Lễ kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam và ra mắt Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 12 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2016), Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam và Lễ ra mắt Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia có sự phong phú về mặt số lượng, sự đa dạng về mặt loại hình di sản văn hóa bao gồm cả vật thể và phi vật thể. Nói riêng về di sản văn hóa phi vật thể, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bên cạnh đó còn có 161 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang được nhân dân lưu giữ, trao truyền.
Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức nhanh chóng, mạnh mẽ, nhất là khi cộng đồng chung ASEAN đã được thành lập, việc xúc tiến giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của nước ta đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức. Song nhìn chung, đây là thời điểm thích hợp để nước ta tăng cường hoạt động xúc tiến giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể ra thế giới.
Do đó, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã phối hợp cùng Quỹ Văn hóa Hà Nội thúc đẩy việc thành lập Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam nhằm xúc tiến các hoạt động quảng bá văn hóa phi vật thể, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa Việt Nam và các nước, đáp ứng nhu cầu cao của xã hội về việc giao lưu hội nhập giữa các quốc gia, các vùng văn hóa.
Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được định hướng hoạt động thuộc 4 lĩnh vực: Nghiên cứu, tổ chức các hoạt động nghiên cứu; Truyền thông; Tổ chức sự kiện và Cung cấp các dịch vụ về xúc tiến di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Trung tâm hoạt động theo định hướng trở thành đơn vị hàng đầu ở Việt Nam trong công cuộc giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam ra nước ngoài; Tăng cường quan hệ ngoại giao về văn hóa giữa Việt Nam và các nước; Giao lưu, học hỏi và tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước bạn nhằm bảo tồn và không ngừng phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam; Tạo cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ, cá nhân đang thực hành, nắm giữ di sản được thể hiện tài năng trên trường quốc tế.
Tại buổi lễ kỷ niệm và ra mắt Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, đã diễn ra buổi trình diễn nghệ thuật phối hợp, là câu chuyện kể về vẻ đẹp, sức sống bền vững của di sản văn hóa trong đời sống người Việt. Tại đây, với phần nghệ thuật “Hương sắc tình người đất Việt” đưa khán giả đắm mình trong những làn điệu Chèo, Xẩm, Ví-Dặm, Đờn Ca Tài Tử thấm đượm hồn quê của 3 miền tổ quốc.
Và, lần đầu tiên trên sân khấu chuyên nghiệp có sự xuất hiện của một loại hình nghệ thuật truyền thống theo phong cách đương đại – Nghệ thuật Thư pháp hành vi, các thành viên trong Nhị thập bát tú (28 vị tinh tú nhất của giới thư pháp Việt Nam) vừa lắng nghe các lão nghệ nhân dân gian hát Chầu văn, vừa xuất tâm cảm thụ chủ đề của bản văn được hát thành chữ đại tự trên khổ giấy cao 10m. Kết thúc chương trình là nghi lễ hầu bóng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, di sản văn hóa phi vật thể đang được đệ trình Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Thúy Nga Mask