Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước Việt Nam chìm trong đêm dài nô lệ.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước Việt Nam chìm trong đêm dài nô lệ. Các phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra mạnh mẽ, tràn đầy khí phách và sáng ngời tinh thần yêu nước, nhưng tất cả đều không thành công vì thiếu một đường lối đúng đắn. Ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập, là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02/02/1908-02/02/2018), 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2018), sáng 18/1, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức trưng bày chuyên đề: “Sáng mãi niềm tin”.
Trưng bày khẳng định niềm tin bất diệt của những người chiến sỹ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng sẽ thành công. Trải qua 15 năm đấu tranh gian khổ, cách mạng đã đi đến bến bờ thắng lợi, Nhà nước Việt Nam độc lập đã ra đời. Để có được thành quả vĩ đại đó, nhân dân ta đã phải đổ bao xương máu, gánh chịu biết bao hy sinh. Nhiều đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng như: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… bị bắt, giam trong các nhà tù như: Hỏa Lò, Côn Đảo, Sơn La, Phú Quốc… Dù bị đọa đày nơi ngục tù tăm tối, dù phải hy sinh tính mệnh, những người chiến sỹ ấy vẫn hiên ngang.
Phần mở đầu của trưng bày giới thiệu nội dung: Nguyễn Đức Cảnh – Dấu ấn nhà cách mạng. Sống hòa mình, cùng lao động với công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, đồng chí đã từng bước gây dựng phong trào cách mạng từ Hải Phòng lan tới vùng mỏ Quảng Ninh của Tổ quốc. Ra đi ở tuổi 24 tràn đầy nhiệt huyết, người con ưu tú của quê hương Thái Bình đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét cho sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (3/1929); Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929); Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) (7/1929). Những ngày cuối cùng tại xà lim án chém, Nhà tù Hỏa Lò, người tử tù có bí danh Bé Con ấy vẫn nỗ lực hết mình, viết nên tác phẩm:“Công nhân vận động” để báo cáo với Đảng về tình hình công nhân và những kinh nghiệm vận động, chỉ đạo đấu tranh.
Trong nội dung thứ hai: Tiến bước dưới cờ Đảng, giới thiệu bốn đồng chí Tổng Bí thư: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ. Các đồng chí đã kế tiếp nhau tham gia chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam từng bước vượt qua phong ba. Những người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã anh dũng hy sinh khi chưa kịp chứng kiến thắng lợi của cách mạng theo con đường các đồng chí vạch ra. Nhưng, chính niềm tin các đồng chí dày công xây đắp đã thôi thúc quần chúng yêu nước biến thành hành động trong cao trào đấu tranh giành chính quyền những năm 1939 – 1945.
Nơi niềm tin tỏa sáng là nội dung cuối của trưng bày thể hiện sự tri ân công lao của những chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Từ Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước đến nơi đại ngàn hay biển đảo xa xôi, nhiều di tích là các nhà tù, nhà đày được bảo tồn, trở thành nơi nuôi dưỡng niềm tin, lòng yêu nước, nghị lực sống cho nhiều thế hệ người Việt Nam.
Giao lưu với nhân chứng lịch sử ông Lâm Văn Bảng – Cựu tù Phú Quốc, Ủy viên Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Thành phố Hà Nội, Giám đốc Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày cho biết: “Ngay từ ngày ngồi trong nhà trường, bài học của các thầy cô giảng dạy cho chúng tôi về truyền thống cách mạng và tinh thần của các nhà tiền bối yêu nước đã theo chúng tôi suốt cả cuộc đời. Chính vì thế, trên bước đường hành quân và trong quá trình chiến đấu những tấm gương hi sinh đó và niềm tin tuyệt đối vào Đảng luôn luôn theo chúng tôi. Và trong trận chiến đấu khắc nghiệt Mậu Thân 1968, tôi đã bị 15 vết thương và trong suốt 4 năm 8 tháng 7 ngày không được điều trị cho nên trong thân thể cứ mỗi tháng lại đẩy ra một mảnh xương và cứ như thế nhưng niềm tin trong tôi vẫn luôn sáng ngời. Trong thời kỳ ở nhà lao Phú Quốc, không có ngày nào là không bị đánh đập, phơi nắng. Chúng tôi sinh hoạt rất kham khổ nhưng ý chí sắt đá, niềm tin tuyệt đối vào Đảng rất sáng ngời. Nói tới Đảng là nói tới niềm tin.
Có những đường hầm dài hàng 200- 300m, đào tới 3-4 tháng, nhưng hàng nghìn người trong một phân khu vẫn giữ được bí mật và đưa hàng chục khối đất lên. Đấy chính là niềm tin và khi bị lộ như đồng chí Đặng Hồng Sơn (ở Đội Cấn, Hà Nội) bị phát hiện, địch đánh anh nhưng anh không khai và cuối cùng 9 cái đinh, 2 cái đóng vào bàn tay, 2 cái đóng vào bàn chân, 2 cái đóng đầu gối, 2 cái đóng bả vai, 1 cái cuối cùng nó hỏi: Nếu thả về có đào hầm nữa không? Anh trả lời: Tao còn sức khỏe, tao còn đào hầm! Và cái đinh thứ 9 nó đóng lên đầu anh, anh đã hi sinh. Đấy chính là cái gì nếu không phải là niềm tin sắt đá. Trong tù, chúng tôi đã lấy máu của mình vẽ nên lá cờ Đảng, lấy máu của mình tô nên ảnh Bác Hồ để những ngày 2/9, những ngày kỷ niệm, anh em tổ chức kỷ niệm và tổ chức kết nạp Đảng viên mới. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có những quyển Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam viết ở trong tù. Điều đó thể hiện quá trình của những vị tiền bối đã truyền cho anh em chúng tôi từ những bài học trong nhà trường và niềm tin đó đối với người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nói chung là tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và sự lãnh đạo của Đảng và chúng tôi nguyện là những người lính gác cổng trung thành đối với Đảng”.
Trung úy Hoàng Thị Yến – Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Bảo vệ trụ sở Trung ương Đảng và Quốc hội, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an xúc động chia sẻ: “Thế hệ trẻ chúng ta chỉ biết đến chiến tranh, mất mát qua những bộ phim tài liệu, những tác phẩm văn học, qua những ca khúc cách mạng hay báo chí… Nhưng hôm nay, được nghe trực tiếp những câu chuyện về 5 đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng; đặc biệt là những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử như Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, bác Lâm Thị Hồng, bác Lâm Văn Bảng, được hiểu thêm về ý nghĩa của 2 từ “độc lập”, những gian khổ, mất mát mà các bác đã trải qua khi bị giam giữ tại các nhà tù thực dân, đế quốc. Tuổi thanh xuân, hạnh phúc, máu và nước mắt của các Bác cũng như bao lớp người đi trước đã dành trọn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Dù trong cảnh tù đày, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, nhưng các Bác vẫn giữ trọn lời thề, giữ trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự thành công của cách mạng để vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Các Bác đã sống với lý tưởng “Con đường của Thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng mà không có con đường nào khác”. Thì ngày hôm nay, trong giờ phút xúc động này, câu chuyện của các bác đã thôi thúc chúng cháu phải sống và làm việc có bản lĩnh, lý tưởng, hoài bão ra sao để không phụ lại những hi sinh đó”.
Trưng bày chuyên đề: “Sáng mãi niềm tin” là lời khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng sẽ thành công. Những đóng góp, hy sinh của các đồng chí đã tạo nên những mùa xuân hạnh phúc cho dân tộc. Ngày hôm nay, những mùa xuân đó vẫn nở hoa giúp bồi đắp hơn nữa niềm tin, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trách nhiệm thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Bảo Hân
Theo MaskOnline