Sự kiện

Phường Thạch Bàn tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận ‘Nghi lễ và trò chơi kéo co’

Ngày 7/4, trong khuôn khổ lễ hội truyền thống đền Trấn Vũ năm 2019, Đảng ủy, HĐND – UBND phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận “Nghi lễ và trò chơi kéo co” là di sản văn hóa phi vật thể.

Lễ hội đền Trấn Vũ được tổ chức thường niên vào ngày mùng 3-3 âm lịch hằng năm. Trong lễ hội đền Trấn Vũ năm nay đã diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ đón nhận Bằng công nhận ‘Nghi lễ và trò chơi kéo co’ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, quyết định của Chủ tịch nước về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘Nghệ nhân ưu tú’ trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc cho cụ Nguyễn Văn Sê, và tổ chức cuộc thi kéo co ngồi giữa các mạn.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh trao Quyết định và Huy hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho cụ Nguyễn Văn Sê.
Phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội đón Bằng công nhận ‘Nghi lễ và trò chơi kéo co’ là di sản văn hóa phi vật thể.

Nghi lễ “Kéo co ngồi” – tập quán xã hội, tín ngưỡng có từ lâu đời trong hội làng Cự Linh – xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm xưa – nay là cụm Ngọc Trì phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Theo tư liệu, trò kéo co ngồi đã có từ năm 1938 và được tổ chức trong lễ hội đền Trấn Vũ vào ngày mùng 3-3 âm lịch hằng năm với 3 mạn tham gia: Mạn Chợ, mạn Đường và mạn Đìa. Mỗi đội kéo có 15, 17 hoặc 19 người tùy từng năm và một Tổng cờ. Nam giới cởi trần, mặc quần ngắn, buộc thắt lưng đỏ, đầu chít dây đỏ. Tổng cờ mặc áo đỏ, khăn đỏ. Trước khi kéo co, 3 mạn mang lễ vật làm lễ trình đức thánh tại sân đền. Sau khi làm lễ mới bắt đầu kéo co.

Trò chơi ‘Kéo co ngồi’ có dây song dài 40m được luồn qua một cột gỗ giữa hai đội, người chơi ngồi trên nền đất để kéo.

Kéo co ngồi ở Đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên với tính đặc biệt của công cụ và cách thức thực hành: Ngồi trên đất kéo co bằng dây song luồn qua lỗ một cây cột gỗ chôn chặt xuống đất, điều quan trọng hơn cả là ý nghĩa của trò chơi mang tính tâm linh, nó thể hiện thông qua mong muốn của cộng đồng là đội nào thắng sẽ mang lại điều may mắn cho làng xóm, tức là thông điệp của họ đã đến với đức Thánh và đức Thánh đã nhận được và ban cho họ những điều tốt lành.
Một điểm nữa, vùng đất làng Cự Linh là vùng đất ven đê sông Hồng, người dân sống bằng việc sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước là chính nên vấn đề nước là vô cùng quan trọng. Truyền thuyết về nguồn gốc của trò kéo co ngồi bắt nguồn từ việc cầu mong có đầy đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Tháng 12 năm 2015, kéo co truyền thống châu Á tại bốn quốc gia Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia, Philippines được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có nghi lễ và trò chơi kéo co ngồi đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP.Hà Nội.
Ngay sau khi được công nhận, UBND TP. Hà Nội và quận Long Biên đã quy hoạch một khu đất rộng 4.000 m2 ngay trước cửa đền Trấn Vũ, xây dựng thành bãi kéo co và phục vụ lễ hội đền Trấn Vũ.

N.V

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *