Lễ hội

Quốc Oai: Lễ hội truyền thống thôn Liên Trì Đồng Sơn

Trong 3 ngày từ 26 đến 28/11 ( tức 26 đến 28/10 Âm lịch), cán bộ và nhân dân thôn Liên Trì Đồng Sơn (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai) long trọng tổ chức lễ hội truyền thống.

Thôn Liên Trì Đồng Sơn có 2 đình làng đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Theo thần phả ghi lại, đình Đồng Sơn thờ Ngọc Nương công chúa đạt Lễ đại tướng quân quan, người có công giúp triều đình đánh thắng giặc, được vua phong phẩm tước nhưng bà không nhận mà chỉ xin đi du sơn du thủy và đã dựng cung tại Đồng Sơn trang tức thôn Đồng Sơn ngày nay. Sau khi bà hóa được nhà vua phong cho linh hiệu ở Đồng Sơn, nhân dân lập miếu thờ phụng. Bà được xét sắc phong phẩm trật là Dực Bảo Trung Hưng Linh phù Tôn Thần vào ngày 25/7 năm Khải Định 9 (1924).

Đền Lốt thờ tam vị Đại vương thời Hùng Vương và Nhà Bà là công chúa Liên Hoa. Tam vị Đại vương có tên là Triều Lang, Thần Lang và Gia Lang là con, cháu vua Hùng Vương – Hùng Chiếu Công, làm quan huyện An Sơn và bà Nguyễn Kim Nương, người thôn Vĩnh Phúc – Liệp Tuyết. Ông bà lấy nhau mười năm có thai, vào ngày 12 tháng 5 năm Nhâm Thìn bà sinh ra một bọc, nở ra 3 người con trai, đều có hình dung khác lạ. Lúc đương sinh, khí lành tỏa ra thơm phức. Ba anh em bẩm tính thông minh nên chỉ học vài năm đã thấu triệt văn chương, tỏ tường nho học, võ bị tinh thông. Khi giặc Ân xâm lược, 3 anh em được giao đi chiêu mộ người tài và đã đánh thắng giặc Ân. Sau khi đánh thắng giặc Ân, 3 ông về ở trại Đại Phu và Vĩnh Phúc, dạy dân trồng cấy, làm ăn. Sau khi hóa tại suối Mao Kê ở núi Tản Viên, ba ngài được vua sắc phong và được nhân dân thờ phụng đến ngày nay.

Công chúa Liên Hoa là con của Đinh Bộ Lĩnh và vợ là Đặng Thị, có công hộ tống dẹp yên 12 sứ quân tại thành Quèn. Sau đó, công chúa Liên Hoa xin vua cha cho đến ở đất Trâm Nhị – vùng đất bà đã cầu đảo giúp cha đánh dẹp sứ quân. Nhân dân Trâm Nhị yêu quý mà tôn kính gọi bà là Đức Vua Bà. Công chúa tự hóa vào ngày mồng 4 tháng 5. Nhân dân Trâm Nhị nhớ công đức của bà mà lập đền thờ, viết thần hiệu là Đức Vua Bà Liên Nương Công chúa để phụng thờ. Các vị thần được thờ tại đền Lốt đều là những vị có nhiều công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm, phù trợ cho đời sống của nhân dân.

Bên cạnh đó, đền Lốt còn là di tích cách mạng khi nơi đây đã từng là sở chỉ huy trong trận đánh phối hợp giữ du kích, nhân dân và bộ đội chủ lực do Liên khu ủy điều về đóng quân tại địa phương bắc cầu phao qua sông Tích tại bến đò Bét làm nên chiến công “Hàm Rồng quật khởi” (3/1951) và góp phần vào chiến công “Thông Đạt oai hùng” (3/1954).

Lễ hội truyền thống thôn Liên Trì Đồng Sơn được tổ chức hàng năm thường kéo dài 3 ngày. Phần lễ gồm tế, lễ, rước kiệu; phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã tạo được không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân. Lễ hội đã gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại và góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình để người dân nơi đây vui chơi, nghỉ ngơi sau những ngày tháng lao động vất vả.

Thành Hưng

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *