Quán Trứng nằm trong quần thể di tích lịch sử, văn hóa (đình, đền, chùa, quán, miếu) thôn Lại Thượng, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Quán Trứng là nơi an ngự của hai vị Thành hoàng làng có công hộ quốc, an dân. Bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, hiện nay quán Trứng được xây dựng khang trang, có cảnh quan đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân.
Thôn Lại Thượng tổ chức Giao lưu văn nghệ chào mừng khánh thành quán Trứng, kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Quốc tế Lao động 1/5
Tên gọi quán Trứng xuất phát từ thần tích, ngày xưa có cô gái Châu Nương – con vị quan ở phủ Quốc Oai, trong một lần đi hái dâu bên bờ sông Tích bị con giao long quấn chặt, về Châu Nương có thai. Vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (Hùng Vương thứ XVIII), Châu Nương trở dạ và sinh ra bọc có hai quả trứng. Cha mẹ Châu Nương sợ quá bèn mang bọc trứng ném xuống sông Tích, bọc trứng trôi ngược mãi đến địa phận làng Hạnh Đàn (Lại Thượng ngày nay) thì dạt vào một gò đất. Dân làng nhặt bọc trứng và đặt lên gò đất ở đầu làng bên cạnh sông Tích. Đến ngày 10 tháng Giêng bỗng có hai tiếng nổ vang như sấm, cả làng kéo nhau ra xem thì thấy hai cậu bé “mặt rồng, mắt phượng, tầm thước khác thường” được sinh ra từ hai quả trứng. Dân làng Hạnh Đàn làm tấu tâu vua. Hùng Duệ Vương sai mang loan giá đến rước hai cậu bé về cung chăm sóc, đặt tên là Á Công và Thành Công.
Nghi lễ dâng hương khánh thành quán Trứng
Năm 15 tuổi, Á Công và Thành Công cùng quân sĩ ra trận đánh giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi nước Văn Lang. Dẹp giặc xong, 2 ngài đưa quân về hóa ở sông Hướng, thuộc địa phận Châu Ái, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa. Vùng đất nơi bọc trứng dạt vào ở Hạnh Đàn (Lại Thượng) nay gọi là Đồng Nổi.
Nghĩ đến công lao của 2 ngài, Hùng Duệ Vương truyền cho dân làng Hạnh Đàn lập miếu thờ. Miếu thờ được lập nơi gò đất mà 2 ngài sinh ra từ quả trứng nên gọi là quán Trứng. Vua cũng ban mỹ tự, phong Thánh cho 2 ngài làm Thành hoàng làng là “Châu Á Đại Vương gia phong uy linh hiển hách tứ tự” và “Châu Thành Đại Vương gia phong minh mẫn linh thông tứ tự”. 2 ngài được dân làng thờ phụng ở cả đình cũng như quán Trứng. Tục thờ cúng Thành hoàng làng có 3 ngày chính: Mùng 6 tháng Giêng – ngày sinh ra bọc trứng; 10 tháng Giêng – ngày 2 ngài sinh ra; 10 tháng Bảy – ngày hóa của 2 ngài. Trước kia lễ hội đình và quán Trứng làng Hạnh Đàn kéo dài từ mùng 6 đến 10 Giêng (mùng 6 rước về đình, mùng 10 rước trả về quán Trứng); đến nay chỉ rút gọn trong 2 ngày (mùng 5 và 6 tháng Giêng).
Quán Trứng tồn tại đến năm 1949 thì được tháo dỡ cùng với đình làng theo chủ trương công thổ kháng chiến. Gò đất nơi làm quán Trứng trước đây được lấy đất đắp đê. Năm 1993, Nhân dân thôn Lại Thượng phục dựng lại đình làng và quán Trứng để sinh hoạt tín ngưỡng. Do điều kiện kinh tế lúc bấy giờ khó khăn, quán Trứng chỉ được làm tạm với 4 cột điện, một tấm bê tông. Năm 2016, tận dụng đất san ruộng khi dồn điền đổi thửa, lãnh đạo thôn Lại Thượng đã huy động đổ đất tôn nền, xây bờ kè đá hộc, đổ đường bê tông vào quán. Hàng năm, quán Trứng phục vụ nghi lễ rước nước và các hoạt động tâm linh truyền thống của cư dân địa phương.
Cắt băng khánh thành quán Trứng
Các đại biểu và đông đảo bà con Nhân dân thôn Lại Thượng dự Lễ khánh thành
Năm 2023, tại Hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thôn Lại Thượng nhất trí vận động toàn dân ủng hộ kinh phí xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo quán Trứng. Thôn thành lập Ban vận động công đức, Ban quản lý xây dựng quán Trứng. Công tác khảo sát, thiết kế do kiến trúc sư người Lại Thượng thực hiện miễn phí. Quá trình xây dựng quán Trứng chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (Xây kè, đổ đất, xây bậc xuống sông lấy nước); giai đoạn 2 (Xây, hoàn thiện quán Trứng và khuôn viên).
Để có nguồn lực đầu tư cho công trình là nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các doanh nghiệp thi công trên địa bàn, đặc biệt là sự đồng thuận và mang tâm công đức của toàn thể Nhân dân. Đã có 542 tập thể, cá nhân ủng hộ tiền mặt, hiện vật xây dựng quán Trứng; tổng đầu tư công trình trị giá trên 720 triệu đồng. Quán Trứng được tu bổ, tôn tạo giúp thôn Lại Thượng tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị di tích; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ; nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh trong Nhân dân; thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Nhân ngày lành, tháng tốt, cán bộ và Nhân dân thôn Lại Thượng tổ chức khánh thành quán Trứng trong niềm hoan hỉ, cầu mong 2 vị Thành hoàng phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; che chở cho dân làng bình an, hạnh phúc, cháu con hiển đạt./.
Thảo Nhi