Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, quận Nam Từ Liêm đã thường xuyên quan tâm thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có 71 di tích lịch sử, trong đó có 33 di tích cấp quốc gia, 15 di tích cấp thành phố và 23 di tích chưa xếp hạng. Ngoài ra trên địa bàn quận còn có 13 di tích cách mạng kháng chiến gồm 6 di tích đã gắn biển và 7 di tích chưa gắn biển.
Lễ hội đình làng Đại Mỗ.
Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, quận Nam Từ Liêm đã thường xuyên quan tâm thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan. Phòng Văn hóa thông tin có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý di tích, phối hợp chặt chẽ với các phường, các phòng ban chức năng tổ chức kiểm tra, giải quyết đơn thư kiến nghị của nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy tác dụng di tích lịch sử văn hóa tại địa phương; thường xuyên kiểm tra hoạt động bảo vệ di tích của các tiểu ban quản lý di tích tại cơ sở, để kịp thời hướng dẫn xử lý các vấn đề liên quan, hạn chế những sai phạm trong công tác quản lý di tích tại địa phương.; tổ chức hội nghị triển khai thực hiện “ Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Hằng năm, trên địa bàn quận thường có trên 20 lễ hội được tổ chức. Đây là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lớn của nhân dân và thường diễn ra vào tháng Giêng và tháng 2 âm lịch. Để các hoạt động lễ hội diễn ra đảm bảo đúng quy định, hằng năm , Phòng Văn hóa thông tin quận đều có hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở tổ chức lễ hội truyền thống. Qua thực tế cho thấy, các lễ hội đều được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, khôi phục và phát huy được nhiều trò chơi dân gian truyền thống, không để xảy ra các hiện tượng mê tín, dị đoan, tệ nạn xã hội, bán văn hóa phẩm ngoài luồng, không vi phạm quy chế lễ hội và bảo vệ di tích lịch sử văn hóa trong lễ hội. Năm 2017, quận đã tổ chức thành công “Liên hoan du lịch nghề truyền thống quận Nam Từ Liêm năm 2017” với sự tham gia của gần 200 gian hàng thuộc các tổ chức hiệp hội làng nghề; Hội nghệ nhân, thợ giỏi thành phố và các tỉnh thành. Thời gian qua, quận cũng tích cực xây dựng hoàn thiện hồ sơ để xếp hạng di tích. Năm 2017, 3 di tích của quận đã được UBND thành phố xếp hạng. Các di tích cách mạng, kháng chiến cũng được sự quan tâm thích đáng, vừa qua, quận đã có văn bản đề nghị UBND thành phố ra quyết định và hoàn thiện hồ sơ đề xuất công nhận đối với 3 di tích Cách mạng kháng chiến, gồm: Trận địa pháo Giếng Đồng Sung (phường Mễ Trì); Nơi đóng quân của Tổng trạm thông tin liên lạc Bộ tư lệnh pháo binh – chùa Thiên Trúc (phường Mễ Trì); chùa Phùng Khoang ( phường Trung Văn). Để chống xuống cấp, quận cũng tích cực triển khai công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Quận đã đề xuất thành phố tu bổ 3 di tích phục vụ xây dựng kế hoạch bảo tồn, chống xuống cấp, phát huy giá trị các di tích kết hợp với phát triển du lịch giai đoạn 2017 – 2020, gồm: chùa Thị Cấm, đình Thị Cấm, đình Phú Thứ, chùa Thiên Khánh , chùa Đại Bi; thống nhất 8 báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án tu bổ, tôn tạo di tích gồm: chùa Thiên Phúc, đình Tây Mỗ, đình Miêu Nha, chùa Tây Mỗ, chùa Trùng Quang, Cụm di tích lưu niệm dòng họ Nguyễn Quý, chùa Tân Thành, Văn chỉ Miêu Nha. Ngoài ra, quận còn làm tốt công tác kiểm kê hiện vật tại các di tích, mới đây nhất đã hoàn thành việc kiểm kê tại 3 di tích chùa Thiên Khánh, đền Am và Nhà thờ họ Nguyễn Quý.
Thời gian tới quận Nam Từ Liêm đẩy mạnh tổng kiểm kê các công trình di tích lịch sử, thống kê hiện trạng sử dụng đất tại các di tích, khoanh vùng, cấp sổ đỏ đối với các công trình di tích; tiếp tục công tác giám định cổ vật tại các di tích tiêu biểu; phối hợp với Viện nghiên cứu Hán Nôm triển khai dập, dịch các tư liệu Hán Nôm gồm: sắc phong, thần phả, văn bia, hoành phi, câu đối… tại tất cả các di tích.
Đình Bảo
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm