Với định hướng và mục tiêu phát triển văn hóa Phúc Thọ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, huyện Phúc Thọ đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là những lễ hội đặc sắc trên địa bàn.
Hàng năm, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có 68 lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa xuân, từ tháng Giêng đến tháng 3 (Âm lịch). Trong đó có 01 lễ hội vùng là Lễ hội truyền thống đền Hát Môn được tổ chức quy mô cấp huyện và 67 lễ hội làng. Lễ hội ở Phúc Thọ hầu hết đều gắn liền với các di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử danh thắng. Với sự đa dạng, đặc sắc về thể loại, các lễ hội đã mang đến cho người dân sự trải nghiệm, khám phá mới mẻ, làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân, góp phần phát huy nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống.
Tiêu biểu như lễ hội truyền thống Đền Hát Môn, xã Hát Môn thờ Hai Bà Trưng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Đền Hát Môn được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Ba âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng. Tương truyền, trước khi tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay giặc khi thất bại, Hai Bà đã ghé vào một quán hàng bánh ăn bánh trôi. Từ sự tích này, người dân nơi đây đã có một nghi thức hết sức đặc biệt là dâng bánh trôi lên Hai Bà trong ngày hội. Đã là người làng Hát Môn, từ Tết Nguyên đán đến trước sáng ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch, mọi người kiêng không ăn bánh trôi. Việc làm bánh trôi dâng lên Hai Bà Trưng được tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ, chọn lựa gia đình vẹn toàn làm bánh dâng lên Hai Bà. Cho đến sáng ngày sáu tháng Ba, sau khi làm đại lễ dâng hai đĩa bánh trôi cúng Hai Bà, các gia đình mới cúng bánh trôi lễ tổ tiên trong gia đình. Và đến chiều hôm đó, các gia đình mới làm đại tiệc, mời khách đến ăn bánh trôi tại nhà mình.
Ngoài ra, lễ hội Hai Bà Trưng ở Hát Môn còn có nhiều nghi lễ độc đáo khác. Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 19/1/2016, lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đại lễ ngày mùng 6 tháng Ba (Âm lịch) là ngày Hai Bà Trưng tuẫn tiết (thường gọi là ngày hóa của Hai Bà), dân làng tổ chức tế lễ long trọng và dài ngày nhất trong năm. Cùng với việc tế lễ, năm nào làng cũng mở hội với nhiều trò chơi dân gian, thu hút hàng ngàn khách thập phương về dự. Đại lễ 24 tháng Chạp (24 tháng 12 Âm lịch) là ngày kỷ niệm chiến thắng của Hai Bà Trưng và là ngày hội rước lớn nhất trong năm, với hai nội dung chính: rước Mộc dục và Dịch phục. Rước Mộc dục là rước bài vị của Hai Bà Trưng đến nhà Ngự dội để tắm gội, thay mũ áo (theo truyền thuyết sau khi thắng trận Hai Bà Trưng đã tắm gội, sửa mũ áo, làm lễ đăng quang lên làm vua và đóng đô ở Mê Linh); Dịch phục là thay mũ áo tại vị. Lễ Mộc dục là một cuộc rước lớn, trang trọng nhưng cũng hết sức náo nhiệt.
Hay như Lễ hội truyền thống di tích quốc gia đặc biệt Đình Tường Phiêu, xã Tích Giang dựa trên truyền thuyết Thánh Tản Viên Sơn (Sơn Tinh, Thuỷ Tinh). Lễ hội truyền thống đình Tường Phiêu diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội hiện nay còn duy trì nhiều hoạt động truyền thống, trong đó đặc sắc nhất là tục rước đêm, ba năm tổ chức một lần (vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu) đã tồn tại từ rất lâu đời và được dân làng gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay. Theo các cụ trong làng truyền lại, tục rước kiệu đêm của làng Tường Phiêu xuất phát từ truyền thuyết về Thánh Tản: Trong một lần ngự giá vi hành tới miền Ngô Sơn, mải mê với việc dạy dân đánh cá và tìm cách trị thủy, Ngài và đoàn tùy tùng đã trở về núi vào ban đêm khá muộn. Khi lưu luyến tiễn Ngài và đoàn tùy tùng, dân làng đã dùng cây khô, rong rào làm đuốc để soi đường và để được chiêm ngưỡng đức Thánh được lâu hơn. Ngoài 4 cây đuốc khổng lồ, tại lễ hội còn có nhiều cây đuốc nhỏ, gọi là đuốc rồng. Theo các cụ cao niên trong làng, lễ thánh tại đền Ngo được tổ chức từ năm 1432 đến ngày nay, cứ 3 năm một lần vào các năm Tý – Ngọ – Mão – Dậu. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, lễ hội làng Tường Phiêu vẫn giữ được nét độc đáo.
Cùng với đó, tại huyện Phúc Thọ còn có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như lễ hội truyền thống làng Cung Sơn xã Tích Giang; lễ hội Đình làng Vân Cốc; lễ hội truyền thống làng Sen Chiểu xã Sen Phương; lễ hội truyền thống làng Gia Hòa thị trấn Phúc Thọ,…, mỗi Lễ hội lại có nét đặc trưng, mang màu sắc riêng.
Với kho tàng quý về giá trị văn hóa, lịch sử cùng nhiều lễ hội, bên cạnh việc phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, huyện Phúc Thọ dần đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp. Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện ban hành nhiều văn bản cụ thể về việc bảo tồn và phát huy giá trị các văn hoá lễ hội gắn với phát triển du lịch trong đó hướng ưu tiên phát triển văn hóa tâm linh, từng bước chuẩn hoá các lễ hội. Hằng năm các lễ hội trên địa bàn huyện đều được tổ chức an toàn, tiết kiệm, trang trọng. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức lễ hội từ xã, thị trấn tới các làng cũng như việc thành lập Ban tổ chức sớm, chủ động, khoa học, tổ chức thực hiện có hiệu quả cả phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống. Phần hội được tổ chức trong không khí vui tươi, phấn khởi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Các lễ hội truyền thống ngày càng đi vào nền nếp, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, sôi nổi đã khẳng định những nỗ lực trong việc bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống của huyện, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hoá địa phương, từng bước hình thành các điểm đến tham quan du lịch, tâm linh độc đáo của huyện Phúc Thọ, hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Hoà An