Nghệ thuật

Sân khấu ‘Tinh hoa Bắc bộ’ – ‘Gạn đục khơi trong’ để du khách hiểu và yêu văn hóa Việt

Vở diễn là cầu nối giúp khách du lịch quốc tế vừa trải nghiệm thiên nhiên, ẩm thực, vừa thưởng thức nghệ thuật

Ý tưởng Tinh hoa Bắc bộ được đạo diễn Hoàng Nhật Nam hình thành, phát triển, chia thành 6 phần nội dung chặt chẽ: “Thi ca”, “Cõi Phật”, “Hoài cổ”, “Nhạc họa”, “An vui” và “Ngày hội”. Nhờ kỹ thuật âm thanh ánh sáng hiện đại, sự nghiêm túc tập luyện và trình diễn của hơn 200 diễn viên gồm người dân bản địa và sinh viên trường Cao đẳng Múa Việt Nam, khán giả sẽ cảm nhận được các lĩnh vực nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc, các hoạt động vui chơi, giải trí đến các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tinh thần của con người Việt Nam trong lao động, sản xuất, trong cả cách ăn mặc; và tất nhiên, không thể thiếu được, đó là học vấn, tri thức.


Dưới ánh trăng thiên nhiên lung linh và huyền ảo, du khách ngỡ ngàng bước vào phần 1 “Thi ca”. Tiếng côn trùng, tiếng nước, tiếng khua mái chèo làng quê, lão ngư đội nón câu cá thanh bình, tiêu diêu; hoạt cảnh người dân chài lưới, rồi những cô thôn nữ mặc yếm tát nước đầu đình vui vẻ; cảnh múc nước gầu sòng, cảnh tắm áo sen, trai gái đối đáp, bài ca dân chài với tiếng quăng chài, gõ mạn thuyền, những bài vè trong không khí lao động hăng say rộn rã… khéo léo được mở ra rồi khép lại… thể hiện không gian văn hóa cộng đồng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, mà ở đó, con người chăm chỉ làm ăn, với ước mơ no ấm giản dị.


Hay, cảnh sĩ tử lều chõng đi thi dù chỉ kéo dài trong 5 phút, song những sĩ tử mặc áo dài khăn vấn, chân đi guốc mộc đã cuốn hút du khách bởi không khí trang nghiêm của trường thi với các chòi thi đặt trên sân gạch, các quan coi thi ngồi trên chòi cao được che bởi các lọng…; những âm thanh mộc mạc như tiếng đọc thơ, bài vịnh đồng thanh, tiếng giở giấy, mài mực…Và chắc hẳn, du khách nào cũng phải bật cười trước một sĩ tử mập, vụng về hậu đậu, ăn lén khi làm bài và bị quan giám sát tịch thu, anh chàng đã khóc bù lu bù loa khi thi rớt. Đồng thời, du khách cũng vỗ tay không ngớt khi sĩ tử có gương mặt khôi ngô tuấn tú, phong thái điềm tĩnh đỗ Trạng nguyên.

“Tứ bình tố nữ” – 4 cô tú nữ bước ra từ tranh vẽ tạo yếu tố bất ngờ cho khán giả

Tuy nhiên, nếu nói về những cảnh trong vở diễn khiến khán giả trầm trồ thán phục, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cảnh thiền sư Từ Đạo Hạnh xuất hiện, những bông sen vàng nở rộ lấp lánh dưới nước, những người nghệ nhân gắn rối nước trên vai bước đi nhịp nhàng… kể câu chuyện nghệ thuật múa rối nước bằng động tác, ánh sáng và sắp đặt; hoặc cảnh mở đầu phần 4 “Nhạc họa”, 4 cô tố nữ bước ra từ tranh vẽ, công nghệ và thực tại được tính toán, đan xen tạo yếu tố làm du khách bất ngờ.

Người nông dân bước lên sân khấu để kể câu chuyện về đời sống lao động của mình

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ, để những người nông dân Sài Sơn hiền hậu, chất phác có thể biểu diễn chuyên nghiệp trên sân khấu, anh đã có những buổi trò chuyện, tâm tư với bà con để họ nghe chất giọng của mình, hiểu tâm tư, hiểu những điều người đạo diễn xây dựng và hướng đến.
Vì vậy, dưới ánh đèn sân khấu lớn, trang phục, đạo cụ… những người nông dân đã khác. Họ quên đi bỡ ngỡ, cái “tôi” rụt rè, họ là diễn viên thực thụ, kể lại chính cuộc đời mình thường nhật: xưa, và nay. Nhờ đó, các diễn viên di chuyển trên mặt hồ thành thục với hệ thống đường đi ngầm. Mô hình hoạt cảnh giấu chìm dưới nước phối kết hợp nhuần nhuyễn với âm thanh, ánh sáng, làm nên sự hoàn chỉnh và thành công của “Tinh hoa Bắc bộ”.

Đến với vở diễn “Tinh hoa Bắc bộ”, du khách còn được thưởng thức dân ca quan họ Bắc Ninh

Không chỉ làm minh chứng cho nỗ lực của những người làm nghệ thuật trên đất Việt, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” còn mở ra những tiềm năng phát triển du lịch cho địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung
Trước hết, “Tinh hoa Bắc bộ” đáp ứng nhu cầu những người sinh sống và làm việc đô thị, với tốc độ phát triển “chóng mặt”, khói bụi và bận rộn bủa vây, họ có mong muốn tìm về bình yên và “gợi nhớ những điều lâu lắm rồi bản thân mình quên mất”. Đến với vở diễn này, ngay từ lối đi vào cổng, du khách sẽ ngỡ ngàng khi bắt gặp những bụi chuối, mái tranh, những quán xá lúp xúp xinh xắn bán bánh giò, bánh nếp, kẹo dồi, kẹo lạc, xôi gói lá sen lá chuối thơm nồng… Du khách có thể check-in bằng những tấm ảnh chụp cùng liền anh liền chị miền quan họ hay anh chàng Trạng nguyên hay cùng con cái tham gia các trò chơi dân gian thú vị như ô ăn quan, bịt mắt bắt dê… Còn qua vở diễn, họ ghi nhớ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “công cha nghĩa mẹ”, không khí ngày mùa, ngày hội…


Tiếp đó, vở diễn còn làm “cầu nối” hợp lý và hợp tình đối với khách du lịch quốc tế chưa am hiểu về văn hóa Việt Nam có nhu cầu vừa trải nghiệm thiên nhiên, ẩm thực, vừa thưởng thức nghệ thuật. Thấu hiểu điều này, đạo diễn Hoàng Nhật Nam “phá bỏ rào cản” ngôn ngữ nói và viết bằng ngôn ngữ của âm nhạc, ngôn ngữ của hình thể trình diễn. Đặc biệt, nội dung vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ” được tóm lược gọn ghẽ bằng đôi ba dòng trên máy chiếu ngay khi vở diễn khai màn, làm “chìa khóa” cho du khách dễ dàng nắm bắt.


Sân khấu thực cảnh đã góp phần khiến địa phương và nhà đầu tư khai thác tốt hơn tài nguyên du lịch, thêm phong phú các sản phẩm du lịch sẵn có của các công ty lữ hành. Đây cũng là một địa chỉ mới cho các du khách khi quay lại Việt Nam ưu ái lựa chọn. Thay vì chuyến đi chỉ gồm có các dịch vụ ẩm thực, lưu trú, ngắm cảnh và đi lại; thay vì xem các chương trình nghệ thuật chỉ gói gọn trong không gian bó hẹp của nhà hát; với “Tinh hoa Bắc bộ” du khách có thể tham quan một không gian khoáng đạt, tự do hơn, chiêm ngưỡng màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, gợi mở những cảm xúc suy nghĩ về văn hóa xứ sở và giao lưu với các diễn viên về suy nghĩ, cảm nhận của mình.

Chị Nguyễn Thị Hà (37 tuổi), một người nông dân xã Sài Sơn tham gia vở diễn cho biết, bên cạnh các du khách trong nước, lượng khách nước ngoài đến xem vở diễn cũng ngày một nhiều lên. Những tràng vỗ tay không ngớt, nụ cười thân thiện của họ đã trở thành sự cổ vũ, động lực cho chị cùng các diễn viên ngày một tự tin, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đến với vở diễn với niềm đam mê và niềm vui lan tỏa văn hóa cộng đồng.
“Du khách chọn thưởng thức “Tinh hoa Bắc bộ” khi đến với Thủ đô Hà Nội là vinh dự của chúng tôi, chúng tôi cũng coi việc tham gia vở diễn như một “nghề tay trái”, nên hy vọng du khách sẽ ngày càng đến xem đông hơn nữa” – chị Nguyễn Thị Hà nói.

Thanh Vân

ảnh: Tuấn Đào

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *