Tiêu điểm Hà Nội

“Quà tặng của nhân gian”: Đưa tinh hoa văn hóa dân tộc đến gần với công chúng

Với mong muốn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của các làng nghề Việt Nam và tôn vinh sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp cùng Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức trưng bày “Quà tặng của nhân gian”. Trưng bày diễn ra từ ngày 2/1 đến 5/1/2025 giới thiệu tinh hoa của các địa phương cùng những sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân đến từ 07 làng nghề trong cả nước.

Trưng bày diễn ra tại sân Thái Học, di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Từ những nơi rất xa xôi hẻo lánh, lần đầu tiên các nghệ nhân cùng hội tụ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, mang đến cho người xem và du khách những sản phẩm thủ công độc đáo, đặc sắc, mang đậm nét truyền thống của các vùng miền trên cả nước.

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia sẻ, chương trình “Quà tặng của nhân gian” là sự kiện mở đầu cho các hoạt động của Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong năm 2025. Với mong muốn dần đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, trung tâm của các hoạt động văn hóa của Tp Hà Nội, tại sự kiện này, người dân và du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động cùng với 12 nghệ nhân đến từ 7 làng nghề truyền thống trong cả nước. Các nghệ nhân đến từ nhiều vùng đất xa xôi, hội tụ về đây và mang những tinh hoa của các làng nghề, giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc các vùng miền đến với công chúng. Chương trình “Quà tặng của nhân gian” cũng chính là một món quà tặng ý nghĩa đối với người dân Thủ đô và du khách tham quan khi đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám những ngày đầu năm 2025.

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia sẻ tại chương trình

“Qua chương trình này, chúng tôi cũng mong muốn những hoạt động mang tính cộng đồng, vì cộng đồng sẽ tiếp tục được tổ chức thường xuyên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám để tạo nên sự kết nối, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền. Đặc biệt là quảng bá những giá trị, những tinh hoa văn hóa của các làng nghề Việt Nam đến với khách tham quan, tạo nên một sinh khí mới cho đời sống văn hóa của các làng nghề cũng như là sinh khí cho các hoạt động văn hóa tại di tích”.

Từ vùng đất Tây Nguyên xa xôi, Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú A Brol Vẽ đến từ làng Đắk Răng, tỉnh Kon Tum đã mang những âm thanh của núi rừng Tây Nguyên đến với khán giả Thủ đô và đông đảo du khách. Ông là người có khả năng chế tác và sử dụng thành thạo 12 loại nhạc cụ của dân tộc Gié Triêng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên qua bao thế hệ.

Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú A Brol Vẽ (bên trái ảnh)

 

Cũng đến từ tỉnh Kon Tum, chị Y Mứi, người dân tộc Gia Rai (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) sẽ dệt nên những mảnh vải thổ cẩm với tâm hồn của một người con của đại ngàn Tây Nguyên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Gia Rai đã có từ lâu, được lưu truyền từ đời này đến đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Với quá trình chuẩn bị nguyên liệu dệt rất công phu, nghề dệt thủ công của người Gia Rai ở Kon Tum đã tạo ra những sản phẩm mang nét văn hoá độc đáo riêng có, không thể pha trộn. Bên cạnh việc duy trì những hoa văn truyền thống, họ cũng sáng tạo nên những hoa văn và màu sắc mới. Trong đó, hoa văn được bố cục theo những nét hình họa cơ bản, gần gũi với đời sống như đường thẳng, đường cong, đường gấp khúc, các loại hình đa giác. Màu sắc trên các tấm thổ cẩm có màu nền chủ đạo là đen, đỏ, vàng, trong đó, màu vàng dùng để trang trí, điểm xuyến để tạo nên những nét độc đáo. Chất liệu tạo màu được người Gia Rai lấy từ thực vật có sẵn trong môi trường tự nhiên. Bên cạnh những nét truyền thống, những tấm vải thổ cẩm của người dân tộc Gia Rai (Kon Tum) dù lớn hay nhỏ đều in đậm dấu ấn sáng tạo của người thợ dệt.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Gia Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum)

Cùng là dệt thổ cẩm, nhưng chị Bya Hoa lại mạnh dạn phục chế lại hoa văn cổ của nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk thay đổi bằng sợi tơ tằm, mang lại giá trị mới cho thổ cẩm Đắk Lắk.

Nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Lắk

Đến từ huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, nghệ nhân dệt zèng Hồ Thị Hợp mang đến một loại hình sản xuất thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều, chủ yếu được tạo nên từ những hạt cườm dệt tỉ mỉ. Đây chính là điểm khác biệt, độc đáo nhất. Dệt zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới. Những sản phẩm từ tấm zèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới. Mỗi sản phẩm dệt zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt Zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền; họ tự tìm kiếm nguyên liệu để dệt nên những tấm zèng đa màu sắc, họa tiết hoa văn độc đáo.

Theo nghệ nhân dân gian nghề dệt zèng Hồ Thị Hợp, để tạo nên một tấm zèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc, từ những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt và sự khéo léo, tỉ mỉ trong việc đính cườm đã tạo nên những hệ hoa văn độc đáo.

Nghề dệt zèng của người dân tộc Tà Ôi (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế)

Cũng tại chương trình, các nghệ nhân làng đũi Nam Cao (Thái Bình) lại mang đến những sản phẩm của nghề dệt đũi đã có tuổi đời hơn 400 năm. Nghề kéo đũi, dệt cửi tại đây có từ năm 1584, trải qua hơn 400 năm từ khi hình thành, người dân làng Nam Cao vẫn kiên định gìn giữ tinh hoa đất nghề của cha ông để lại. Đũi Đại Hòa được hình thành hơn 100 trước với 4 thế hệ theo nghề đã giữ gìn và phát triển nghề dệt đũi. Nghệ nhân Nguyễn Đình Đại, giờ đã hơn 70 tuổi vẫn theo nghề và đang truyền lại cho thế hệ tiếp theo để dệt và tạo ra các sản phẩm từ đũi tơ tằm – một loại vải đẹp sang trọng tự nhiên, không giống bất cứ loại nào khác.

Các nghệ nhân làng đũi Nam Cao (Thái Bình)

Nổi tiếng với nghề trồng cói và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cói, những người nghệ nhân làng cói Kim Sơn (Ninh Bình) đã luôn sắt son bền bỉ theo đuổi cái nghề của cha ông để lại suốt hơn 200 năm nay. Nhằm góp phần giữ gìn và đưa những giá trị truyền thống quê hương đến với người dân cả nước và bạn bè quốc tế, nghệ nhân Đỗ Văn Tấn đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm sinh động từ cói, nỗ lực không ngừng để phát triển nghề truyền thống quê hương ngày càng lớn mạnh.

Nghệ nhân Đỗ Văn Tấn

Tại chương trình “Quà tặng của nhân gian” còn giới thiệu đến du khách các sản phẩm của tơ lụa Bảo Lộc – thủ phủ tơ lụa Việt Nam; các sản phẩm sáng tạo của nghề đan lát từ cây tre, thưởng thức những giọt cà phê xứ lạnh làng Kon Chênh – Măng Đen.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách đến với di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. đặc biệt là các du khách nước ngoài.

Đặc biệt, vào tối ngày 4/1 sẽ diễn ra đêm thời trang áo dài với 10 bộ sưu tập áo dài và thời trang của các Nhà thiết kế: Silky Vietnam, Viết Bảo, Minh Hạnh… trên nền tơ lụa truyền thống và thổ cẩm các vùng miền. Đêm áo dài diễn ra với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ: NSND Thanh Lam, NSƯT Thùy Anh, ca sĩ Y nhíp, Khang Ngọc… cùng 50 người mẫu hứa hẹn sẽ đem tới cho khán giả những phút giây thăng hoa cảm xúc.

Thúy Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *