Di sản

Sinh hoạt văn hóa bổ ích của những người làm công tác Di sản Thủ đô

Sau các phần thi sôi nổi, hấp dẫn, “Hành trình Di sản Thăng Long – Hà Nội năm 2018” đã khép lại với giải Nhất được trao cho Đội chơi của Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám; giải Nhì được trao cho Đội chơi của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội; hai giải Ba được trao cho Đội chơi của Bảo tàng Hà Nội và Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Tối 30/10, tại sân nhà Thái Học, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, những người làm công tác Di sản trên địa bàn Thủ đô đã có dịp hội ngộ trong một sân chơi giàu ý nghĩa “Hành trình Di sản Thăng Long – Hà Nội 2018”.  Tình yêu, sự tâm huyết với công việc của cán bộ làm công tác Di sản trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là những thông điệp âm vang từ cuộc thi sau những giải thưởng được trao cho đội xứng đáng để mỗi người  đang sinh sống, học tập, tham quan Thủ đô cùng nêu cao ý thức giữ gìn,  phát huy giá trị Di sản Thăng Long – Hà Nội.

Các Đội chơi tham dự vòng thi tìm hiểu kiến thức

 Cùng trổ tài qua 3 vòng thi

Theo kế hoạch, “Hành trình Di sản Thăng Long – Hà Nội” diễn ra vào 19h00 ngày 30/10 nhưng trước đó hơn  hơn 1 tiếng, sân nhà Thái Học đã nhộn nhịp. Đó là thành viên của 4 đội chơi đến từ: Phòng Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Hà Nội và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Mỗi đội chơi có 3 thành viên, cùng tham gia tranh tài qua 3 vòng thi: Tìm hiểu về kiến thức Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội; Tìm hiểu về kiến thức chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản; Chia sẻ kinh nghiệm. Không gian nhà Thái Học đã vang rộn những tràng pháo tay của các cổ động viên trước sự tài năng, hiểu biết của các cán bộ làm công tác Di sản. Ở hai vòng  thi đầu, thông qua các phương  án trả lời chính xác các đội chơi giới thiệu về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội; về chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản trên địa bàn Thủ đô.

Các cán bộ làm công tác Di sản trổ tài văn nghệ

Đọng lại nhiều cảm xúc nhất chính là vòng thi Chia sẻ kinh nghiệm. Các đội chơi chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị mình về một hoặc nhiều hoạt động trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản.  Qua phần dự thi của mỗi đội, khán giả có điều kiện hiểu biết rõ hơn, sâu hơn về những thuận lợi cũng như khó khăn khi thực hiện công  việc của những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản: Công tác vận động hiến tặng hiện vật (Bảo tàng Hà Nội); công tác giữ gìn, phát huy giá trị của di tích Nhà tù Hỏa Lò, trong đó có cây bàng gần 600 năm tuổi (Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò); triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố (Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội); hoạt động giáo dục Di sản cho đối tượng là học sinh (Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Điều nổi bật mà người xem cảm nhận được khi theo dõi vòng thi Chia sẻ kinh nghiệm của các đội chơi đó là sự tâm huyết, trách nhiệm, là tình yêu mà mỗi cán bộ làm công tác Di sản dành cho công việc. Vì có những điều đó, họ đã luôn nỗ lực để vượt qua khó khăn, không ngừng trau dồi kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ; phát huy sức sáng tạo và tinh thần mạnh dạn đổi mới trong triển khai các nhiệm vụ đem lại hiệu quả cao.

Lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa

Đội chơi Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám xuất sắc giành giải Nhất

Sau các phần thi sôi nổi, hấp dẫn, “Hành trình Di sản Thăng Long – Hà Nội năm 2018” đã khép lại với giải Nhất được trao cho Đội chơi của Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám; giải Nhì được trao cho Đội chơi của Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội; hai giải Ba được trao cho Đội chơi của Bảo tàng Hà Nội và Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Thông qua Hành trình, những cán bộ làm công tác Di sản của Hà Nội đã cho thấy họ không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn có những năng khiếu văn nghệ, thơ ca. Nổi bật nhất chính là tình yêu, sự gắn bó với công việc mà họ lựa chọn; là những thông điệp cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội được gửi gắm qua mỗi vòng thi. “Hành trình Di sản Thăng Long – Hà Nội năm 2018”  chính là một cơ hội để họ được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm góp phần không ngừng nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội; là hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11). Đúng như trong phát biểu khai mạc, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã trao đổi: “Với 3 vòng thi tìm hiểu về Di sản Thăng Long – Hà Nội và cập nhật kiến thức pháp luật về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cùng một sân chơi độc đáo để chia sẻ kinh nghiệm dưới hình thức sân khấu hóa, các đơn vị trong Khối Di sản sẽ mang đến Hành trình một sinh hoạt văn hóa bổ ích, lành mạnh, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa những người làm công tác Di sản và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá về Di sản, cũng như khích lệ các đơn vị không ngừng phấn đấu nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa của Thủ đô”.

Minh Huệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *