Văn hoá đời sống

Quận Long Biên Nâng cao nhận thức người dân từ những mô hình khuyến học, khuyến tài

Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 11-CT/TW về công tác khuyến học, khuyến tài, việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về công tác này đã được quận Long Biên thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Nhờ đó, đến nay, ngành giáo dục đào tạo quận Long Biên […]

Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 11-CT/TW về công tác khuyến học, khuyến tài, việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về công tác này đã được quận Long Biên thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Nhờ đó, đến nay, ngành giáo dục đào tạo quận Long Biên luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu của thành phố.

Trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quận tổ chức thường xuyên, liên tục và dưới nhiều hình thức. Cả 14/14 phường đều có Nghị quyết chuyên đề của cấp ủy đảng về công tác khuyến học và hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng. Tháng 7/2010, Hội Khuyến học quận đã tổ chức Hội thảo “Vai trò của Tổ dân phố, dòng họ trong việc xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, tổ dân phố khuyến học” đã có tác dụng tốt trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài.

Để phong trào phát triển mạnh mẽ và vững chắc, UBND quận đã chỉ đạo Hội Khuyến học quận xây dựng các mô hình khuyến học phù hợp với thực tiễn hoạt động của từng đơn vị và chỉ đạo nhân rộng trong toàn quận, đi sâu vào các cơ quan, xí nghiệp, trường học, tổ dân phố. Quận đã thành lập Trung tâm học tập cộng đồng quận và Trung tâm học tập cộng đồng ở 14 phường nhằm góp phần tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người cùng được học tập. Hội Khuyến học đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các hình thức hoạt động linh hoạt, nội dung phong phú như: thời sự, chính sách pháp luật, chuyển giao công nghệ kỹ thuật nông nghiệp, học văn hóa, ngoại ngữ, tin học, văn nghệ, giao tiếp ứng xử, chăm sóc sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội… Bình quân, toàn quận mỗi năm huy động trên 128.000 lượt người tham dự với trên 614 chuyên đề.

Bên cạnh đó, quận luôn ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Do đó, quy mô giáo dục của quận luôn được giữ vững và có bước phát triển mạnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được ưu tiên đầu tư cao nhất. Đến nay, đã xây mới, cải tạo nâng cấp cho 100% các trường mầm non, trung học, trung học cơ sở của quận, trong đó, 98,8% trường đạt chuẩn Quốc gia, 32 trường tiểu học, THCS được công nhận Chuẩn thư viện tiên tiến và thư viện xuất sắc, 100% trường được kết nối mạng Internet, 10 trường học được đầu tư theo mô hình trường học điện tử.

Hiện nay, trên địa bàn quận có tổng số 482 chi hội khuyến học, khuyến tài với 43.273 hội viên, tăng 38,8% so với năm 2007. Trong 10 năm qua, Ban chấp hành Hội đã xây dựng và ban hành các tiêu chí cụ thể trong xây dựng “Gia đình hiếu học tiêu biểu”, “Dòng học khuyến học”, “Tổ dân phố khuyến học”, “Phường Khuyến học”. Các tiêu chí được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và được thực hiện nghiêm túc trong quy trình bình xét các danh hiệu thi đua, từ đó, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài trên địa bàn quận. Cụ thể, trong 10 năm qua, đã có 12/14 phường làm tốt việc triển khai xây dựng mô hình “Dòng học khuyến học”. Đến nay, đã có 28 dòng họ xây dựng kế hoạch, nghị quyết khuyến học; hàng năm, tổ chức khen thưởng cho con cháu trong dòng họ. Sau 10 năm thực hiện, đã có 22 dòng họ được công nhận “Dòng họ khuyến học”.

Bám sát tiêu chuẩn xây dựng tổ dân phố văn hóa trên địa bàn quận, từ thực tiễn hoạt động, Hội Khuyến học quận Long Biên đã triển khai xây dựng mô hình “Tổ dân phố khuyến học” nhằm phát triển hội rộng rãi ở các tổ dân phố. Đến nay, đã có 318/318, đạt 100% tổ dân phố đăng ký xây dựng tổ dân phố khuyến học với 4 tiêu chuẩn cụ thể, trong đó, đặc biệt quan tâm và thực hiện khẩu hiệu “Không để trẻ em phải bỏ học vì lý do kinh tế”.

Nét mới trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 11 của Hội Khuyến học quận Long Biên đó là thực hiện xây dựng mô hình “Phường Khuyến học”. Ngay sau khi triển khai xây dựng mô hình điểm tại phường Bồ Đề năm 2008, đến nay, quận đã có 14/14 phường đăng ký thực hiện tiêu chí này và đạt được nhiều thành tích. Đáng chú ý, việc triển khai xây dựng mô hình phường khuyến học là một tiêu chí trong việc triển khai công nhận danh hiệu “Phường Văn hóa” trong triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của quận Long Biên.

Ngày hội khuyến học phường Gia Thụy

Để thực hiện tốt công tác xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, trong 10 năm qua, Hội Khuyến học quận Long Biên đã có nhiều hoạt động phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội, các nhà hảo tâm, các tổ chức, các cơ quan trong việc hỗ trợ tinh thần vật chất cho các hoạt động giáo dục- đào tạo, xây dựng quỹ khuyến học, cấp học bổng cho học sinh, khen thưởng các thầy, cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục, khen thưởng các học sinh xuất sắc trong học tập và rèn luyện.

Với những thành tích đạt được trong công tác khuyến học, khuyến tài của quận trong 10 năm qua đã được các cấp ghi nhận: Hội Khuyến học quận đã nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND TP năm 2007, Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam năm 2011, Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam năm 2015. Mô hình trung tâm học tập cộng đồng phường Đức Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là mô hình hoạt động tiêu biểu, được các đơn vị trong và ngoài thành phố đến tham quan, học tập.

Trong thời gian tới, quận Long Biên đặt mục tiêu: Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của 14 Trung tâm học tập cộng đồng; trên 70% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; Hàng năm, tăng 20% số dòng học đạt danh hiệu “Dòng họ khuyến học”; Có từ 80-90% tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố học tập”; Có 90% trở lên phường được công nhận “Phường học tập”.

Để thực hiện mục tiêu trên, quận Long Biên sẽ tập trung xây dựng và củng cố tổ chức Hội Khuyến học từ cơ sở đến quận ngày càng vững mạnh. Đồng thời, vận động nhân dân hỗ trợ phát triển nhiều loại hình giáo dục và đào tạo gắn kết hệ thống giáo dục chính quy trong các nhà trường với hệ thống học tập ngoài xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xây dựng các mô hình để tạo điều kiện cho mọi người có hội được học tập trong các điều kiện khác nhau, trên các lĩnh vực khác nhau và học tập suốt đời.

Diệp Liên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *