Chương trình phát triển Văn hóa – Xã Hội

Phát triển văn hoá – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô,  xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 – 2015​

​PHẦN THỨ NHẤT

KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã có nhiều có gắng, nỗ lực đẩy mạnh phát triển văn hóa-xã hội, đạt được nhiều kết quả quan trọng, một số lĩnh vực có chuyển biến tiến bộ. Đời sống văn hóa của Thủ đô được nâng cao và có nhiều khởi sắc. Nhiều di sản văn hoá được bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị; hệ thống các thiết chế văn hoá được quan tâm đầu tư, xây dựng mới và hoạt động có hiệu quả. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị mới ra đời, cùng với hàng loạt hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh từ thành phố tới cơ sở, đã làm phong phú hơn đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội, góp phần quan trọng vào thành công của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô. Một số phong trào và cuộc vận động lớn như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, v.v… được triển khai sâu rộng, bằng nhiều hình thức phong phú, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia, thu được nhiều kết quả thiết thực.

Việc tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiều chính sách xã hội đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong đời sống nhân dân Thủ đô. An sinh xã hội được bảo đảm; Thành phố đã hoàn thành mục tiêu xóa hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2005 – 2010. Các mặt công tác khác, như: giải quyết việc làm, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách đối với người có công, người tàn tật và các đối tượng thuộc diện trợ cấp xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, … được quan tâm thực hiện tốt. Công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội được thực hiện quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư hiện đại; mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, không để vụ ngộ độc lớn nào xảy ra trên địa bàn Thành phố. Các chỉ tiêu dân số – kế hoạch hóa gia đình được bảo đảm.

Nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô tiếp tục được quan tâm xây dựng. Giáo dục, đào tạo có bước phát triển cả về quy mô, chất lượng, loại hình; công tác xã hội hóa được đẩy mạnh thực hiện; chính sách thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng thực hiện, đạt kết quả bước đầu; đầu tư của Thành phố cho giáo dục, đào tạo ngày một tăng. Hoạt động khoa học, công nghệ được đổi mới, đã hình thành cơ sở cho sự ra đời, phát triển của thị trường khoa học, công nghệ. Đội ngũ trí thức ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Việc ứng dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống đạt kết quả bước đầu, tạo được những sản phẩm khoa học có hàm lượng chất xám cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật của khoa học, công nghệ đã được xây dựng, hoàn thiện.

II. HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Hạn chế, khuyết điểm

Một số lĩnh vực phát triển văn hoá – xã hội có mặt còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của Thủ đô. Hiệu quả đầu tư cho văn hóa – xã hội chưa cao, công tác xã hội hóa các nguồn lực phục vụ phát triển văn hóa – xã hội còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ cao còn thiếu. Cơ chế sử dụng, đào tạo, đãi ngộ còn chưa theo kịp những biến đổi của đời sống. Chất lượng một số công trình nghiên cứu, hoạt động văn hoá, nghệ thuật chưa cao.

Khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn còn lớn. Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các khu vực còn cao; việc giáo dục đạo đức, nếp sống, nhân cách cho học sinh, sinh viên còn nhiều bất cập về định hướng, nội dung và phương thức, đặc biệt là trong việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở một số ngành, nghề giảm sút, hiệu quả thấp, ít gắn với thực tiễn cuộc sống, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động qua đào tạo đã được xác lập nhưng phát triển chưa bền vững. Cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Tình trạng xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận nhân dân, nhất là trong giới trẻ là rất đáng báo động; nhận thức và hành động của một bộ phận học sinh, sinh viên về ý thức trách nhiệm trước xã hội còn chuyển biến chậm.

Tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp. Cá biệt, một số ít cán bộ lãnh đạo và quản lý chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nên thiếu sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể.

2. Nguyên nhân

Những hạn, khuyết điểm chế trên do một số nguyên nhân chính sau: Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa cao, thiếu năng động, quyết liệt, vẫn còn tình trạng lãnh đạo theo kiểu mùa vụ, phong trào, chưa theo kịp yêu cầu và chỉ đạo của Thành phố. Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thường xuyên; việc xác định và xử lý trách nhiệm thiếu kiên quyết.

Cơ chế đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển toàn diện Thủ đô còn thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; chính sách khen, thưởng, kỷ luật chưa kịp thời; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thật sự hiệu quả, còn có biểu hiện né tránh trách nhiệm. Đạo đức nghề nghiệp, năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ý thức trách nhiệm công dân của một bộ phận dân cư với xã hội còn nhiều hạn chế…

PHẦN THỨ HAI

MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

I. KHÁI QUÁT DỰ BÁO TÌNH HÌNH GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2015

Trong 5 năm tới, công tác phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh sẽ chịu ảnh hưởng và tác động của những điều kiện thuận lợi và khó khăn cơ bản sau:

1. Về thuận lợi

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho quá trình giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa – xã hội. Việc tiếp cận những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại và chuyển giao công nghệ vừa kích thích đổi mới, phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ ở các doanh nghiệp, vừa tạo ra sự cạnh tranh về kinh tế và khoa học, công nghệ.

Việc mở rộng các quan hệ giáo dục quốc tế, hợp tác lao động đã góp phần thay đổi nhận thức ngành nghề và tăng cường đáng kể lực lượng lao động được đào tạo chất lượng cao. Truyền thống văn hiến 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; thành tựu của 25 năm đổi mới; truyền thống đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng bộ Thành phố cũng là những nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển toàn diện của Thủ đô trong giai đoạn 5 năm tới.

2. Về khó khăn

Sù phát triển văn hoá – xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tuy phong phú, đa dạng và năng động nhưng tiềm ẩn nhiều phức tạp khó lường. Bên cạnh những kết quả tích cực, mặt trái của cơ chế thị trường cũng tác động sâu sắc đến từng gia đình, đến các quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng, làm nảy sinh nhiều biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội, trong khi sự đổi mới về công tác quản lý và tổ chức hoạt động văn hoá – xã hội chưa thích ứng kịp thời. Đồng thời, quá trình đô thị hóa làm cho kết cấu dân cư thay đổi, dẫn đến những thay đổi về nếp sống, lối sống, giá trị sống.

Nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao, hội nhập quốc tế về giáo dục ngày càng lớn và đa dạng. Dự báo, cơ cấu lao động Thủ đô trong 5 năm tới (2011- 2015) sẽ thay đổi nhanh giữa các ngành nghề theo hướng công nghiệp hóa, chuyên môn hóa. Số nhân lực bước vào độ tuổi lao động tăng nhanh, lao động ngoại tỉnh vào Hà Nội khoảng 100 nghìn người/năm; yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có tay nghề cao, sẽ ngày càng lớn và đa dạng; nguy cơ mất việc làm tăng (bình quân hàng năm có khoảng 200-220 nghìn lao động mất hoặc thiếu việc làm) sẽ là những yêu cầu và thách thức lớn đối với công tác lao động, việc làm và đào tạo nghề trong những năm tới.

Quá trình đô thị hóa và phát triển về kinh tế với tốc độ cao cũng làm nảy sinh các tệ nạn xã hội mới, phức tạp hơn. Thiên tai, dịch bệnh, những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến khó lường; mô hình bệnh tật thay đổi theo chiều hướng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, nội tiết,…); tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… sẽ là những khó khăn, thách thức không nhỏ; thậm chí nếu không chủ động có biện pháp ứng phó sẽ trở thành nguy cơ đối với quá trình phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của Thủ đô trong những năm tới.

II.  MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CƠ BẢN ĐẾN 2015

1. Mục tiêu cơ bản

1.1. Phát triển văn hóa xã hội

– Phát triển văn hóa Thủ đô thực sự xứng tầm là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu đi đầu cả nước theo hướng hiện đại, hội nhập với quốc tế trên cơ sở kế thừa truyền thống ngàn năm văn hiến của Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình;  tạo một bước chuyển căn bản về nếp sống văn minh đô thị của người Hà Nội, được biểu hiện bằng các quan hệ ứng xử, giao tiếp ở những nơi công cộng, trong văn hóa giao thông, quản lý văn hóa đô thị; bảo đảm có đủ hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở để phục vụ nhu cầu của nhân dân Thủ đô.

– Xây dựng môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, tạo tiền đề cho con người phát triển toàn diện; thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh; nâng cao hiệu quả các chính sách xã hội, chính sách đối với người có công, gia đình chính sách; tăng cường tính cạnh tranh và bình đẳng trong thị trường lao động, hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả việc cải thiện đời sống dân sinh phù hợp với lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Kiểm soát và xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố; kiềm chế, giảm mạnh tỷ lệ lây nhiễm HIV, các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích trong cộng đồng; phát huy hiệu quả mạng lưới quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa y tế từ nguồn ngân sách nhà nước, kết hợp với xã hội hóa.

– Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ Thủ đô, từng bước đưa khoa học công nghệ tiếp cận trình độ tiên tiến ở khu vực, phấn đấu trở thành trung tâm hàng đầu của đất nước. Thu hút mọi nguồn lực xã hội, phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức trên địa bàn Thành phố cho phát triển khoa học, công nghệ; tạo sự chuyển biến về chất cơ cấu kinh tế dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, gắn với xây dựng kinh tế tri thức của Thủ đô.

1.2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô

– Cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; coi đầu tư cho nhân lực là động lực để tạo ra sự đột phá  trong phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô; chú trọng phát triển, đào tạo, thu hút, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, trí thức trẻ, các văn nghệ sỹ tài năng, tâm huyết, lao động lành nghề và cán bộ khoa học đầu ngành. Tăng nhanh tỷ lệ được đào tạo nghề trong lực lượng lao động phổ thông.

– Phấn đấu để giáo dục – đào tạo Thủ đô giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế về việc thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Thu hút mọi nguồn lực xã hội và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức để xây dựng xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém trong giáo dục – đào tạo.

1.3. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Tạo sự chuyển biến thực sự trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh bằng những phong trào xã hội, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; phấn đấu thực hiện các tiêu chí “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, những quy định trong xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị văn hoá; tạo chuyển biến căn bản trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở, cách giao tiếp ở nơi công cộng. Phấn đấu để mỗi công dân sống trên địa bàn Thủ đô đều trở thành những công dân tiêu biểu.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2015, thực hiện tốt một số chỉ tiêu cơ bản sau:

– 85% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hoá;

– 55% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hoá;

– 65% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hoá;

– 60% đơn vị được công nhận và giữ vững danh hiệu Đơn vị văn hoá;

– 50-55% trường học công lập đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia;

– 90% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương;

– Mỗi quận, huyện đều có các trường mầm non, tiểu học chất lượng cao;

– Toàn Thành phố có 8 – 10 trường THCS, THPT; 5 – 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao theo hướng tiếp cận mô hình giáo dục tiên tiến của thế giới;

– 140 – 145 nghìn người được giải quyết việc làm mới hàng năm;

– 55% lao động qua đào tạo;

– Giảm hộ nghèo bình quân 1,5 – 1,8% /năm (theo chuẩn nghèo mới);

– 100%  xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế;

– 20 giường bệnh/vạn dân;

– 12,5 bác sỹ/vạn dân;

– Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 10%;

– Hoàn thành xây dựng Bệnh viện đa khoa 1000 giường tại huyện Mê Linh, đồng thời xây dựng một số trung tâm chữa bệnh chất lượng cao ở một số quận, huyện và khu vực;

– Xây dựng một số dự án về bảo tồn làng cổ; di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; di sản văn hoá thế giới; di sản tư liệu thế giới. Hoàn thành quy hoạch bảo tồn khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1.  Phát triển văn hoá, xã hội

1.1. Đổi mới phương thức tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, phục vụ tốt các nhiệm vụ của nhà nước và các tổ chức quốc tế trên địa bàn; xây dựng đề án công tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Thành phố giai đoạn 2011 – 2015.

1.2. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hiện có, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng văn hóa, xã hội. Hoàn thành việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá từ Thành phố tới cơ sở; xây dựng các công trình văn hóa mới tương xứng với phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Gắn quy hoạch phát triển các thiết chế văn hóa với quy hoạch phát triển đô thị.

1.3. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hoá tiêu biểu của Thủ đô; phục hồi, phát huy có chọn lọc các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu, một số lễ hội truyền thống, các loại hình văn hoá, văn nghệ dân gian. Hoàn thành dự án điều tra, thống kê phân loại, đánh giá hệ thống di sản Thủ đô. Xây dựng cơ chế tạo nguồn lực phục vụ tôn tạo, tu bổ hệ thống di tích đang xuống cấp. Xây dựng và triển khai đề án tổng kiểm kê khoa học văn hóa phi vật thể Hà Nội, đề cử danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Xây dựng một số dự án bảo tồn, tôn tạo di sản tiêu biểu, như: Làng cổ Đông Ngạc (Từ Liêm); phát huy hiệu quả giá trị “Không gian lễ hội Gióng” (Gia Lâm, Sóc Sơn), khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, 82 bia đá Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử Giám, khu di tích Cổ Loa, làng Việt cổ Đường Lâm (Sơn Tây) để phục vụ du lịch và đời sống dân sinh.

1.4. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các công trình văn hóa; sản phẩm văn hóa được đầu tư dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Phát triển văn học, nghệ thuật, khuyến khích sáng tạo những giá trị mới, những tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn có giá trị; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức văn học, nghệ thuật, có kế hoạch bồi dưỡng, thu hút tài năng trẻ. Đầu tư theo chiều sâu, nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động biểu diễn của các nhà hát và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Xây dựng một số công trình biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu. Hoàn thành Nhà hát Thăng Long. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động biểu diễn và nâng cao chất lượng đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn, đào tạo tài năng nghệ thuật ở trong nước và ngoài nước.

1.5. Xây dựng cơ chế phối hợp của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Đổi mới nội dung hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, có tác dụng thiết thực, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào thi đua ” Người tốt – Việc tốt”.

1.6. Xây dựng nền thể dục, thể thao Thủ đô tiên tiến. Quan tâm phát triển thể dục, thể thao quần chúng cả về quy mô và chất lượng; chú trọng phát triển thể thao thành tích cao, trong đó đặc biệt quan tâm công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo huấn luyện viên và vận động viên trẻ có tài năng; đẩy mạnh công tác xã hội hoá thể dục, thể thao bằng những chính sách cụ thể. Đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục thể chất ở các trường học; chú trọng quy hoạch, xây dựng các trung tâm văn hóa, thể thao ở cấp thành phố, các quận, huyện và các điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao ở các khu dân cư, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thể lực của nhân dân. Thành lập Ban trù bị chuẩn bị thực hiện các nhiệm vụ cho việc đăng cai ASIAD 18 tại Hà Nội, triển khai Chiến lược thể thao thành tích cao giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030.

1.7. Tăng cường giao lưu và hợp tác về văn hoá, du lịch nhằm quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu các thành tựu văn hoá, nghệ thuật, sản phẩm du lịch của Thủ đô với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng đề án quảng bá hình ảnh Hà Nội ra nước ngoài để phục vụ công tác hợp tác văn hóa và quảng bá du lịch.

1.8. Bảo đảm an sinh xã hội tiến bộ và công bằng; thực hiện tốt chính sách xã hội, chính sách với người có công, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chủ động kiểm soát và xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố; kiềm chế, giảm mạnh tỷ lệ lây nhiễm HIV, các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích trong cộng đồng; phát huy hiệu quả mạng lưới quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa y tế từ nguồn ngân sách nhà nước, kết hợp với xã hội hóa, triển khai có hiệu quả công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; mở rộng triển khai việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ béo phì và bảo đảm các tiêu chí đánh giá thể lực, tầm vóc của thanh niên Thủ đô.

Hoàn thành và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030; hiện đại hóa các bệnh viện khu vực nội đô, đồng thời đầu tư nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, tuyến khu vực; phát triển một số cụm, trung tâm y tế chuyên sâu, bệnh viện tầm cỡ khu vực và quốc tế, như: Bệnh viện 1000 giường bệnh tại Mê Linh, Bệnh viện Nhi Hà Nội, bệnh viện Xanh Pôn cơ sở 2, bệnh viên đa khoa Hà Đông, bệnh viên đa khoa Sơn Tây, bệnh viện Tim và một số bệnh viện ngoài công lập; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển sự nghiệp y tế.

1.9. Triển khai có hiệu quả thị trường lao động, đẩy mạnh giải quyết việc làm, đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững. Phát triển sàn giao dịch việc làm. Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

1.10. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; nâng cao chất lượng quản lý, giáo dục, chữa trị tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội của Thành phố. Quan tâm tạo việc làm cho đối tượng sau cai nghiện và gái mại dâm đã được giáo dục; nhân rộng mô hình xã, phường, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học không tệ nạn xã hội.

1.11. Gắn mục tiêu, nhiệm vụ khoa học, công nghệ với phát triển kinh tế, xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển kinh tế, xã hội gắn với kinh tế tri thức. Xây dựng môi trường pháp lý, đổi mới công tác tổ chức, quản lý khoa học công nghệ; hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả tiềm lực khoa học, công nghệ thông qua việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng khoa học, công nghệ, như: Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên; trung tâm công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm; trung tâm nghiên cứu dịch vụ chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ; dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng.

1.12. Hoàn thành cơ chế chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa,  xã hội; hoàn thành các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030.

2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô

2.1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị, trách nhiệm công dân, ý thức, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

2.2. Tăng cường đầu tư các nguồn lực nhằm quy hoạch, đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp.

– Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và sự phát triển của các lĩnh vực, các ngành, nghề trong xã hội. Xây dựng các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, nghề, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển nền kinh tế tri thức.

– Quan tâm củng cố, kiện toàn công tác tổ chức và bộ máy cán bộ. Tập trung đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, cán bộ trong diện quy hoạch. Tạo cơ chế, chính sách, điều kiện cho đội ngũ này được cống hiến, phát huy năng lực sáng tạo; có chế độ bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tạo cơ hội nâng cao kỹ năng thực hành, gắn với thực tiễn.

2.3. Xây dựng các cơ chế, chính sách về đào tạo, đãi ngộ, tuyển dụng và sử dụng đội ngũ trí thức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn Thành phố, Việt kiều và chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; khoa học và công nghệ; y tế; thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

2.4. Triển khai chủ trương đổi mới giáo dục toàn diện theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng trên tất cả các lĩnh vực: Nội dung, chương trình, giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, cơ chế nhằm tạo tiền đề cho sự đổi mới. Đầu năm 2015, Hà Nội chuẩn bị xong các điều kiện để đổi mới căn bản hệ thống giáo dục phổ thông ở tất cả các bậc học, các loại hình theo hướng: Khoa học, hiện đại, hội nhập, phù hợp với bản sắc và đặc điểm của dân tộc. Xây dựng các giải pháp đồng bộ nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục của các cấp học, ngành học và giữa các quận, huyện, thị xã trong Thành phố.

2.5. Quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục phổ thông

– Hoàn thành xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, quy hoạch mạng lưới trường học Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Xây dựng kế hoạch đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng về cơ chế, chính sách, bảo đảm quỹ đất cho giáo dục, đào tạo, đầu tư đồng bộ, chuẩn hóa từng bước hiện đại; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu: 100% xã phường, các khu đô thị mới, khu đông dân cư có từ 1 đến 2 trường công lập ở tất cả các cấp học (mầm non, tiểu học, THCS). Xây dựng một số trường hoạt động theo phương thức cung ứng dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao theo yêu cầu phát triển kinh tế Thủ đô. Quan tâm công tác quản lý giáo dục, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong giáo dục, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất đối với chương trình giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.

– Đổi mới cơ chế quản lý, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên; phương pháp, nội dung dạy và học; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; thực hiện phân luồng đào tạo ngay từ phổ thông cơ sở đối với lực lượng lao động tiềm năng, tăng tỷ lệ học sinh phổ thông được phân luồng học nghề; nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố, nhất là các cơ sở đào tạo nghề công lập (cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề). Chú trọng hướng nghiệp, phát triển đào tạo dạy nghề. Có chính sách đầu tư thỏa đáng về trang bị cơ sở vật chất dạy nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Quy hoạch phát triển đồng bộ và thống nhất mạng lưới cơ sở đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu xã hội.

2.6. Quy hoạch, xây dựng đồng bộ mạng lưới các cơ sở dạy nghề của Thành phố; rà soát đội ngũ lao động; xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên môn, công nhân kỹ thuật tay nghề cao, người lao động lành nghề… Chú trọng công tác đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho nông dân, đặc biệt đối với đối tượng diện thu hồi đất, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Chủ động tranh thủ sự giúp đỡ và phối hợp với các cơ sở đào tạo của Trung ương; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Xây dựng cơ chế và hỗ trợ việc liên kết các viện, các trường đào tạo và doanh nghiệp lớn trong đào tạo, sử dụng lao động kỹ thuật. Thực hiện cơ chế liên kết để tận dụng cơ sở vật chất và nguồn lực xã hội phục vụ công tác đào tạo nghề.

3. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

3.1. Định hướng và khẳng định các giá trị văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, quan hệ xã hội giàu tính nhân văn giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng; thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tôn trọng kỷ cương, pháp luật; có nếp sống, hành vi, ứng xử văn hóa tạo thành phong trào mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân.

3.2. Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống văn hóa và con người Thủ đô.

3.3. Triển khai sâu rộng việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong các cấp, các ngành; ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội làm nòng cốt đi đầu thực hiện nếp sống văn hóa và vận động gia đình gương mẫu thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Gắn các hoạt động phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người tốt – Việc tốt”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và phong trào xây dựng nông thôn mới. Ban hành quy định về việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội trong toàn Thành phố. Đưa công tác lãnh đạo quản lý các hoạt động này vào nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp.

4. Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện

4.1. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội. Tăng cường phân cấp về công tác quản lý văn hóa, xã hội, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hoá; rà soát, bổ sung các văn bản quy định về cơ chế, chính sách văn hoá, các quy chế quản lý hoạt động văn hoá phù hợp với yêu cầu mới trên địa bàn Thành phố.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo hướng: Cụ thể hoá từng nội dung, xây dựng các kế hoạch thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể; có giải pháp tổ chức triển khai từng nội dung của chương trình; có cơ quan điều hành và phối hợp giữa các phần của chương trình một cách đồng bộ; tạo hành lang pháp lý để bảo đảm phát triển văn hoá, xã hội theo đúng định hướng, tạo cơ sở vững chắc cho nền tảng tinh thần xã hội.

4.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chương trình để nâng cao nhận thức về tiếp tục xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cải thiện đời sống xã hội đến tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp của Thành phố và người dân. Tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô nhận thức và hành động theo các tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

4.3. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, trong đó chú trọng cơ chế và kinh phí cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là những đối tượng đặc thù, như: Các nhà khoa học, văn nghệ sỹ, vận động viên…Tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư kinh phí của Thành phố từ 3 – 5% ngân sách hàng năm cho phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

PHẦN THỨ BA

CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Ban Thường vụ Thành uỷ

Chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp của Thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình. Chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Chương trình đến các tổ chức đảng và cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Hàng năm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình ở các tổ chức đảng trực thuộc, cơ quan, đơn vị trong thành phố; tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chương trình và tổng kết Chương trình vào năm 2015.

2. Ban Chỉ đạo chương trình

Tham mưu giúp Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng kế hoạch  tổ chức thực hiện Chương trình. Hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình ở các cấp ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội Thành phố; định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Chương trình với Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ.

3. Đảng Đoàn HĐND Thành phố

Chỉ đạo cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình thông qua Nghị quyết của HĐND; bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch giám sát các cơ quan, đơn vị của Thành phố thực hiện Chương trình.

4. Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố

Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình, hàng năm cụ thể hoá thành các đề án, dự án đầu tư, chủ động đề xuất cơ chế chính sách bảo đảm thực hiện Chương trình có kết quả. Định kỳ kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành trong Thành phố. Sơ kết, tổng kết, đánh giá thực hiện Chương trình theo kế hoạch, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

5. Các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình, phối hợp hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc chỉ đạo thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành, định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Thành ủy.

6. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Thành phố

Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình đạt kết quả cao. Tổ chức tuyên truyền, vận động thực hiện trong các thành viên Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt duy trì và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tổng hợp tình hình thực tiễn và các ý kiến phản ánh của nhân dân đề xuất với Thành uỷ, UBND Thành phố để có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời trong quá trình thực hiện.

7. Các sở, ban, ngành Thành phố và các cấp ủy trực thuộc Thành ủy

Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình. Lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố và các cấp ủy trực thuộc Thành ủy, cấp ủy các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Thành uỷ, UBND Thành phố về việc triển khai thực hiện Chương trình. Định kỳ 6 tháng và cuối năm, tiến hành kiểm tra, đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

II. LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

*Năm 2011: Quán triệt và xây dựng kế hoạch, nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện một số đề án, chuyên đề của Chương trình.

– Ban Thường vụ Thành uỷ chỉ đạo các cấp ủy tổ chức phổ biến, quán triệt Chương trình tới các tổ chức đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên (tháng 11/2011).

– Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố xây dựng kế hoạch và hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình (tháng 11/2011).

– Các tổ chức Đảng trực thuộc Thành uỷ xây dựng kế hoạch từng năm và giai đoạn năm 2011-2015, hướng dẫn thực hiện ở các cấp mình (tháng 11 và 12/2011).

– Ban Chỉ đạo Chương trình hướng dẫn các đảng bộ trực thuộc, các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố tiến hành rà soát các đề án, kế hoạch có liên quan đến “Phát triển văn hoá – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; đồng thời khảo sát, nghiên cứu, xây dựng một số đề án, kế hoạch mới nhằm cụ thể hoá nội dung và tổ chức thực hiện Chương trình.

*Năm 2012-2015: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chương trình, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình toàn khoá.

– Hàng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành uỷ chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị tổ chức thực hiện Chương trình.

– Sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình trong năm và dự kiến kế hoạch tiếp tục thực hiện năm sau.

– Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình; tiến hành tổng kết việc thực hiện Chương trình trong toàn khoá./.

T/M THÀNH ỦY

BÍ THƯ

 

Đã ký

Phạm Quang Nghị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *