Đó là tên cuộc vận động (CVĐ) được Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội phát động vào tháng 2/2018 với các nội dung thanh lịch, văn minh trong nói năng, giao tiếp; thực hiện văn hóa ứng xử trong gia đình và thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng.
Qua hơn 1 năm thực hiện, CVĐ đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện, thanh lịch – văn minh; rèn luyện phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới; thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử của thành phố.
Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền để CVĐ đi vào cuộc sống, hơn 1 năm qua, các cấp hội phụ nữ Thủ đô đã rất quan tâm đến công tác này. Sau 7 tháng thực hiện, đã có 797 cơ sở hội, 5767 chi hội phụ nữ tổ chức tuyên truyền về CVĐ gắn với phẩm chất đạo đức Việt Nam và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố cho gần 1 triệu lượt hội viên. Bên cạnh những hình thức truyền thống như tổ chức sinh hoạt hội viên, cấp phát tài liệu tuyên truyền thì trong triển khai CVĐ lần này, việc tuyên truyền thông qua tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, liên hoan tuyên truyền, tổ chức hội thi… được nhiều đơn vị đẩy mạnh. Tiêu biểu như Hội LHPN quận Hai Bà Trưng tổ chức Liên hoan tuyên truyền “Phụ nữ và thanh niên quận Hai Bà Trưng nói lời hay, ứng xử đẹp”; Hội LHPN huyện Mê Linh tổ chức hội thi “Phụ nữ Mê Linh tài năng, thanh lịch”; Hội LHPN quận Ba Đình tổ chức “Diễn đàn sống đẹp”; Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức sơ, chung khảo Hội thi “Cán bộ Hội phụ nữ cơ sở giỏi, ứng xử đẹp”; Hội LHPN quận Tây Hồ, quận Thanh Xuân tổ chức giao lưu “Ứng xử đẹp”; Hội LHPN quận Hoàn Kiếm tổ chức giao lưu “Xây dựng nét đẹp trong văn hóa kinh doanh”…Qua đó, những nội dung của CVĐ, những tình huống ứng xử, giao tiếp đẹp đã được chuyển tải một cách khéo léo, mềm mại đến cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô để thực hiện trong cuộc sống. Đặc biệt, thông qua các buổi tọa đàm, các cấp hội đã nhận được nhiều ý kiến tham luận, đóng góp ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn trong triển khai CVĐ; đề xuất các giải pháp tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội…
Hội LHPN thị xã Sơn Tây là một trong nhiều đơn vị áp dụng hình thức sân khấu hóa trong tuyên truyền về cuộc vận động
Cho đến nay, CVĐ đã bước đầu tạo được những chuyển biến về nhận thức và hành động trong cán bộ chuyên trách các cấp hội và cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô. Trên địa bàn thành phố cũng đã xuất hiện nhiều mô hình thiết thực như “Biến chân rác thành vườn hoa”, “Góc xanh”, “Sạch đồng ruộng”, “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh – sạch- đẹp thân thiện với môi trường”, “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông”, “Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không vứt rác và phế thải bừa bãi nơi công cộng, không mua bán trên vỉa hè, lòng đường”.. Hiện nay, toàn thành phố có 3.955 đoạn đường xanh – sạch – đẹp, 841 đoạn đường nở hoa, 207 chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản; 307 điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh – sạch – đẹp thân thiện với môi trường; 4 mô hình “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông”… Các mô hình đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị, làm cho Thủ đô thêm xanh – sạch – đẹp. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy vẫn còn những trường hợp phụ nữ to tiếng, cãi nhau nơi công cộng, không chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông…
Để nâng cao chất lượng thực hiện CVĐ, trong thời gian tới, Hội LHPN Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, những mô hình tiêu biểu để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình 04- CT/TU của Thành ủy Hà Nội “Phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Khánh Hoàng
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm