bộ, công nhân viên chức, lao động Thủ đô bằng những hành động thiết thực, đã và đang tạo nên những thành quả không nhỏ, góp phần […]
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” – lời dạy ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm nhuần vào mỗi cán bộ, công nhân viên chức, lao động Thủ đô bằng những hành động thiết thực, đã và đang tạo nên những thành quả không nhỏ, góp phần xây dựng Thủ đô ngày một văn minh và hiện đại.
Các phong trào thi đua yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, thiết thực và hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền các cấp đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã chủ động và phối hợp tổ chức các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng. Trong lĩnh vực kinh tế, thi đua đã góp phần tích cực vào giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa, xã hội đã thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân. Phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp và đối ngoại đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2015 có 1.232 đại biểu tham dự. Đáng chú ý, trong số 889 người được tôn vinh tại Đại hội, có tới 656 người, tương đương với 73,8% là lao động trực tiếp, cán bộ cơ sở. Ghi nhận những kết quả đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô; phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 5 tập thể; danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 8 cá nhân; tặng thưởng Huân chương Độc lập cho 49 tập thể; Huân chương Lao động cho 367 tập thể và 518 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 103 lượt đơn vị; Bằng khen cho 876 tập thể và 925 cá nhân. UBND Thành phố đã tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 1.834 lượt đơn vị; Bằng khen cho 11.588 lượt tập thể, 18.652 cá nhân.
Các cấp Hội, các đơn vị, cơ quan chuyên trách đã linh hoạt, vận dụng, cụ thể hóa thành các phong trào thi đua phù hợp với từng địa phương, đơn vị, từng lĩnh vực, chuyên đề hoạt động với nhiều chủ đề như: phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã có nhiều đề tài, đề án, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CBCNVCLĐ được ứng dụng trong thực tiễn đã tiết kiệm chi phí và mang lại giá trị kinh tế hàng tỉ đồng. 105 cá nhân tiêu biểu vinh dự được nhận danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” năm 2016. Phong trào “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”; phong trào 4 cao “Năng suất cao, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế cao và sức cạnh tranh cao” đã được sự hưởng ứng tích cực của người lao động Thủ đô. Các phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong cán bộ, công chức, viên chức và nữ cán bộ, công chức , viên chức; phong trào “ Văn nghệ – Thể dục, thể thao”, “Xây dựng nếp sống văn hóa, phòng chống các tệ nạn xã hội, nâng cao dân trí”, “Xây dựng gia đình nông dân no ấm, khỏe mạnh, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”, “Thực hiện dân số – kế hoạch hóa gia đình”, “Bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo” v.v… đã mang lại động lực cho sự phát triển của Thủ đô.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã phát động nhiều phong trào riêng như “Phát triển kinh tế ngoại thành, xây dựng nông thôn mới”, “Dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, “Hiến đất làm đường”… Thông qua các phong trào, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong Phong trào Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới với 212 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 11 xã so với năm 2015.
Thực hiện đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 và Kế hoạch 5 năm (2016 – 2020); Thành phố tập trung xây dựng và tổ chức phong trào thi đua xuyên suốt giai đoạn với chủ đề: “Thi đua xây dựng Thủ đô xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại”, đồng thời triển khai các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua theo chuyên đề với mục tiêu, nội dung, tiêu chí cụ thể nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá của Thành phố. Theo đó phát động phong trào thi đua thực hiện các khâu đột phá của Thành phố giai đoạn 2016 – 2020:
Thi đua xây dựng Thủ đô xanh – sạch – đẹp và an toàn: Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phấn đấu xóa trắng các điểm đen về ùn tắc giao thông; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thân thiện và bảo vệ môi trường, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành chương trình 1 triệu cây xanh cho Hà Nội, xây dựng mới 25 công viên, trong đó có 5 công viên là các khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính: Phấn đấu nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo môi trường và điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân.
Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính
Thi đua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Phấn đấu xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước.
Diện mạo Thủ đô ngày một hiện đại
Với việc duy trì hiệu quả phong trào thi đua truyền thống của các ngành, các địa phương, đơn vị; đồng thời tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai các phong trào thi đua đáp ứng yêu cầu tình hình và đặc thù nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương, đơn vị trong giai đoạn mới, các phong trào thi đua yêu nươc của thành phố Hà Nội sẽ ngày càng sâu rộng và hiệu quả.
Thu Hằng