Trong những năm qua, quận Hai Bà Trưng đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 18/02/2016 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Theo đó, công tác xây dựng và phát triển văn hóa được đẩy mạnh thực hiện từ quận đến cơ sở. Phong trào xây dựng tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa tiếp tục được duy trì, góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ “Gia đình văn hóa” đạt từ 81% đến trên 88%, “Tổ dân phố văn hóa” đạt 70-75%, “Đơn vị văn hóa” đạt 65%. Đặc biệt, văn hóa ứng xử của người dân chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành vi, nhiều nếp sống văn hóa tốt đẹp đã dần trở thành thói quen giao tiếp hàng ngày. Nhiều năm qua, trên địa bàn Quận không xảy ra các vụ bạo hành gia đình, các vụ việc mâu thuẫn gia đình và giữa người dân trong khu phố có tỷ lệ giảm đáng kể.
Cùng với đó, hoạt động văn hóa, văn nghệ được đầu tư nâng cao về nội dung và chất lượng nghệ thuật, phục vụ nhu cầu thưởng thức của nhân dân. Từ năm 2014, quận Hai Bà Trưng tổ chức 54 buổi biểu diễn nghệ thuật ngoài trời chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Thủ đô và địa phương, các sự kiện chính trị quan trọng với sự tham gia của hơn 6.000 lượt diễn viên không chuyên, phục vụ hàng nghìn lượt khán giả. Tại cơ sở, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ. Trên địa bàn Quận hiện có 53 cơ sở văn hoá, nhà hát cải lương, rạp xiếc, rạp chiếu phim, thu hút trên 10 vạn lượt người tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn được quan tâm chú trọng. Tổng kinh phí đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn là 141.819 tỷ đồng.
Việc thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai hiệu quả.100% các phường đã phổ biến tới từng tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn. Toàn quận đã tổ chức 198 buổi tọa đàm tại 217 địa bàn dân cư; lắp đặt 560 biển tuyên truyền giữ gìn văn minh đô thị tại các ngõ xóm trên địa bàn dân cư thuộc 20 phường; 75.000 tờ gấp tuyên tuyền về thực hiện “Nếp sống văn hóa văn minh đô thị” phát đến các hộ gia đình trên địa bàn.
Hội thi Thiếu nhi Thủ đô thanh lịch, văn minh tại trường Tiểu học Tây Sơn
Trong thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển con người, quận Hai Bà Trưng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường giáo dục bằng hình thức trực quan như: Nói chuyện truyền thống; tham quan di tích lịch sử cách mạng, bảo tàng… Đặc biệt, quận đã tập trung nguồn lực tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có quy mô, chất lượng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí của nhân dân. Các hoạt động TDTT quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều mô hình hoạt động, nhiều câu lạc bộ tập luyện thể thao được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đã thu hút được nhiều đối tượng từ người cao tuổi đến thanh thiếu nhi tham gia. Tăng cường kêu gọi xã hội hóa cơ sở vật chất, triển khai lắp đặt 185 bộ dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời ở 14 phường phục vụ nhân dân. Các hoạt động thể thao được quan tâm tổ chức từ quận tới cơ sở, tạo phong trào tập luyện thể thao rộng rãi trong cán bộ và nhân dân trong quận.
Đến năm 2020, quận Hai Bà Trưng phấn đấu tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa đạt 86%, tổ dân phố văn hóa đạt 71%; Phấn đấu 70% địa bàn dân cư có nơi sinh hoạt cộng đồng; Đầu tư xây dựng mới Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao Quận. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo ý thức trách nhiệm trong nhân dân trong thực hiện nếp sống thanh lịch, văn minh, tôn trọng kỷ cương, pháp luật; Gắn nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với các cuộc vận động và phong trào quần chúng khác; Phát động các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng tấm gương “Người tốt, việc tốt”.
Bình An
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm